Thịt dê, thịt cừu làm từ... chuột cống
Ngày 4/5, đồng loạt các báo đưa tin Bộ công an Trung Quốc bắt tổng cộng 904 người trong chiến dịch kéo dài ba tháng truy quét những đối tượng làm thịt giả.
Đây là một phần trong chiến dịch truy quét tội phạm về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc từ tháng 1 năm nay.
Bên phải là thịt cừu giả làm từ chuột cống, bên trái là thịt cừu thật.
Theo tiết lộ của công an, từ năm 2009, hàng tấn thịt chuột, cáo, chồn đã được đưa từ tỉnh Sơn Đông về, được pha chế thêm gelatine, chất nhuộm đỏ cùng nhiều chất phụ gia khác để trở thành...thịt dê, thịt cừu.
Người cầm đầu vụ buôn bán thịt giả siêu lớn này có họ Wei. Cụ thể, hắn đã thu gom thịt chuột và các động vật khác như cáo, chồn được săn bắt bằng hóa chất, sau đó Wei đem trộn với gelatin, nitrate và carmine những phụ gia phẩm màu khác "hô biến" thành thịt cừu, thịt dê đem bán ở các chợ của nông dân ở tỉnh Giang Tô và Thượng Hải.
Với mánh khóe này, Wei và những kẻ làm thịt giả đã thu lợi hơn 10 triệu nhân dân tệ, tức khoảng 1,6 triệu USD. Vụ bê bối này khiến nhiều độc giả trên mạng xã hội Weibo lo ngại không biết có bao nhiêu con chuột cống được làm giả thịt cừu bán ra thị trường và nhiều người bày tỏ sự mất lòng tin vào khả năng quản lý thực phẩm của cơ quan chức năng Trung Quốc.
Tai lợn được làm từ nhựa và getalin
Mới đây, ngày 4/5, báo chí Trung Quốc lại khiến nhiều người hoảng hốt khi đưa tin người dân thành phố Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây phát hiện tai lợn nhân tạo nghi ngờ được làm từ nhựa và gelatin.
Cụ thể, sáng 30/3, một người dân ở thành phố Cám Châu, Giang Tây đã phát hiện tai lợn giả sau khi mua tai ngoài chợ. Tai lợn này không bình thường, nó không chỉ có mùi hóa học khó ngửi mà còn vừa xé đã rách.
Tai lợn giả vừa xé đã rách.
Sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc và phát hiện một khu chuyên chế biến tai lợn giả. Nhân viên điều tra cho biết, bì của số tai lợn giả không có tổ chức huyết quản và sụn, mùi của nó rất khó ngửi, có thể dùng vật cứng đâm thủng, không có độ dai như tai lợn thật, thậm chí dễ dàng xé rách chúng bằng tay.
Ông chủ bán thịt lợn giả khai báo, số thịt lợn này là nhập từ An Dương, Hà Nam (Trung Quốc) có phí vận chuyển là 7,5 tệ nửa kg, khi mua về tai lợn chưa có màu nhưng chỉ cần nhỏ một giọt hương vị nhân tạo, sau đó đem ngâm vào nước tương là được màu như mong muốn.
Tai lợn chưa được nhuộm màu.
Sau khi hoàn tất quá trình gia công, ông đem tiêu thụ ở một số chợ ở Cám Châu, Giang Tây. Sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, ông chủ chỉ lưu lại ở mỗi chợ khoảng 20 phút. Ông di chuyển khá nhanh từ chợ này qua chợ khác để khỏi bị người khác chú ý.
Địa điểm thuê chế biến tai lợn giả này đã bị cơ quan chức năng niêm phong. Theo suy đoán của cơ quan điều tra rất có thể số tai lợn nhân tạo này được làm bằng nhựa và gelatine.
Cánh gà giả dai cứng như cao su
Năm ngoái dư luận Trung Quốc hết sức lo ngại bởi nhiều trường hợp mua phải cánh gà lạ và bị nghi là "cánh gà giả".
