Phần lớn mọi người khi làm việc được 5, 6 năm thì sẽ gặp phải hiện tượng "nút cổ chai nghề nghiệp". Đó là khi công việc vừa quen tay, mọi thói quen đã đi vào nề nếp, các mối quan hệ công việc cũng được thiết lập ổn định, nhưng cấp trên lại không có ý đề bạt thăng chức cho bạn.
Phải chăng bạn sẽ suy nghĩ thế này. Nên hay không nên nói chuyện với sếp? Khổ nỗi không mở nổi miệng, không dám nói. Nhưng một khi vẫn chưa nói thì tự mình lại thấy uất ức, thấy không đáng.
Cho nên, mọi người đến tầm tuổi này thường sẽ là một mặt vẫn bình bình làm việc cho sếp, mặt khác thì luôn âm thầm ra ngoài tìm công việc khác "tốt" hơn.
Có một vài câu chuyện nhỏ dưới đây, tôi tin là bạn sẽ bắt gặp mình ở đâu đó...
Câu chuyện số 1: "Không làm việc ở đây thì sẽ không khổ" – đừng tự lừa mình nữa
Thời gian trước đây tôi có gặp phải một người đúng lúc đang muốn nhảy việc; là người bạn của đứa em, vừa tròn 30, vừa đúng độ hoàng kim của nghề nghiệp thì lại không được sếp coi trọng để ý, vì thế mới muốn rời đi. Tôi liền có ý giới thiệu chàng trai với bộ phận HR, giám đốc nhân sự rất hài lòng với CV của cậu ta, liền hẹn lịch phỏng vấn. Buổi phỏng vấn tính ra cũng rất thuận lợi, thế nhưng đến cuối cùng cậu ta lại không đồng ý đi làm.
Tôi đã tưởng rằng cậu ta chê công việc đó lương thấp, nên muốn giới thiệu với anh ta một công việc nhiều tiền hơn chút.
Kết quả, cậu ta nói với tôi: "Không phải vấn đề tiền mà là dù công ty này có trả lương cao hơn em cũng không làm. Em nghe nói nhân viên ở đây thường phải tăng ca đến muộn, em năm nay 27 tuổi vẫn chưa kết hôn, nhỡ để bản thân mệt chết rồi chẳng phải là thiệt quá thiệt sao!" vừa nói vừa chỉ vào bản thân như thể mình có dư mọi thứ rồi vậy.
Tôi đến cạn lời, chỉ tiện than ra bốn từ: "Sức khỏe quan trọng!"
Nếu như sợ lương thấp, tôi vẫn có thể nói hộ. Nếu như là sợ mệt, tôi vẫn có thể cho cậu ta "cắt tiết gà". Nhưng mà lấy tính mạng ra để nói chuyện như thế, tôi đúng là hết cách biện minh rồi.
Nghe nhiều người nói tăng ca ảnh hưởng tới sức khỏe này nọ, rồi lần nào cũng than "nếu không làm việc ở đây thì sẽ không khổ thế này", tôi cảm thấy rất không đồng tình. Nhưng đây chính là hiện thực, cái gì họ không với tới thì sẽ lấy "dưỡng thân thể" ra làm bia chắn.
Sau đó nghe bạn bè nói, người đến phỏng vấn hôm đó hiện tại vẫn đang ở lại làm việc cho công ty cũ, cậu ta nhiều lần đề bạt chuyện tăng lương với sếp nhưng không được, vì thế mà luôn thầm oán trách lương công ty thấp rồi âm thầm ra ngoài tìm công việc khác.
Câu chuyện số 2: Hiếm có! Cô gái nhảy việc thành công rực rỡ vì...
Làm việc mấy năm nay, câu chuyện mà tôi hay tám với bạn bè nhất chính là chuyện lương thưởng.
