Mười lăm tuổi, khi các bạn cùng trang lứa “tụm ba tụm bảy” rinh rích chuyện “đèn đỏ” khi “đến tháng”, thì Phan Thị H (SN 1991, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại phải lảng ra chỗ khác. Ôm nỗi mặc cảm này tới khi vào đại học, H lặng người khi cầm kết quả kiểm tra: Dị tật bẩm sinh không có âm đạo…
Niềm vui vô bờ khi được trả lại đúng giới tính
H kể, từ khi biết nhận thức, em thấy “chỗ ấy” của mình đã không bình thường! Đến tuổi dậy thì, trong khi các bạn thẹn thùng chuyện “chỏm cau”, “đèn đỏ” thì với H, những hiện tượng ấy vẫn cứ biệt tăm. Nghĩ là chuyện “tế nhị”, H tuyệt đối giấu bố mẹ. Lớn hơn, khi vào đại học, H mạnh dạn đi khám sản khoa. “Cầm kết quả với rất nhiều chữ không: Không tử cung, không buồng trứng, không âm đạo nên mới không có kinh nguyệt hàng tháng. Không thể sinh hoạt tình dục, không thể có con, em đã nghĩ mình không thể làm phụ nữ được nữa!”, cô gái 24 tuổi nhớ lại.
Gõ cửa nhiều nơi, H chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tưởng chừng vô vọng, H định buông bỏ, chấp nhận thân phận thiệt thòi. Song cơ hội đã đến khi đầu năm 2014, H được giới thiệu tới Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội) để thực hiện tạo hình âm đạo. Sau khi tiến hành xét nghiệm, thấy H đảm bảo các yêu cầu phẫu thuật, chỉ trong 3 tuần, các bác sĩ đã “trả” H về đúng với bản chất của người phụ nữ. Trở lại thăm khám tại bệnh viện cuối năm 2014, H thẹn thùng tâm sự với ThS.BS Phạm Thị Việt Dung (Khoa Phẫu thuật chỉnh hình) – người trực tiếp điều trị cho em: “May mắn là bạn trai em rất thông cảm cho em, có thể năm nay em sẽ lấy chồng rồi xin con nuôi”.
“Đó là 1 trong số 10 bệnh nhân mà chúng tôi đã giúp tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng. Đây là một phương pháp rất mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã được GS.TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình) phát minh và cùng cộng sự tiến hành từ năm 2013”, ThS.BS Phạm Thị Việt Dung cho hay.
Theo ThS.BS Việt Dung, tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu thống kê cụ thể ở cộng đồng về số người mắc dị tật không âm đạo, nhưng trên thế giới, cứ khoảng 4.000-10.000 trẻ nữ thì có một trường hợp mắc dị tật này.
“Có những người đến tuổi dậy thì nhưng lại chưa có hành kinh, không biết mình bị bệnh và cam chịu. Một số trường hợp bị dị tật bẩm sinh bên ngoài, âm thầm chấp nhận hoàn cảnh đó từ bé đến lớn và sống trong nỗi mặc cảm như thế...”, BS Việt Dung nói.
Phẫu thuật tạo hình âm đạo khá phức tạp, nhưng nó đã giúp những phụ nữ không may mắn được trả lại đúng bản chất giới tính của mình. ảnh minh họa
Bạn trai rất hài lòng về “chuyện ấy” sau phẫu thuật
GS.TS Trần Thiết Sơn cho hay, trong phẫu thuật tạo hình (PTTH), PTTH âm đạo khá phức tạp, được thực hiện với những bệnh nhân dị tật không âm đạo bẩm sinh, không có khoang trống để quan hệ tình dục. Việc mở khoang âm đạo cần thực hiện sao cho khoang này không dính vào nhau và có chất liệu che phủ phù hợp. Việc tái tạo âm đạo là hoàn toàn giống nhau, chỉ khác ở chất liệu che phủ.
