Do sở hữu nhiều đặc tính linh hoạt, như khả năng dẫn điện, độ bền, vẻ ngoài đẹp mắt,… nên vàng luôn nằm trong top 5 kim loại đắt nhất thế giới. Tại thời điểm của bài viết, giá vàng trên thế giới dao động từ 1.7 - 1.9 triệu đồng/ gram. Con số này khá ấn tượng, nhưng chưa là gì so với 1 kim loại khác, đó chính là rhodium.
Về góc độ giá cả, nếu dùng đồng đô la Mỹ làm tiêu chuẩn đo lường, giá vàng hiện tại trên thị trường là khoảng 65 USD/gram (khoảng 1,7 triệu đồng) , nhưng giá kim loại rhodium đã lên tới 420 USD/gram (khoảng 10 triệu đồng) (Giá này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể biến động do thay đổi cung cầu trên thị trường). Trong lịch sử, rhodium từng có mức giá cao nhất là 560 USD/gram (khoảng 14 triệu đồng).
Vì sao rhodium lại đắt?
Lý do rhodium có giá đắt như vậy là vì chúng khan hiếm và khó tìm.
Rhodium hiện diện với số lượng rất nhỏ trong lớp vỏ trái đất và là loại kim loại hiếm nhất trong nhóm kim loại bạch kim. Theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia, lượng rhodium trong vỏ trái đất chỉ là 0,000037 phần triệu, trong khi lượng vàng là 0,0013 phần triệu.
Người ta ước tính trữ lượng rhodium toàn cầu chỉ khoảng 3.000 tấn và sản lượng hàng năm cũng hiếm. Các nước sản xuất rhodium chính là Nam Phi và Nga, nhưng việc sản xuất thứ kim loại này vẫn còn hạn chế, chỉ sản xuất được khoảng 16 tấn mỗi năm.
Rhodium đắt còn vì nó có độ bền tốt.
Rhodium có khả năng chống ăn mòn cao, có thể chịu được nhiệt độ nước và không khí lên tới 600 độ C, không bị ăn mòn bởi các axit và có nhiệt độ nóng chảy tối đa là 1964 độ C. Cũng nhờ có độ bền cao nên rhodium có thể duy trì độ ổn định lâu dài trong môi trường khắc nghiệt và được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay, y học, trang sức, hóa chất. công nghiệp và sản xuất điện tử.
Xuất hiện trên vương miện của cố Nữ vương Elizabeth II
Với giá thành đắt đỏ và hiếm có như vậy, việc sử dụng rhodium trong cuộc sống hàng ngày từng không quá phổ biến và dường như chỉ dành cho những người giàu có. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là 1 chiếc vương miện của Hoàng gia Anh. Theo đó, vào năm 1858, thợ kim hoàn kỳ cựu người Anh tên là Garrand đã thêm kim loại rhodium vào chiếc vương miện được làm cho Nữ hoàng Victoria. Sau nay, chiếc vương miện nhiều lần được cố Nữ vương Elizabeth II đội.
Chiếc vương miện này cũng được coi là biểu tượng của Hoàng gia Anh. Trên vương miện được đính nhiều loại đá quý hiếm và đắt đỏ như 1 viên ruby, một viên đá Spinel nặng 170 carat, 1 viên kim cương Cullinan II, một viên 317 carat được cắt từ viên kim cương Cullinan vĩ đại và nhiều kim loại khác, trong đó có cả rhodium.
Rhodium được ứng dụng rộng rãi
Đến nay, rhodium đã được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống.
Trong ngành công nghiệp hóa chất: Rhodium được sử dụng trong quá trình nấu chảy trong ngành luyện kim giúp nâng cao độ tinh khiết và độ kết tinh của sản phẩm. Trong ngành sơn phủ, việc thêm rhodium vào sơn ô tô, mạ điện,... có thể nâng cao độ cứng, khả năng chống ăn mòn, đồng thời cải thiện chất lượng và tuổi thọ của lớp phủ.
Trong lĩnh vực sản xuất điện tử: Ngày nay, rhodium được sử dụng nhiều trong sản xuất điện trở, bảng mạch và các linh kiện khác cũng như trong sản xuất các sản phẩm quang điện tử như đèn LED và OLED. Ngoài ra, rhodium cũng thường được dùng làm vật liệu điện cực vì tính dẫn điện và độ ổn định cao.
Trong lĩnh vực trang sức: Việc bọc rhodium trên bề mặt trang sức có thể tạo thành một lớp bảo vệ sáng bóng, cứng và có độ phản chiếu cao. Nó có thể ngăn ngừa trầy xước, oxy hóa hoặc ăn mòn trên bề mặt trang sức, giữ cho trang sức luôn sáng bóng trong thời gian dài. Một số thương hiệu trang sức nổi tiếng như Cartier, Tiffany, Van Cleef & Arpels… cũng đang sản xuất trang sức rhodium cao cấp.
Theo dữ liệu năm 2019, gần 90% nhu cầu rhodium là để sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác - một thiết bị kiểm soát khí thải giúp chuyển đổi khí độc và chất gây ô nhiễm trong khí thải từ động cơ đốt trong thành các chất ô nhiễm ít độc hơn bằng cách xúc tác phản ứng oxi hóa khử.
Hiện nay, các dòng xe điện không cần bộ chuyển đổi xúc tác. Khi xe điện trở nên phổ biến hơn thì nhu cầu về rhodium trong ngành công nghiệp ô tô cũng bắt đầu giảm. Mặc dù nhu cầu dùng rhodium trong ngành công nghiệp ô tô giảm nhưng nguồn cung kim loại này vẫn còn thiếu.
Theo Toutiao