Lúc vừa mới tốt nghiệp, mỗi người đều có một động lực như nhau, dẫu có khổ có mệt cũng không sợ, cả sức khỏe lẫn tinh thần đều có thể gánh vác công việc. Chính là kiểu "một người ăn no, cả nhà không đói"; bởi trên chưa cần phụng dưỡng người già, dưới không phải nuôi trẻ nhỏ.
Năm năm qua đi, có chút kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống cũng dễ dàng hơn. Vì sự nghiệp có thể không cần tình yêu. Còn nếu yêu đương thì có thể mất đi công việc. Chuyện càng thốn hơn đó là muốn thăng cấp nhưng lại không đủ chí khí. Không thăng được chức thì tâm can bất phục.
Cuối cùng, nhảy việc chính là chọn lựa của rất nhiều người.
"Tôi luôn cảm thấy cho dù là công ty tốt đến mấy, một công việc cũng không thể làm quá lâu". Một mặt vì quá quen việc sẽ khiến người làm thấy nhàm chán, lười biếng. Một mặt là vì kỹ năng và các mối quan hệ bị xít lại cố định. Trong tình cảnh đó, một khi thăng chức không thành thì đó chính là cơ hội tốt để "nhảy việc".
Cuối cùng, đi về đâu lại trở thành một vấn đề khác!
Em họ tôi năm nay 30 tuổi, cô ấy vừa làm vừa học lên tiến sĩ tốn mất 5 năm, thành tích công việc cũng đạt được không ít. Nhưng cấp trên lại không thăng chức cho cô ấy. Cô ấy nhắc tới mấy lần thì sự hồi đáp nhận lại luôn là "năm sau". Một lúc uất ức, cô ấy liền từ chức. Sau đó đem hai cái đơn ứng tuyển đi ứng tuyển ở hai nơi khác, lương cao hơn, cường độ công việc cũng cao hơn.
Người trong nhà đều khuyên răn cô ấy, đã 30 rồi nên lập gia đình sinh con cái, còn chần chừ nữa hối hận không kịp. Rồi cũng có chút hoang mang, những năm này cô thấy đúng là bản thân mình đang dần già đi, rồi nghề nghiệp không biết sẽ đi về đâu.
Nhưng cô ấy không cam tâm, cái kiểu cuộc sống ổn định với những đồng lương bèo bọt này khiến cô ấy ghét nhất. Nghĩ trước nghĩ sau rồi cô cũng quyết định làm theo ý mình, cũng vì đó mà mất đi một mối tình, mẹ cô bởi thế mà giận dỗi cô cả tuần.
Tôi hỏi cô, phấn đấu bấy lâu nay quyết định "kết thúc" như thế liệu có hối hận không?
Đổi lại, cô ấy hỏi tôi: Sao chị biết đó là "kết thúc" chứ?
Về sau mấy năm, cô ấy cũng kết hôn rồi cũng có con, tuy là sinh con muộn khiến cô ấy chịu không ít khổ cực nhưng cô ấy khẳng khái mà nói luôn cảm ơn sự lựa chọn của năm 30 tuổi đó.
Từ bản thân cô gái này tôi nghiệm ra thế giới này không có cái gọi là "vẹn toàn đôi bền", cũng không có mấy người thành công có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cuộc sống này chính là "chọn lựa". Chọn cái này thì phải từ bỏ cái kia.
Câu chuyện số 3: Nực cười khái niệm "đến tuổi đáng được thăng chức"
Hai tháng trước, một anh bạn cũ hay gọi điện cho tôi, than oán về sếp của anh ta. Anh ta tới công ty làm việc cũng 8 năm rồi, ngày ngày đều chuyên mẫn làm việc, cũng đưa lại không ít thành tích cho công ty nhưng tiếc thay giám đốc lại không hề cân nhắc anh ta lên vị trí phó phòng.