Tại Việt Nam, trước đây thực hiện tái tạo âm đạo bằng phương pháp ghép da hoặc vạt tổ chức da (vạt da tại chỗ hoặc da vi phẫu) vùng bẹn, đùi. Trên thế giới, các bác sĩ tạo hình còn dùng đoạn ruột non đưa xuống làm thành bộ phận này cho nữ giới. Tuy nhiên, những phương pháp này có nhược điểm là việc lấy da sẽ để lại sẹo. Phần da cấy ghép dễ co lại, bộ phận này bị hẹp và khô dẫn đến việc quan hệ tình dục khó khăn. Còn với phương pháp lấy ruột non của bệnh nhân làm chất liệu tái tạo như trên thế giới vẫn làm thì nguy hiểm, bởi biến chứng rất dễ xảy ra vì phải nội soi vào phần ổ bụng. Hơn nữa, chức năng của ruột là luôn tiết dịch nên hàng ngày, bệnh nhân phải dùng đến băng vệ sinh, rất khó chịu…
Chia sẻ ý tưởng sử dụng niêm mạc miệng để tái tạo "vùng kín", GS.TS Trần Thiết Sơn cho hay, thực tế, việc sử dụng niêm mạc miệng trong PTTH đã có từ trước, tiêu biểu là trong việc tái tạo niệu đạo cho các quý ông bị đứt niệu đạo do chấn thương, bị bỏng… Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là diện tích niêm mạc miệng được lấy quá ít ỏi nên chỉ sử dụng cho niệu đạo, ít ai nghĩ đến việc tạo hình âm đạo, trong khi để thực hiện phương pháp này cần khối lượng, diện tích niêm mạc miệng rất lớn. Do đó, dù đã có người thử nghiệm phương pháp này cho tạo hình âm đạo, nhưng rồi lại bỏ cuộc…
Từ những nghiên cứu, thử nghiệm, GS.TS Trần Thiết Sơn nhận thấy, niêm mạc miệng có cấu trúc mô học tương đồng với niêm mạc âm đạo, có biểu mô lát tầng không sừng hóa (trong khi ở các vạt da thì có). Niêm mạc miệng còn có các tuyến nước bọt, luôn tiết dịch, do đó âm đạo được tái tạo sẽ mềm, tiết dịch vừa đủ độ ẩm. Phần vạt phủ không bị co như khi dùng da, biểu mô hóa rất tốt khiến khoang âm đạo sẽ dần được phủ kín hết. Ngoài ra, việc lấy vùng da phủ là niêm mạc miệng vừa dễ lấy, vừa giúp bệnh nhân che được sẹo. Sau phẫu thuật, khoang miệng hoàn toàn bình phục. Qua những phân tích này, có thể thấy niêm mạc miệng là “lớp chống dính hoàn hảo” trong PTTH âm đạo.
Để khắc phục nhược điểm, “nhân rộng” khối diện tích ít ỏi này, GS.TS Trần Thiết Sơn chỉ lấy lượng niêm mạc vừa đủ, xẻ niêm mạc thành nhiều lỗ kéo căng ra (như hiện tượng ghép da mắt lưới trong bỏng- PV), khi đó diện tích phần niêm mạc được lấy có thể “nhân rộng” lên tới 4-5 lần. Dùng khuôn bọc niêm mạc đặt vào “vùng kín” để cố định liên tục trong 3 tuần. Một điểm đặc biệt là, bản thân vùng niêm mạc có khả năng sống và “mọc” ra sau khi cấy ghép, do đó, trong 3 tuần cố định đặt khuôn (trong khi các phương pháp khác chỉ đặt 1 tuần), những vùng không có niêm mạc bọc cũng sẽ được che phủ. Điều quan trọng nhất trong kỹ thuật này là luôn để cho hai mặt của âm đạo không được dính vào nhau. Từ những phân tích này, có thể thấy niêm mạc miệng là “lớp chống dính hoàn hảo” trong PTTH âm đạo. “Có lẽ chúng tôi thành công từ những điều đơn giản nhất!”, GS.TS Trần Thiết Sơn cười nói.
Chia sẻ về khả năng sinh sản của các bệnh nhân PTTH âm đạo, các bác sĩ cho biết: Việc tái tạo "vùng kín" được thực hiện bởi mục tiêu đầu tiên là giúp phụ nữ có thể quan hệ tình dục, chứ không hẳn vì mục tiêu sinh sản. Một số bệnh nhân (kể cả họ không có tử cung, buồng trứng) vẫn muốn tạo hình âm đạo, để họ được trả về với bản năng phụ nữ. BS Việt Dung cho hay, khả năng có con hay không của người được PTTH âm đạo tùy thuộc vào nhiều vấn đề. “Nếu họ không có buồng trứng thì đành chấp nhận, nhưng nếu họ có buồng trứng, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu họ tới bệnh viện phụ sản để nghiên cứu khả năng mang thai hộ hay thụ tinh. Được biết, trong số 10 bệnh nhân được PTTH bằng phương pháp mới, hiện chưa có ai có thể mang thai hay có con, nhưng qua phản hồi, chúng tôi rất vui vì chức năng phụ nữ của họ đã được “khơi thông”, chồng hay bạn trai rất thông cảm và cảm thấy hài lòng”, BS Việt Dung chia sẻ.
Tính chung cả việc tạo hình âm đạo bằng phương pháp cũ và mới, hiện Bệnh viện Xanh Pôn đã phẫu thuật thành công cho gần 50 bệnh nhân.
“Con số này so với các bệnh khác là quá ít ỏi, nhưng trong cộng đồng không nhiều người bị bệnh này, như vậy chúng tôi cũng có thể vui mừng rồi!”, GS.TS Trần Thiết Sơn chia sẻ.