Kinh hoàng cảnh nông dân "tắm" hóa chất, dầu nhớt cho rau muống 1
Chở rau muống vào nội thành tiêu thụ. Ảnh T.H

Cuối tuần, PV đã lần theo các lái buôn tìm đến những vựa rau lớn nhất tại TP.HCM và vạch trần những thủ đoạn, tiểu xảo trong quy trình sản xuất rau muống “siêu bẩn”, mà bất cứ ai khi chứng kiến cũng phải cân nhắc khi sử dụng cho bữa cơm thường nhật của gia đình mình.

Nhìn sản xuất một lần là cạch mặt

Theo chân các thương lái chuyên bỏ mối rau muống ở các khu chợ trên địa bàn TP.HCM, sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi cũng đã tìm đến được những nơi cung ứng nguồn rau cho toàn thành phố. Những khu vực trồng rau muống này tập trung ở các khu vực ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Q12… Lựa chọn một địa điểm gần với khu vực nội thành, người viết đã tìm đến những vựa rau trên địa bàn phường Thạnh Xuân (Q.12) để tìm hiểu về quy trình trồng rau muống tại đây.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là trên ruộng rau muống gần 1 ha, toàn bộ số rau đều xanh non một cách lạ thường. Thật khó để tìm ra được những cây rau muống nào bị vàng úa, sâu cắn phá. Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi không khỏi rùng mình khi biết quy trình sản xuất loại rau muống “siêu đẹp” này. Để có được “cái mã đẹp” ấy, từng cây rau muống đã phải trải qua một quá trình “tắm” hàng tá nhớt thải và hóa chất độc hại.

Theo anh Thắng (một người sống cạnh các vựa rau muống - PV) cho biết, quá trình phát triển của rau muống kể từ sau lần cắt cho đến lúc thu hoạch tiếp theo chỉ mất khoảng 3 tuần. Hỏi về những ruộng rau muống xanh tốt và cách thức để có thể trồng được như thế thì anh Thắng nói: “Tôi không biết họ trồng như thế nào nhưng đã từng nhiều lần chứng kiến cảnh người trồng phun thuốc và vẩy nhớt thải khắp ruộng rau. Ban đầu, tôi cũng không biết họ cho nhớt thải lên rau làm gì, sau đó tôi mới biết là họ làm thể để không bị sâu rầy phá”.

Dẫn chúng tôi ra vựa rau muống gần nhà, anh Thắng chỉ về phía đống chai, lọ và các vỏ thuốc vứt vương vãi trên bờ ruộng rau. “Nhiều loại thuốc lắm, người ta dùng chúng để phun trực tiếp lên rau”, anh Thắng cho hay. Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh Thắng chỉ tôi nhìn xuống mặt nước xâm xấp trên nền ruộng. Phía dưới những cọng rau muống xanh non mơn mởn là váng nhớt thải còn vương lại. Thậm chí, nhiều ruộng rau còn bốc mùi hôi thối và nồng nặc mùi hóa chất vừa mới phun.

Gặp một phụ nữ đang “tắm” nhớt thải cho rau muống, chúng tôi liền tiếp cận và dò hỏi thử. Không hề giấu giếm và e ngại, người này nói: “Tưới như thế để giảm bớt được tình trạng bị sâu rầy phá hoại”. Sau đó, chị này còn tiết lộ cách thức tưới nhớt cho rau muống: “Từ thời điểm rau vừa cắt còn gốc thì phải tưới nhớt pha mua ở tiệm sửa xe với nước rửa chén để xử lý các con rầy trên ruộng. Dụng cụ phun tưới cũng rất đơn giản, những người trồng rau chỉ cần một chiếc xô, một cái ca nhựa. Ra ruộng thì chỉ cần múc đầy nước dưới ruộng vào xô rồi cho nhớt thải, nước rửa chén vào quậy đều và “tạt” xuống vựa rau…”.

Khi rau muống bắt đầu nhú khoảng 10cm, những người trồng rau bắt đầu rải phân đạm lên rau muống. Khi rau phát triển được khoảng 8-9 ngày trở đi, những người canh tác tiếp tục phun xịt các loại thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu như: thuốc kích thích sinh trưởng GA3, thuốc đặc trị rầy Centerfly 600Ec, thuốc trừ sâu Sword 400Ec… và cả một số loại hóa chất khác không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, suốt quá trình rau muống phát triển, người trồng rau không ngừng duy trì việc tưới nhớt bẩn thường xuyên để ngăn chặn sâu rầy…

Thời điểm rau muống được hai tuần tuổi, họ tiếp tục phun nhiều loại thuốc thực vật khác nữa để kích thích cũng như chăm sóc trước thời điểm đưa ra thị trường. Một số người còn sử dụng nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng mạnh, như HVP 801S (còn được gọi với tên thuốc “Xông hơi cực mạnh”) để phun tưới nhằm kích thích rau muống phát triển nhanh, lá non, mềm hơn trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Kinh hoàng cảnh nông dân "tắm" hóa chất, dầu nhớt cho rau muống 2
  
Kinh hoàng cảnh nông dân "tắm" hóa chất, dầu nhớt cho rau muống 3
Pha chế để chuẩn bị phun thuốc cho rau muống.

