"Bây giờ ai có LV, túi da là đã có cơ hội kinh doanh rất hời", La Thần đã làm ăn phát đạt vào mùng 10 Tết vừa rồi, nhưng vẫn lo lắng, mặc dù anh đoán được thị trường năm nay khá khả quan. Nhưng tình hình thực tế nằm ngoài dự đoán của La Thần. Hàng tồn mấy năm trước hết nhẵn, bây giờ còn “nợ đơn” của khách hàng.

Cửa hàng đồ hiệu secondhand của La Thần nằm trong một khu dân cư ở Thành Đô, một trong những thành phố sầm uất nhất Trung Quốc. Cửa hàng của anh đã có lượng “khách ruột” đáng kể.

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 1.

Sự bùng nổ của loại hình kinh doanh này đã thu hút nhiều người đổ xô làm theo. Lưu Mẫn, người chuyên mua hàng hiệu cao cấp ở Thành Đô, chia sẻ rằng các cửa hàng đồ hiệu secondhand đã phát triển nhanh chóng ở thành phố này trong những năm gần đây. "Bạn có thể mua đồ hiệu, cũng có thể bán chúng. Tất nhiên nhiều khi phải cần đến bên trung gian, nhưng điều quan trọng là phải có nhu cầu".

Trong "Báo cáo tiêu dùng chất lượng cao của Trung Quốc" năm 2022, mặc dù mức tiêu thụ giảm do dịch bệnh, nhưng thị trường nội địa đã tăng trưởng ngược dòng, lần đầu tiên trở thành thị trường tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới, với tổng mức tiêu thụ là 146,5 tỷ USD (hơn 3,4 triệu tỷ đồng), chiếm 46% thị trường hàng hiệu toàn cầu.

Thị trường khổng lồ là cơ sở để tạo ra hình thức kinh doanh phong phú hơn. Trong hoàn cảnh khó khăn khi phân phối các sản phẩm mới với mức giá quá cao, sự phổ biến của đồ hiệu secondhand đã trở thành xu hướng.

Đầu tư vào hàng hiệu secondhand - một nước đi khôn ngoan

Mùng 7 Tết năm 2023, hàng quán xung quanh đã đóng cửa, chỉ riêng cửa hàng đồ hiệu secondhand của Trương Nghị tại một khu dân cư ở Hồ Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) rất đông đúc, náo nhiệt.

Khác với những gì bạn tưởng tượng, bên trong cửa hàng của Trương Nghị là hình ảnh khách hàng và nhân viên cùng ngồi uống trà trò chuyện.

Trương Nghị từng mua bán ở nước ngoài nhiều năm, đã trở về Trung Quốc để bắt đầu công việc kinh doanh riêng và chọn lĩnh vực hàng hiệu quen thuộc. "Tiền thuê mặt bằng trong nước tương đối rẻ, hơn nữa cũng tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng, giá đầu vào thấp hơn".

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 2.

Theo Trương Nghị, hàng hiệu đã qua sử dụng thực sự là một thị trường khá phức tạp và không chỉ tập trung vào mỗi khách hàng riêng lẻ. Cụ thể, một sản phẩm nhận được có nhiều mức giá, như: Giá thanh lý, giá yêu cầu tìm hàng, giá cho người livestream bán hàng và giá tại cửa hàng... Trong đó giá thu mua thanh lý là thấp nhất và giá trị lợi nhuận cao nhất.

"Kinh doanh hàng hiệu quan trọng nhất là nguồn hàng và doanh số. Giờ đây, nhờ thương mại điện tử và livestream, nhiều vấn đề về phía bán hàng đã được giải quyết. Then chốt là nguồn hàng từ việc thu mua lại của chủ sở hữu khác. Ai có được nguồn hàng giá rẻ nhiều hơn sẽ chiếm ưu thế. Khó khăn ở đây không chỉ phải làm quen với các sản phẩm, mà còn phải rất quen thuộc với hoạt động của doanh nghiệp đồ hiệu secondhand. Ví dụ, kiểu dáng này, kích thước này, màu sắc này, có bao nhiêu người quan tâm; mặt hàng này có bán chạy không, doanh thu có cao không, thị trường nằm trong phạm vi nào… Phải nắm được hết mới có thể trụ nổi trong ngành này”, Trương Nghị chia sẻ.

