Gần đây, có một video lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc, thu hút 2,7 triệu lượt thích và nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng. Theo đó, trên bàn đầy ắp đồ ăn nhưng người mẹ chỉ ăn đầu tôm. Cô con gái định gắp tôm vào bát của mẹ nhưng bà không chịu.
"Mẹ không thích ăn thứ đó, đĩa tôm này cũng không nhiều lắm, thôi cứ để mẹ ăn đầu tôm", người mẹ nói.
Người con gái cảm thấy bối rối, nhìn đĩa còn rất nhiều tôm, cô nói: "Mẹ ăn 1 miếng không được sao. Chẳng lẽ con lại ăn phần ngon còn để phần thừa cho mẹ ư".
Người mẹ nói tiếp: "Không phải con thích ăn tôm sao? Ở nhà làm gì có đồ ăn ngon như vậy".
Chỉ trong 1 phút, cuộc nói chuyện của 2 mẹ con khiến cho không khí như ngạt thở. Cư dân mạng để lại rất nhiều bình luận bên dưới video.
"Mẹ tôi không bao giờ đụng tới thịt, trứng, sữa trên bàn, cho tới khi những thứ này sắp hỏng thì bà mới ăn".
"Vào ngày sinh nhật của mẹ chồng, tôi cất công đặt một bàn tiệc lớn nhưng bà chỉ lấy 1 cái bánh bao rồi nhúng vào bát canh rau. Dù nói gì tôi cũng không thể ngăn bà được".
Trên thực tế, có một kiểu cha mẹ luôn lấy sự hi sinh của mình ra để khiến con cái có cảm giác như mắc nợ cả đời, khiến con sống trong mặc cảm mãi mãi. Kiểu giáo dục này làm con cái luôn mang trong mình một cảm giác tội lỗi, giống như mình là gánh nặng của cha mẹ.
Những đứa trẻ lớn lên theo mô hình giáo dục này sẽ khó thoát khỏi "cảm giác mắc nợ" cha mẹ trong suốt cuộc đời. Kiểu cha mẹ này chỉ muốn đổi công sức nuôi nấng của mình lấy sự vâng lời của con cái, họ chưa bao giờ nghĩ tới việc con mình sẽ phải sống với mặc cảm tội lỗi như thế nào.
Nhà tâm lý học người Mỹ David Hawkins đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài 30 năm và phát hiện ra rằng, trong thang năng lượng tiêu cực, điều đáng sợ nhất là "xấu hổ", tiếp theo là "tội lỗi".
2 loại năng lượng tiêu cực này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một người, có hại hơn nhiều so với nỗi buồn, sự sợ hãi và tức giận.
Khi việc cho đi trở thành một kiểu "bắt cóc đạo đức", khi tình yêu trở thành ngọn cờ "vì lợi ích của chính mình", khi việc hi sinh trở thành "phương tiện kiểm soát", hành vi và ngôn ngữ của cha mẹ sẽ trở thành bóng đen ám ảnh cả đời con cái.
Không phải tất cả sự hy sinh của cha mẹ đều có thể gọi là tình yêu.
Một cư dân mạng đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình trên trang Zhihu rằng:
Mỗi khi thi trượt, bố anh sẽ phàn nàn: "Con có xứng đáng để bố mẹ làm việc vất vả nuôi nấng con không? Điểm của con thậm chí còn không đủ trả tiền xăng cho bố".
Mỗi khi anh không muốn nghe theo lời sắp đặt của cha, người cha liền nói "bố mẹ làm mọi thứ chỉ đều muốn tốt cho con". Điều đáng sợ hơn nữa là khi anh mắc lỗi, cha anh sẽ quỳ xuống và nói: "Con muốn bố phải sống sao đây".
Vì thế dù là học đại học hay đi làm, anh đều chọn một thành phố xa quê hương và rất ít khi về nhà. Anh cho rằng mình không có tình cảm với bố mẹ và chỉ có tâm lý trả nợ.
Mong muốn lớn nhất của anh là trả lại số tiền cha mẹ đã bỏ ra để nuôi nấng mình càng sớm càng tốt, để bản thân có thể sống được cuộc đời như ý muốn.
Nhà tâm lý học Li Xue (Trung Quốc) cho biết: "Nếu cha mẹ phàn nàn với con cái rằng, cha đã hi sinh cả cuộc đời cho con, thì hàm ý là cả đời cha mẹ chưa bao giờ yêu con".
Khi cha mẹ bán công sức của mình cho con cái, thực chất họ đang biến tình yêu thành một giao dịch có "mức giá rõ ràng". Những đứa trẻ bị buộc phải trở thành "kẻ vỡ nợ" sẽ dành cả đời để trả ơn hoặc oán giận cha mẹ suốt đời. Cảm giác mắc nợ ở một mức độ nào đó chắc chắn sẽ chuyển thành tức giận.
Có một điều những người cha mẹ kiểu này không hiểu được là con cái không hề muốn cha mẹ phải hi sinh mọi thứ cho mình. Thực ra điều con cái muốn nhất là thấy cha mẹ mình vui vẻ.
Nếu trên bàn ăn chỉ có một chiếc đùi gà và cha mẹ muốn ăn thì có thể ăn. Nếu bạn cảm thấy việc nhìn con ăn thú vị hơn việc tự mình ăn thì hãy để cho con ăn, đừng ép mình không ăn đùi gà rồi cảm thấy mình thật vĩ đại và đã hi sinh quá nhiều cho con cái.
Nếu cha mẹ không có nghĩa vụ hy sinh, con cái sẽ không có cảm giác mắc nợ. Chỉ khi cha mẹ và con cái ở trạng thái thoải mái, mối quan hệ 2 bên mới gần gũi và thân thiết.