Làn sóng dịch thứ hai ở Nhật Bản

Kể từ đầu tháng 7, thủ đô Tokyo và toàn nước Nhật Bản liên tục ghi nhận những ngày có số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh kỷ lục. Điều này dấy lên lo ngại làn sóng dịch thứ hai đã bùng phát ở nước này sau khi Nhật Bản không ghi nhận ca nhiễm mới nào kể từ cuối tháng 5. Theo Thị trưởng thành phố Tokyo, bà Yuriko Koike, sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5, số ca nhiễm mới đã gia tăng tại thủ đô Tokyo, với đỉnh điểm là 243 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 10/7. Thế nhưng số ca tăng vẫn dường như theo chiều thẳng đứng.

Ngày 14/7, chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi hơn 800 người xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhà chức trách phát hiện 20 người trong số khán giả và diễn viên tham gia buổi trình diễn kịch "Werewolf" tại nhà hát Moliere, có sức chứa 190 người, ở quận Shinjuku, dương tính virus SARS-CoV-2.

Hãng tin Kyodo cho hay Chính phủ Nhật Bản cân nhắc yêu cầu đóng cửa những công ty kinh doanh các câu lạc bộ và hoạt động giải trí không tuân thủ đủ các biện pháp phòng dịch COVID-19. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số người mắc bệnh có liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm, đặc biệt là tại quận thương mại và giải trí ở Tokyo, ngày một tăng. Theo giới chức thành phố, nhiều ca nhiễm mới bắt nguồn từ các khu vui chơi giải trí ban đêm và những người mắc bệnh ở độ tuổi 20 và 30, nhóm tuổi vốn ít có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng.

Ngày 15/7, chính quyền thành phố Tokyo đã nâng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng. Chính quyền thủ đô đã kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới các tỉnh khác và hạn chế tới các câu lạc bộ ban đêm và các nhà hàng vốn là những nơi chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Trên toàn Nhật Bản đã ghi nhận 454 ca nhiễm mới trong ngày 15/7, mức cao nhất kể từ khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5.

Ngày 17/7, giới chức y tế ghi nhận 622 ca mắc mới COVID-19 trên toàn Nhật Bản.

Ngày 29/7, Nhật Bản thông báo lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 trong một ngày vượt 1.000 ca kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở quốc gia này kể từ đầu năm nay. Trong đó, thủ đô Tokyo vẫn là "điểm nóng" dịch bệnh.

Ngày 31/7, Nhật Bản xác định thêm 1.307 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp có số ca mắc mới kỷ lục với đà tăng lan rộng khắp các thành thị trên toàn quốc.

Thói quen nhậu đêm khiến dịch COVID-19 khó kiểm soát

 - Ảnh 1.

Những quán ăn đêm san sát không đảm bảo quy định giãn cách xã hội (Nguồn: Boutique Japan)

Thời báo Mainichi, một tờ báo ra đời tại Nhật Bản từ năm 1922, nhận định rằng người Nhật trung bình dành 100 giờ để làm việc mỗi tuần, tức là trung bình mỗi ngày họ làm việc ít nhất 14 giờ. Sau tan làm, người Nhật Bản lại có thói quen tụ tập. Đích đến của họ là những nhà hàng, quán rượu kinh doanh muộn.

Cách đây vài ngày, trên các trang mạng xã hội đã xôn xao câu chuyện có hàng trăm ca lây nhiễm ở Nhật Bản do tiếp xúc với một nữ tiếp viên nhà hàng. Chưa rõ thực hư câu chuyện này thế nào, nhưng việc lây nhiễm chéo ở các quán bar, quán karaoke đã từng có tiền lệ.

Theo tờ The Guardian của Anh, chính quyền Tokyo sẽ trả 500.000 Yen, tức khoảng 4.670 USD, cho các câu lạc bộ đêm và các cơ sở tương tự để họ ngừng kinh doanh từ 10 ngày trở lên. Chủ nhà hàng, tiếp viên hay bất cứ người lao động nào làm việc tại những khu vực hộp đêm này sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 100.000 Yen để nghỉ làm và tự cách ly.

 - Ảnh 2.

Ở Shibuya tập trung rất nhiều câu lạc bộ đêm, quán karaoke, nhà nghỉ cao cấp. Nguồn: Du lịch VN

Ở miền nam Nhật Bản, tỉnh Kagoshima - nơi ghi nhận hơn 80 ca nhiễm liên quan tới một hộp đêm - sẽ trả 300.000 Yen cho các cơ sở giải trí về đêm nào đóng cửa trong hai tuần.

Nhằm kiểm soát chặt hơn mối nguy này, kể từ ngày 3-31/8, các cửa hàng ăn uống có bán bia, rượu và quán karaoke trên toàn Tokyo sẽ được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh đến 10h tối. Các cửa hàng đáp ứng yêu cầu của thành phố sẽ được hỗ trợ khoản tiền là 200.000 Yen, tức khoảng 1.900 USD để bù lại khoản doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, để cân đối giữa hoạt động kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch trong thời điểm hiện tại, chính quyền thủ đô Tokyo chỉ xem xét đưa ra yêu cầu với các cửa hàng trên phạm vi nhỏ, số tiền hỗ trợ cũng ít hơn so với mức hỗ trợ tối đa lên tới 1 triệu Yen như đợt dịch trước.

Mới đây, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã bác bỏ khả năng Chính phủ nước này sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Bởi theo ông, "Nhật Bản vẫn chưa ở vào tình huống phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp". Ông Suga cũng nhấn mạnh rằng tình hình hiện nay khác xa so với thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4/2020 bởi đa số người mắc COVID-19 là thanh niên, trong khi số người mắc bệnh ở độ tuổi từ 60 trở lên hoặc những người mắc bệnh nền nghiêm trọng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Hiện hội đồng y khoa thủ đô Tokyo cũng xem xét tăng số lượng các trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Tokyo lên 1.400 cơ sở. Ngoài các trung tâm xét nghiệm đang hoạt động hiện nay, Tokyo sẽ tăng cường các trung tâm y tế sử dụng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên. Cơ quan này cho biết mặc dù hiện nay biện pháp xét nghiệm kháng nguyên này đã được cấp phép cho một số phòng khám tư nhân thực hiện. Tuy nhiên, số lượng cơ sở xét nghiệm cần tăng thêm để đạt mục tiêu đặt ra là một cơ sở xét nghiệm đảm nhiệm 10.000 dân.

Với việc "dỗ ngọt" các hàng quán tạm thời ngừng kinh doanh đêm, Chính phủ Nhật Bản tin rằng người dân nước này sẽ không còn "nguồn cung giải trí cuối ngày" và cũng dẹp bớt được mối lo các ổ dịch có thể bùng lên bất cứ lúc nào.