So với sự tỉ mỉ của Trương Nghị, Lý Đồng, người vừa du học trở về vào năm trước, đã thất bại khi mở cửa hàng kinh doanh đồ hiệu secondhand. 

Tốt nghiệp khoa Thiết kế của một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Âu, với sự hỗ trợ của cha mẹ, Lý Đồng đã bắt đầu công việc kinh doanh riêng ngay khi trở về Trung Quốc. "Vào thời điểm đó, người giàu ưa chuộng sản phẩm đính logo và thương hiệu lớn. Tôi và bạn bè nghĩ rằng đồ trang sức đặt làm theo yêu cầu, bao gồm cả những bộ quần áo đặt làm riêng, là một ý tưởng có tương lai. Vì vậy, lúc đó tôi tràn đầy tự tin". 

Nhưng thực tế lại trái ngược với mong đợi. Cửa hàng của Lý Đồng ở khu thương mại đã bị “vùi dập” bởi dịch bệnh. Kinh doanh không đắt hàng, Lý Đồng chỉ đành đăng ký doanh nghiệp phá sản.

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 5.

Bắt đầu lại, Lý Đồng lắng nghe ý kiến của gia đình: “Chị tôi nói rằng chỉ cần nắm bắt tốt 7-8 khách hàng là có thể tiếp tục kinh doanh”.

Lý Đồng đã nhận ra điểm mấu chốt và chuyển cửa hàng đến khu vực tập trung nhiều nhà giàu. "Bạn phải dò hỏi làm quen, móc nối quan hệ, đôi khi là bữa cafe, buổi trà chiều. Người giàu không có nhiều thời gian so sánh giá cả. Chỉ cần hàng xuất hiện thường xuyên, giá tốt thì chốt đơn rất dễ".

Giao dịch hàng hiệu secondhand trực tuyến đổ bộ vào thế giới người tiêu dùng

Mô hình kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng bao gồm nhiều phương thức khác nhau như thu mua, thẩm định, ký gửi, vệ sinh và tân trang… Tuy nhiên, rất khó để một cơ sở có thể đảm đương hết tất cả công đoạn này. Do đó, thông thường sẽ có người chuyên thu mua, người chuyên thẩm định hoặc cơ sở chỉ làm vệ sinh và tân trang hàng hiệu.

"Nhà đất ở Bắc Kinh rất đắt đỏ, gần như không thể mua nổi. Hôm nay chúng tôi đến quận Triều Dương để xem có đôi giày nào ‘ngon’ không", Sunny, một blogger Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), bắt đầu một ngày thu mua hàng hiệu ở Bắc Kinh lạnh giá. Trong chuyến này, Sunny đã mua lại 20 đôi giày thể thao, bao gồm cả phiên bản giới hạn của Valentino và Adidas.

Đến khu chung cư thu mua từng đơn hàng và xây dựng quan hệ đã trở thành việc làm thường ngày của bà chủ cửa hàng thời trang cao cấp trên nền tảng Douyin này. 

Tất nhiên Sunny không phải là người duy nhất, blogger Douyin "Lão Mãnh thu mua đỉnh của chóp" (tạm dịch) được xem là người đi đầu trong việc thu mua hàng hiệu tận nhà ở Thiên Tân. Tài khoản Douyin của anh có hơn 70.000 người hâm mộ chỉ trong thời gian ngắn.

Sàn thương mại điện tử truyền thống không là “đất dụng võ” của công nghiệp kinh doanh hàng hiệu

Điền Khả, người có nhiều năm kinh nghiệm mua bán đồ hiệu secondhand trên các nền tảng trực tuyến, cho biết các nền tảng giao dịch trực tuyến hiện tại không mấy thuận tiện cho người tiêu dùng.

