Hàng nghìn con sán lá gan làm tổ chỉ vì thói quen ăn đồ gỏi sống
Bệnh viện Bưu điện đưa tin, mới đây bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp một ngư dân nhập viện trong tình trạng đau bụng dưới sườn phải kèm sốt, vàng da. Khi kiểm tra trong đường mật của bệnh nhân, các bác sĩ tá hỏa khi phát hiện có hàng nghìn con sán lá gan trong đó. Hai ngày sau phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi, nội soi đường mật tán sỏi gan tại khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Bưu điện, sức khỏe của bệnh nhân cơ bản ổn định.
Được biết, bệnh nhân là ngư dân nên có thói quen ăn đồ gỏi sống rất thường xuyên. Điều này thật sự rất nguy hiểm. Thông tin từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM cho thấy, tập quán ăn tôm cua chưa nấu chín cũng như ăn gỏi cua, gỏi tôm, ăn cua nướng (thực chất thịt cua nướng chưa chín), ăn gạch cua sống, ăn mắm cua, uống nước cua sống... đều có nguy cơ bị nhiễm sán lá.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ), không riêng gì cua sống mà các loại ốc, hàu tươi sống thường có ấu trùng sán lá phổi hay các loại sán lá gan lớn nhỏ, giun ở các loại ốc nước ngọt và trên cạn. Khi ăn những loại hải sản chưa được chín kỹ này, các loại ấu trùng đều có thể xâm nhập vào cơ thể gây hại sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm) cho biết thêm, việc ăn hải sản sống, gỏi sống nói chung khiến chúng ta dễ dàng bị nhiễm các bệnh ký sinh trùng. Nhiều ký sinh trùng chọn cư trú trong vỏ của các loại hải sản, các ký sinh trùng này không thể được loại bỏ hoàn toàn thông qua việc rửa hoặc nấu nướng đơn giản, nếu không chế biến với nhiệt độ cao mà trực tiếp ăn tái/sống, vô hình sẽ ăn luôn mầm bệnh. Sau khi ăn uống không chú ý có thể sẽ bị nhiễm sán lá gan, sán lá phổi, sán hình lát gừng, và các loại ký sinh trùng khác.
Nhân biết cơ thể nhiễm sán – Đâu là dấu hiệu và phòng tránh đúng cách?
Tiến sĩ Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam) khẳng định, nếu phải phân ra những thực phẩm nào dễ bị nhiễm sán thì chắc chắn ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật dễ bị nhiễm sán hơn. Sán đến từ hai nguồn: một là thực phẩm đó có sán, hai là thực phẩm bị ô nhiễm và lây sán từ những nguồn khác.
Theo chuyên gia, người bị nhiễm sán thường có các biểu hiện như đau bụng từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, móng tay biến dạng, người xanh xao, ngứa, mày đay, suy nhược cơ thể... Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Theo chuyên gia, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán, cần phải làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, thịt sống tái nói chung, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận. Giun sán ẩn nấp trong nhiều loại thực phẩm, trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán nên cần hết sức cẩn trọng.