LTS: Áp lực cuộc sống gia đình lẫn công việc ngày càng lớn khiến người phụ nữ hiện đại dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, nặng hơn là mắc bệnh tâm thần, loạn thần. Điều đáng báo động là những năm qua, tỷ lệ phụ nữ bị mắc bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Trong đó, rất nhiều phụ nữ do gặp những cú sốc trong cuộc sống gia đình đã phải nhập viện điều trị bệnh tâm thần. Chúng tôi đã đi tìm những câu chuyện khiến người phụ nữ phát điên với mong muốn xã hội nhận thức đầy đủ về những áp lực mà người phụ nữ đang gặp trong cuộc sống hiện đại.
Kì 1: Hóa điên vì bị chồng bạo hành, bị người yêu cũ lừa "ăn trái cấm"
BS Lưu Quốc Thái, Trưởng khoa Khám bệnh bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM cho biết, mỗi ngày khoa tiếp từ 60-80 lượt bệnh nhân đến khám, với đối tượng chủ yếu là những người bị trầm cảm. Số lượng phụ nữ đến khám vì loạn thần không nhiều, nhưng hầu hết đều có nguyên nhân đến từ phía gia đình.
Mâu thuẫn gia đình là một trong những nguyên nhân gây nên chứng loạn thần ở phụ nữ.
Phát hiện chồng "ăn chả", đi đánh ghen thì bị... chồng đánh
Theo BS Thái, khi người phụ nữ kết hôn, hoàn cảnh gia đình chồng chi phối không nhỏ đến suy nghĩ, cuộc sống của họ. Nếu có một gia đình hạnh phúc, tinh thần của người phụ nữ dễ dàng được giải tỏa. Ngược lại khi sống trong một kiểu gia đình gia trưởng, phục tùng hoặc người chồng không chung thủy lâu ngày, họ cũng có khả năng dẫn đến trầm cảm, thậm chí loạn thần.
Bên trong khung cửa. những dáng phụ nữ tội nghiệp đang nằm nhớ lại câu chuyện cuộc đời mình trong hỗn độn.
Như trường hợp của chị V. sống tại TP.HCM. Ngày biết chồng có người khác, chị vô cùng tức tối. Cơn ghen tuông khiến người phụ nữ bỏ hết công ăn việc làm, dồn hết thời gian, tìm mọi phương cách để truy tìm tình địch. Khi đã có thông tin của đối phương, người phụ nữ vạch ra hẳn kế hoạch đánh ghen chi tiết. Khi bắt gặp tại trận cảnh chồng âu yếm nhân tình, chưa kịp trút giận lên người kẻ cướp chồng mình, chị V. đã bị chồng đánh vì làm mất mặt anh ta.
Đau đớn khi bị chồng ruồng bỏ thẳng thừng, chị dần trở nên mất trí, nói nhảm, nghe thấy ảo thanh. Thậm chí chị còn có ý định tự tử nhưng may mắn được gia đình phát hiện.
Cô gái này liên tục gọi phóng viên là "anh Được", người yêu cũ của cô.
Mất quyền nuôi con – bi kịch người phụ nữ loạn thần
Như trường hợp một người phụ nữ quê miền Tây tên C. gần đây đến khoa điều trị. Theo lời kể của chị C., từ ngày lấy chồng, chị thường xuyên gánh chịu những trận đòn bạo hành. Người chồng đánh vợ bất kể ngày đêm và mức độ "ăn đòn" sẽ càng nâng lên khi anh ta uống rượu say xỉn. Vì sợ ảnh hưởng đến gia đình, con cái nên người phụ nữ cam chịu trong thời gian dài. Đến khi "giọt nước tràn ly" thì chị đã không còn tỉnh táo.
Nếu được gia đình quan tâm chăm sóc, tình trạng bệnh nhân sẽ có hi vọng cải thiện.
Còn nếu bị hắt hủi, xa lánh bệnh sẽ có thể phát triển theo chiều hướng xấu hơn.
Mặc dù đã viết đơn ly hôn, nhưng trong thời gian này, anh chồng vẫn tìm cách tiếp cận và "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ. Để đến khi ra tòa thì người vợ đã bị ảo giác, mọi thanh âm khi lọt vào tai chị đều hóa thành tiếng chửi bới, hăm dọa đòi chém của người chồng.
Trong lúc tiếp xúc với phóng viên, nhiều phụ nữ cho biết, rất nhớ gia đình.
"Vì đầu óc đã không còn bình thường nên sau khi phiên tòa xử li dị kết thúc, bệnh nhân bị tước quyền nuôi con. Với người phụ nữ, tình mẫu tử, đứa con là sợi dây gắn kết vô cùng quan trọng nên sự việc này lại càng giáng vào đầu người phụ nữ một nhát búa lớn, khiến tình trạng bệnh của bệnh nhân càng thêm trầm trọng" - BS Thái chia sẻ.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
BS Thái cho biết, những trường hợp loạn thần nhưng bị cách ly khỏi gia đình hay không được người thân, chồng con chăm sóc, bệnh nhân dễ dẫn đến những hành động dại dột. Tại khoa Khám bệnh đã từng tiếp nhận những trường hợp rất đau lòng như vậy, khi chồng đưa vợ tự tử đến nhập viện.
Nhiều trường hợp loạn thần nặng có thể dẫn đến tự tử. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra theo BS, yếu tố thời tiết như vào mùa nóng cũng phần nào ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân. "Thời tiết là yếu tố ngoại lai, khi nóng cơ thể phải điều tiết để giải nhiệt khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hơn, yếu đi, dễ tái phát bệnh tình. Từ đó có những hành vi gây nguy hiểm cho người khác" - BS Thái phân tích.
BS Lưu Quốc Thái cho biết, thời tiết cũng có thể tác động đến tình trạng của bệnh nhân.
Về việc điều trị chứng loạn thần, Trưởng khoa Khám bệnh BV Tâm thần cho biết, thông thường là dùng thuốc đặc trị. Vì đã ở vào giai đoạn nặng, nên quá trình điều trị là lâu dài, thường được tính bằng năm.
Xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn về bệnh lý tâm thần.
"Quan trọng nhất vẫn là giải quyết dứt điểm xung đột tâm lý, nguyên nhân khiến bệnh nhân phát bệnh mới có khả năng trị hết. Với những nữ bệnh nhân mắc chứng loạn thần, nhân tố gia đình, sự trợ giúp xã hội giữ vai trò vô cùng quan trọng. Phụ nữ khi lấy chồng cần tìm hiểu kỹ, tránh kiểu gia đình gia trưởng, phục tùng" - BS Thái nhận định.
Ngoài ra, vấn đề kỳ thị bệnh lý Tâm thần trong dân chúng còn rất nhiều, kể cả khi bệnh nhân mang triệu chứng của trầm cảm hay loạn thần. Đây cũng là lý do vô tình khiến bệnh nhân bị cách ly khỏi cộng đồng, lâu dần làm bệnh nặng hơn, mất kiểm soát.