"Bên mua đã cố gắng ép giá khi thu mua một chiếc túi của tôi. Tôi không đồng ý nên đã chuyển sang nền tảng “ký gửi” để nhờ trung gian rao bán hộ. Không ngờ rằng nền tảng này không hiển thị giao hàng cho khách. Cuối cùng, tôi đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng và nhận được kết quả người mua đã từ chối nhận hàng", Điền Khả chia sẻ.

Hiện tại, hệ thống giao dịch của PLUM, một nền tảng giao dịch sản phẩm thời trang lớn ở Trung Quốc, được chia thành ký gửi và thu mua, cả hai đều bao gồm định giá, nhận dạng và các liên kết khác.

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 6.

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 7.

Kỳ vọng cao thường khác xa với thực tế. “Hàng trong hình không giống mẫu”, “Chất lượng không đảm bảo như mong đợi”... dẫn đến trải nghiệm người dùng ngày càng tồi tệ, đặc biệt là nhóm khách hàng chuyên thu mua hàng hiệu secondhand. Hơn nữa, so với việc thẩm định và thu mua trực tiếp, chu trình xử lý một đơn hàng từ khâu đặt hàng cho đến nhận hàng thường khá phức tạp và mất thời gian. Ngược lại, khi giao dịch trực tiếp, giá cả linh hoạt, giao dịch theo lô và đến tay người bán/người mua ngay lập tức.

Mặt khác, Deloitte (một mạng lưới dịch vụ kiểm toán đa quốc gia được thành lập ở Anh) đã thể hiện trong cuộc khảo sát về "Triển vọng thị trường và hiểu biết về người tiêu dùng Trung Quốc năm 2023" rằng sự hồi sinh của mô hình giao dịch trực tiếp hàng hiệu đề cao trải nghiệm “hình thật đồ thật” đã trở thành xu hướng rõ ràng.

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 8.

Tình trạng khó khăn hiện tại của thương mại điện tử đồ hiệu secondhand một mặt đến từ việc siết chặt các nền tảng mới nổi, như các ứng dụng video ngắn. Mặc dù các nền tảng trực tuyến đồ hiệu secondhand như PLUM cũng đã tung ra các mô hình livestream, nhưng không mang lại thay đổi đáng kể. Mặt khác, sự chênh lệch giữa hình ảnh rao bán và thực tế cùng với chuỗi giao dịch dài càng khiến những người có nhu cầu giao dịch hàng hiệu secondhand mất niềm tin.

Trong cuốn "Kỷ nguyên tiêu dùng 4.0" (tạm dịch), Atsushi Miura chỉ ra sự phát triển tiêu dùng của Nhật Bản được chia thành bốn giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là tiêu dùng của số ít người thuộc tầng lớp trung lưu Tây hóa, giai đoạn thứ hai là tiêu dùng lấy gia đình làm trung tâm, giai đoạn thứ ba là tiêu dùng lấy cá nhân làm trung tâm để theo đuổi cá tính, giai đoạn thứ tư là cuộc sống tiêu dùng theo đuổi giá thành thấp, sử dụng chung và cảm tính.

Kinh doanh hàng hiệu secondhand đang bùng nổ ở Trung Quốc: Khách hàng không cần mới, chỉ cần 'đồ thật và rẻ', còn có dịch vụ thu mua tận nhà - Ảnh 9.

Nhìn vào hiện tại, sự xuất hiện của ngành kinh doanh đồ hiệu secondhand dường như đã tác động khiến mô hình tiêu dùng đang trải qua giai đoạn từ giai đoạn thứ ba đến giai đoạn thứ tư. Người tiêu dùng lý trí hơn khi đối mặt với hàng xa xỉ và không bận tâm liệu đó có phải là sản phẩm mới hay không. Từ khía cạnh này, có vẻ hợp lý khi mô hình kinh doanh tương đối cứng nhắc của các nền tảng thương mại điện tử truyền thống không còn được săn đón.

Tóm lại, ngành kinh doanh đồ hiệu secondhand đang bùng nổ trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, việc duy trì sự ổn định của hoạt động và độ tin cậy của dịch vụ đang trở thành cốt lõi quan trọng nhất của ngành công nghiệp đang thịnh hành này.

Nguồn: Sina