* Kì 1: Chuyện về những người ăn cơm 8000 đồng/bữa, vui vẻ sống trong biệt thự triệu đô.
* Kì 2: Vợ chồng đêm ngủ với nhau tại biệt thự triệu đô nhưng phải "nhịn yêu", tháng đi nhà nghỉ một lần.
Những người phụ nữ cấp dưỡng cho hàng chục công nhân mỗi ngày đều tính toán làm sao để bữa cơm công nhân vừa đủ chất, ngon, tươi sạch và rẻ nhất có thể... Thậm chí, mỗi ngày 1 công nhân chỉ cần bỏ ra từ 25.000 - 40.000 đồng vẫn được những người phụ nữ chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn.
Khu biệt thự liền kề (lô L1 Trung Yên, Cầu Giấy) dù xây dựng đã xong phần thô khoảng chục năm nay nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Dãy biệt thự gồm 36 căn liền kề, mỗi căn rộng khoảng 60m2, cao 3,5 tầng. Để tận dụng không gian của 36 căn biệt thự để làm nơi trú ẩn của hàng trăm công nhân xây dựng. Theo đó, mỗi căn biệt thự nơi này có từ 8 - 25 công nhân sinh sống.
Mỗi căn biệt thự nơi này đều có ít nhất từ 1-2 người phụ nữ sinh sống làm công việc cấp dưỡng cho đội thợ xây. Chị Mai (27 tuổi, dân tộc Ráy trú tại Lai Châu) cho biết, chị và chồng xuống Hà Nội đã được 6 tháng. Ban ngày thì chồng đi làm thợ xây tại 1 chung cư còn chị ở nhà lo chuyện ăn uống cho 14 anh em công nhân với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Ở cùng nhà và cũng là người lo công việc bếp núc với chị Mai, chị Nguyễn Thị Nhiệm (35 tuổi, quê Hòa Bình). Vừa lo bữa cơm cho hơn 20 anh em thợ xây, chị vừa tranh thủ trò chuyện về bản thân: "Do ở nhà không có việc nên đành theo chồng xuống Hà Nội mưu sinh, do phụ nữ sức yếu nên đã xin chân nấu nướng với mức lương 5 triệu đồng".
Chị Nhiệm, chị Mai cho biết, tất cả khu vực có khoảng mấy chục người làm nghề cấp dưỡng cho anh em công nhân. Tùy vào số lượng người sống ở mỗi căn biệt thự mà có từ 1 hoặc 2 người cùng làm công việc này.
"Vì anh em công nhân phải làm việc vất vả nên mỗi ngày chúng tôi đều phải nấu cơm 3 bữa gồm: sáng - trưa - tối. Các bữa ăn đều phải đảm bảo tiêu chí: chắc bụng, ăn được và đảm bảo vệ sinh", chị Mai cho hay.
Để nấu cơm cho từ hơn 10 người đến hơn 20 người, mỗi ngày, 2 chị phải dậy thật sớm, đi chợ và lựa chọn đồ ăn sao cho phù hợp với số tiền anh em công nhân bỏ ra. Tại căn biệt thự 2 chị đang ở, anh em công nhân chi trả 40.000 đồng/3 bữa cơm/ngày nên các chị cũng dễ dàng nấu nướng, lựa chọn đồ ăn hơn.
"Chúng tôi đều phải tính toán làm sao cho phù hợp với số tiền anh em bỏ ra, thường thì bữa cơm có 2 món mặn, có cá, thịt, rau và canh. Để mua sắm thực phẩm được rẻ và cải thiện bữa ăn cho anh em chúng tôi phải thường xuyên đi chợ đầu mối để có được thực phẩm rẻ hơn", chị Nhiệm nói thêm.
Tại một căn biệt thự khác có đến 14 anh chị em công nhân xây dựng sinh sống, chị Nguyễn Thị Hương (31 tuổi, trú tại Như Thanh - Thanh Hóa) đang cố gắng nấu thật nhanh bởi anh em công nhân sắp tan ca. Chị cho biết, tại đây anh em đặt cơm giá 30.000 đồng/3 bữa/ngày nên việc mua sắm, chế biến đồ ăn cũng được tính toán kỹ sao cho hợp lý.
"Con em được 6 tuổi và đang phải gửi ông bà ngoại chăm sóc, vì ở quê chẳng có việc nên đành xa con đi làm nấu nướng tại đây với lương 4,5 triệu đồng/tháng. Do tính chất công việc nên từ Tết đến giờ cũng mới chỉ về thăm con được 1 lần, nhiều lúc nhớ con lắm nhưng cũng đành", Hương chia sẻ.
Hương cũng cho biết thêm, tại khu biệt thự bỏ hoang này rất nhiều chị em ở cùng anh em công nhân. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ có chồng sống cùng trong biệt thự được bố trí ở phòng riêng, và những người chỉ có 1 mình như Hương cũng được bố trí tại một phòng riêng.
"Tuy mức lương 4,5 triệu đồng không cao nhưng cũng không quá vất vả nên em cứ cố làm để lấy tiền gửi về quê cho ông bà nuôi con. Em làm tại đây chắc đến Tết thì sẽ về và có thể sẽ chuyển sang công việc khác để làm", Hương nói thêm.
Cuộc sống tại đây cái gì cũng tạm bợ, thậm chí với những người phụ nữ cấp dưỡng cho công nhân cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cả chị Hương, Nhiệm và Mai đều gặp phải ít nhiều sự phàn nàn bởi có khi cắm cơm nhưng đến giờ ăn lại bị sống, sượng. Hoặc đơn giản nhiều hôm bỏ mắm muối quá tay cũng bị anh em nói nhiều.
Một mâm cơm 4 người lớn có: rau muống, nước luộc rau, cá rô phi chiên giá 40.000 đồng dưới bàn tay của những người phụ nữ. Trao đổi với chúng tôi, anh Phi một công nhân cho hay: "Cũng không quá cầu kỳ và quan trọng đối với mâm cơm nhưng miễn sao chúng tôi được ăn no, chắc bụng để có sức làm việc là tốt rồi".
Một mâm cơm được một người phụ nữ cấp dưỡng dọn sẵn khi anh em công nhân vừa đi làm về. Người phụ nữ này cho biết, anh em đi làm cả ngày vất vả và khá đói nên ngay khi họ đi làm về, tắm rửa xong là trên bàn phải có cơm ăn ngay.