Cụ thể, trong tháng 9, TPHCM ghi nhận 6.573 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với số ca của tháng 8. Từ đầu năm đến nay Thành phố có 85 ổ dịch tay chân miệng phát sinh trong trường học. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm trẻ 0-3 tuổi (chiếm 90%).

Cùng với đó, trong tháng 9, TPHCM ghi nhận 136 ca mắc sởi. Tích lũy trong 9 tháng đầu năm 2019, TP có 6.192 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ 99 ca. Trong hơn 6.000 ca mắc sởi, có 51% chưa được tiêm chủng và 48% chưa rõ tiền sử tiêm chủng.

Để hạn chế dịch bệnh tiếp tục tăng cao, từ nay đến cuối năm 2019, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại các phường, xã.

Khuyến cáo phụ huynh đưa con em tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm - Ảnh 1.

Cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên để phòng bệnh lây nhiễm.

Đồng thời, ngành khuyến khích các địa phương tăng xử phạt cá nhân, tập thể vi phạm Nghị định 176/2013/ NĐ-CP để phát sinh ổ dịch trong cộng đồng. Ngành Y tế tiếp tục giám sát công tác tiêm chủng mở rộng, khuyến cáo phụ huynh đưa con em đến trạm y tế tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Theo các chuyên gia, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.

Khuyến cáo phụ huynh đưa con em tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm - Ảnh 2.

Cần tiêm phòng cho trẻ đúng lịch.

Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ lây thành dịch. Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau giai đoạn phát ban của người bệnh.

Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.

Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi).

Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn

Lịch chủng ngừa sởi: mũi 1: 9 tháng, mũi 2: 15 – 18 tháng, có thể lặp lại mũi 3 lúc 4 – 6 tháng tuổi. Khoảng cách tối thiểu của 2 mũi là 1 tháng.

Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.

Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân: người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh , người chăm sóc , tiếp xúc gần và nhân viên y tế.

Hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh. Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.