Đó trường hợp bé Tống Thị L., 8 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Theo mẹ bé, sau khi tắm ao nhà, bé L. thấy bị chảy máu nhiều vùng kín. Tuy nhiên, bé chỉ lau đi và vui chơi bình thường mà không để ý. Khi đi làm về, phát hiện con chảy máu từ vùng kín mà không biết nguyên nhân nên vợ chồng chị đã cho con vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy để cấp cứu.
Tại đây, qua thăm khám, bác sĩ xác định bé bị đỉa cắn sâu trong âm đạo, vị trí cắn qua lỗ màng trinh.
Hình ảnh (minh họa)
BSCKI Trần Văn Biên, Khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, xác định đây là trường hợp khó và tế nhị. Ngoài việc cầm máu phải đảm bảo không làm tổn thương màng trinh của bé. Dưới sự chứng kiến của người nhà người bệnh, sau hơn 3 giờ bác sỹ đã cầm máu hoàn toàn. Qua kết quả xét nghiệm máu và khám lâm sàng, bác sỹ xác định bé bị thiếu máu nên đã tiến hành truyền 350ml khối hồng cầu cùng nhóm. Hiện tại người bệnh hết chảy máu, tỉnh táo.
Theo bác sĩ Trần Văn Biên, đây không phải là lần đầu Trung tâm Y tế Thanh Thủy tiếp nhận Người bệnh bị đỉa chui vào cơ thể. Cách đây vài tháng, khoa Ngoại cũng đã cấp cứu cho một bé trai nhập viện trong tình trạng đỉa chui vào mũi. Việc tắm sông, suối và ao ở những vùng có nhiều đỉa và bị đỉa chui vào chỗ kín hoàn toàn có thể xảy ra. Đỉa có khả năng chui vào những khe hở rất nhỏ sau đó bám vào hút máu cho đến khi nó tự chui ra hoặc trú luôn bên trong. Hiện tượng chảy máu liên tục sau đó là do khi hút máu miệng đỉa tiết ra chất làm rối loạn đông máu tại chỗ khiến máu không thể đông.
"Gia đình có con nhỏ cần chú ý đến việc chăm sóc và giáo dục kỹ năng cho trẻ. Không để trẻ tắm sông, suối và ao. Khi cho trẻ đi bơi, việc mặc quần áo bơi đúng quy cách, đúng độ tuổi là rất quan trọng. Vừa giúp khả năng vận động của trẻ tốt hơn, vừa giúp trẻ tránh các loại vi sinh vật có hại xâm nhập vào cơ thể qua bộ phận sinh dục", BS Trần Văn Biên khuyến cáo.