Anh ta ngày ngày vẫn phải ra vào làm việc, quẹt thẻ cùng với những nhân viên 90s, thật không cam tâm. Tôi mới hỏi lý do và anh ta nói ra 1 lý do không thể vô lý hơn: "Bởi vì ở phòng này, trước đây nhân viên cứ ngoài 30 thì sẽ được đề bạt làm phó phòng".
Đúng là một sự ngộ nhận đến nực cười. Vì sao mà những người đi trước họ được làm phó phòng năm họ 30 tuổi? Là bởi vì những người đó họ lại không cho mình là "lão làng" 30 tuổi trong nghề. Họ vẫn luôn bạt mạng giống như những người trẻ 90s, trước sau không hề dựa vào thâm niên mà lười nhác, cái cần học họ sẵn sàng học hỏi, lúc cần chịu khổ họ sẵn sàng chịu khổ.
Còn anh bạn kia của tôi, ngày ngày đúng 6h tan ca, buổi trưa thì không bỏ sót giấc ngủ nào, thậm chí còn ngủ quên cả trong giờ. Đồng nghiệp ai nấy đều biết chẳng qua họ không tiện nhắc nhở mà thôi.
Ấy vậy mà anh ta luôn có một câu hùng hồn thế này: "Đến tuổi của tôi rồi mọi người sẽ biết, chẳng có công việc nào đáng để mình bạt mạng với nó đâu." Mỗi lần anh ta nói tới câu này, mọi người đều nhẹ nhàng lắc đầu rời đi.
Người như thế nhưng lại luôn muốn thăng chức, dựa vào đâu chứ?
Dĩ nhiên, anh ta cũng có logic riêng của mình, theo như cách anh ta nói, thì bản thân cống hiến cho công ty 8 năm, 22 tuổi ngày ngày tăng ca, chớp mắt cũng 30 tuồi rồi, không có công lao cũng có khổ lao.
Nhưng mà, nơi làm việc không có cái gọi là "đến tuổi đáng được thăng chức", chỉ có "người xứng hay không xứng được thăng chức". Có người chưa đến 30 đã được làm quản lý, cũng vô số người ngoài 30 vẫn chỉ làm nhân viên quèn.
Theo như lời nói thịnh hành hiện nay, dù anh có 30 tuổi thì sao?
Nơi làm việc không phải giống như "con heo đất", 20 tuổi bạt mạng thi đua, 30 tuổi liền nằm dài đó chờ sung rụng. 20 tuổi có sự nỗ lực của tuổi 20 thì tuổi 30 cũng nên có sự siêng năng của tuổi 30, ở nơi làm việc sẽ không có ai giúp bạn thanh toán hóa đơn ăn trưa và bạn càng không thể chỉ dựa vào những bằng cấp lúc tuổi đôi mươi để cho rằng mình đủ khả năng thanh toán.
Người người đều nói, 30 tuổi là cái độ tuổi đáng quan ngại nhất đời người, công việc nhiều tiền thì bạn chưa có được nhưng công việc ít tiền thì chắc chắn chê, bởi thế mà cuộc sống bấp bênh, khó khăn trùng trùng. Tôi thì lại không cho rằng 30 tuổi là thời kỳ khủng hoảng, ngược lại, chỉ là do chúng ta quá coi trọng "thâm niên tuổi tác" nên mới tạo ra cái gọi là "khủng hoảng".
Nói tóm lại, không có phần công việc nào là không chịu khổ cực, cũng không có độ tuổi nào là không phải nỗ lực. Quan sát những người có thể chịu khổ hơn mình, có thể làm những công việc ít tiền hơn mình, thì sao dám khẳng khái mà khen mình giỏi hơn người ta được.
Vì vậy, đôi khi bạn phải quên đi tuổi tác cũng như bằng cấp của mình để không ngừng cố gắng học hỏi, làm việc; tu dưỡng: "Có năng lực thì phải có nhiệt huyết, có khát vọng thì phải có thái độ tốt." Như thế bạn mới thoát được "nút cổ chai nghề nghiệp".