Kinh hoàng cảnh nông dân "tắm" hóa chất, dầu nhớt cho rau muống 4
Thu hoạch rau muống.

Kinh hoàng cảnh nông dân "tắm" hóa chất, dầu nhớt cho rau muống 5
Một số loại thuốc vứt vương vãi trên bờ ruộng.

Người sản xuất không dám ăn

Trực tiếp có mặt tại “vựa” rau muống bẩn, bất kỳ ai cũng dễ dàng cảm nhận mức độ độc hại của các loại hóa chất, nhớt thải tưới rau. Thực tế, chính những người canh tác, hàng ngày phun hóa chất cũng tỏ ra hết sức e dè, phải mặc hai lớp áo trong ngoài, đầu đội nón vành, chân mang ủng và đeo một dụng cụ bảo vệ trước mặt để không hít phải khí độc. Người phun thuốc sẽ bắt đầu công việc của mình bằng việc dùng xô múc nước dưới mương, sau đó cho tất cả các loại thuốc vào trộn chung, đổ vào bình phun trực tiếp lên rau muống. Khi được hỏi về quy định liều lượng pha chế đảm bảo an toàn, phần lớn người trồng rau tỏ ra chẳng mấy quan tâm, miễn sao rau không bị sâu bệnh và trông bắt mắt là được…

Thắc mắc về những loại thuốc mà người trồng rau muống sử dụng để phun lên rau muống, chúng đôi đã đem những lọ thuốc đến cửa hàng bán thuốc thực vật để tìm hiểu. Tất cả những loại thuốc nói trên đều được dùng để chăm sóc cho các loại thực vật cây trồng. Chủ cửa hàng thuốc thực vật cho biết, tất cả những loại thuốc được nhắc đến ở trên đều có quy định rõ về thời hạn phun trước khi thu hoạch. Ví dụ như phân bón lá HVP800S thì ngưng phun trước khi thu hoạch 7 ngày, thuốc đặc trị rầy Centerfly600Ec cũng 7 ngày. Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác thì thời gian có thể kéo dài hơn như thuốc “Xông hơi cực mạnh” là 14 ngày….

Trao đổi cùng PV, một đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết: Thật ra, tình trạng sâu bệnh kháng thuốc là rất hiếm, mà do người dân không nhận “mặt” được loại sâu, hoặc tạt thuốc khi sâu đã quá lớn, thì thuốc khó có tác dụng. Có khi, nhúng cả con sâu vào thuốc chưa chắc đã diệt được. Bên cạnh đó, thời gian cách ly không đủ, như vậy sẽ nguy hiểm cho người ăn. Có thể không bị ngộ độc ngay lập tức, nhưng ăn nhiều và thời gian kéo dài rất dễ bị tích tụ chất độc trong cơ thể. Ngay cả thuốc tăng trưởng, nếu ăn lượng lớn sẽ có hại cho cơ thể”.

Thái độ phó mặc và sự thiếu hiểu biết đã khiến những người nông dân hàng ngày duy trì việc đầu độc “vựa” rau muống lớn nhất Sài thành. Nhưng chính bản thân họ, khi trực tiếp tham gia vào quá trình canh tác siêu bẩn ấy, cũng chẳng dám sử dụng sản phẩm. Bởi một lẽ, việc phun thuốc trừ sâu cũng như các loại thuốc kích thích không đúng liều lượng và thu hoạch trước thời hạn quy định cho phép ở đây là điều khó tránh khỏi. Kèm theo đó, dĩ nhiên là nguy cơ rước hóa chất độc hại vào người. Một nông dân ở “vựa” rau muống này tiết lộ: “Nếu để gia đình và người thân quen sử dụng, chúng tôi phải để riêng một khu vực canh tác sạch, không sử dụng hóa chất gì”.

Được biết, chuyện trồng rau với “kỹ nghệ” bẩn như thế này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hồi kết. Người tiêu dùng từng ngày vẫn đang bị đe dọa đến sức khỏe của mình.

Trong dầu nhớt có chứa nhiều hydrocacbon, chất này sẽ giúp nước trong rau khó bay hơi. Vì vậy khi phun dầu nhớt với nồng độ nhẹ lên rau, nhớt sẽ phủ lớp mỏng trên bề mặt thân và lá rau, làm rau muống có màu xanh mướt, tươi lâu và không bị sâu ăn lá. Dầu nhớt được sản xuất từ dầu thô, có nhiều chất có cấu trúc đa vòng. Càng chứa nhiều chất đa vòng, dầu nhớt càng được đánh giá cao về chất lượng. Chất có chứa cacbon đa vòng lại được xem là chất gây ra các căn bệnh ung thư. Khi phun nhớt đã qua sử dụng lên rau muống, chất độc hại cũng đồng thời được hấp thu vào rau, vào trong đất, nước gây ô nhiễm và làm thoái hóa nặng nề môi trường nước, đất.