Trao đổi với chúng tôi, anh Thương - Giám đốc sàn bất động sản khu vực Hoài Đức phải thốt lên trong 20 năm làm nghề môi giới và buôn bán bất động sản anh chưa bao giờ chứng kiến thời kỳ nào giá bất động sản tăng mạnh một cách bất thường như hiện tại.

"Giá tăng đến chóng mặt, nhiều lô biệt thự hàng chục tỷ tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm. Giá nhà đất tăng khiến nhiều sàn môi giới chuyên bán hàng thứ cấp vừa lo vừa mừng. Lo bởi giá tăng mạnh quá không có hàng để bán vì chủ cũ giữ lại hàng", anh Thương cho biết.

Cũng rơi vào tình trạng "choáng" vì giá bất động sản tăng nhanh, anh Quyết, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cũng cho biết, giá bất động sản tăng một cách bất thường. Trong khi cả nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất ngưng trệ thì giá bất động sản leo thang thẳng đứng.

"Suốt hơn 10 năm đầu tư bất động sản số tiền tôi kiếm được cũng chỉ bằng một nửa số tiền lãi từ bất động sản trong năm 2021. Kỳ lạ là giai đoạn 2020-2021 cứ bỏ tiền vào đất xung quanh Hà Nội là lãi to, không lãi gấp đôi, gấp 3 thì cũng được ít nhất 30-50%", anh Quyết cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá BĐS tăng cao trong thời gian qua chủ yếu do cung ít và nhu cầu nhiều. Thực tế, nguồn cung căn hộ trong năm 2021 đứng ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, với số lượng dự án được cấp phép chỉ bằng 1/10 so với các năm trước đó. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư của người dân vẫn ở mức cao, chưa kể đây được coi là kênh đầu tư an toàn.

Số liệu của trang Batdongsan cũng khẳng định tốc độ tăng giá bất động sản rao bán trong năm 2021 tăng đáng kể. Có những khu vực giá bán rao tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.

Nhìn nhận ở góc độ thận trọng về sự tăng giá bất thường của bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết nhóm F0 chính là động lực đẩy sức tiêu thụ và giá của thị trường căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội tăng cao nhưng cũng tạo ra nhu cầu và mức giá ảo cho thị trường trong dài hạn...

Theo ông Đính, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Và theo nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm. Thế nhưng, trên thực tế, thị trường lại cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý. Đó là cầu thực giảm, thể hiện ở số lượng giao dịch giảm, nhưng tổng tiền vào thị trường bất động sản lại có dấu hiệu mạnh lên.

Lý giải về điều này, ông Đính cho rằng, nguyên nhân bởi một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư. Cùng với đó, tiền gửi ngân hàng bị điều chỉnh lãi suất giảm cùng lo sợ lạm phát gia tăng đã khiến dòng tiền chuyển hướng mạnh sang thị trường bất động sản, dẫn đến tổng lượng tiền sẵn sàng mua bất động sản tăng, làm tổng cầu bất động sản tăng (DF0).

Bản chất của cầu đầu tư gia tăng (DF0) là đầu tư ngắn hạn (khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ quay về thị trường cũ), chỉ cung muốn sinh lợi cao và nhanh. Mặt khác, vì thiếu kinh nghiệm nên nhiều người hay tham gia đám đông và dễ bị dụ dỗ, mắc bẫy…Khi phát hiện nguy hiểm, những nhóm đầu tư này thường tìm cách cắt lỗ, tháo chạy. Cách đầu tư này không bền vững, gây hậu quả đẩy giá bất động sản lên cao, không có lợi cho người tiêu dùng thực sự.

Ông Đính cũng cảnh báo, chính hiện tượng cầu lớn, hàng khan, giá tăng mạnh đã thành cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia thị trường không tuân thủ quy định pháp luật. Xẻ thịt, chia lô đất rừng, đất đồi, đất ruộng để bán làm náo loạn trật tự ở nhiều địa phương trên cả nước..."Dịch bệnh và kinh tế khó khăn mà giá BĐS tăng nóng rõ ràng là không bình thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường", ông Đính nhận xét.