Ông Châu (An Huy, Trung Quốc) và ông Cổ (Quảng Châu, Trung Quốc) mua cánh gà giá rẻ ở chợ về nhưng không thể nào ăn được. Ông Châu cho biết mình đã mua 500 gram cánh gà tại một xe bán thịt gà làm sẵn di động ở chợ đầu mối. Giá thành loại gà này rẻ hơn nhiều so với bình thường nhưng ông Châu vẫn quyết định mua bởi ông đinh ninh rằng mình ngửi thấy mùi thịt gà.
Cánh gà giả vẫn có mùi thịt gà và bên trong có chất lỏng màu vàng
Tuy nhiên, sau khi tẩm rán và đưa ra thưởng thức, ông Châu không còn cảm nhận được vị thịt gà nữa mà thấy mình như đang nhai cao su. Gia đình nghĩ rằng thịt chưa chín nên rán lại nhiều lần thì màu sắc của thịt vẫn còn đỏ và nhìn thấy chất lỏng màu vàng chảy ra từ bên trong thịt.
Ngay lập tức, số cánh gà này được gửi đến trường Đại học nông nghiệp An Huy để làm thí nghiệm và phân tích. Giáo sư Wang của trường Đại học Nông nghiệp An Huy, người có kinh nghiệm trong công nghệ thực phẩm cho biết: "Sau khi phân tích, chúng tôi tạm kết luận đây là phương thức làm cánh gà giả khá tinh vi. Thông qua quan sát bằng kính hiển vi, loại cánh gà này không có lỗ chân lông, mô xơ và bắp thịt như cánh gà bình thường. Bằng mắt thường, người tiêu dùng chỉ có thể nhìn thấy loại cánh gà này vẫn có lông."
Dù được nấu, hấp nhiều lần nhưng nó vẫn dai.
Còn ở Quảng Châu, một vài người dân đã không thể ăn cánh gà giá rẻ khi luộc mãi không chín, ninh cả tiếng không nhừ. Loại cánh gà này được đóng trong bao nilon giá 14 – 18 nhân dân tệ/kg (46.200 – 59.400 đồng - bán lẻ và bán cả túi).
Gia đình ông Cổ khi mua loại cánh gà này về luộc một lúc lâu, da bên ngoài chín, nhưng bên trong vẫn đỏ máu. Cho vào nồi hầm, vớt ra thấy thịt có chất keo trong suốt ăn nhạt toẹt. Thấy vậy ông không ăn. Một số người ăn sau đó đều bị đau bụng.
Theo các phương tiện truyền thông nước này, những cánh gà trên có thể được làm giả bằng cách trộn một lượng nhỏ thịt gà vào các hợp chất hóa học như keo thực phẩm Hydrocolloid và được làm đông lạnh.
Cánh gà này được trộn với keo Hydrocolloid quá liều cho phép.
Trên bao bì ghi nơi sản xuất là nhà máy ở Duy Phường, tỉnh Sơn Đông tuy nhiên không thể liên lạc được với nhà sản xuất qua số điện thoại ghi trên bao bì. Được biết, keo thực phẩm Hydrocolloid là chất phụ gia được dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, dùng đúng hàm lượng cho phép thì không có hại, nhưng dùng quá nhiều thì có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Thịt bò làm từ thịt lợn
Những ngày gần đây cư dân mạng xôn xao chuyện phụ gia Trung Quốc giúp hô biến thị lợn thành thịt bò nhanh chóng.
Tờ Telegraph của Anh đã đăng tải video biến thịt lợn thành thịt bò ở Trung Quốc bao gồm các bước: đầu tiên thái thịt lợn thành lát, sau đó cho chất phụ gia vào bát rồi trộn đều các chất phụ gia rồi nhúng thịt lợn thái lát vào và để trong 90 phút. Cuối cùng là chiên thịt trong dầu nóng để có món thịt bò như thật.
Thịt bò được chế biến từ thịt lợn.
Các loại phụ gia này được bày bán tại chợ Hợp Phì thuộc thành phố Phúc Châu, một gói hương vị này có giá trung bình khoảng 45 nhân dân tệ, tương đương với 135.000 đồng, riêng hương vị cừu thì đắt hơn chút ít, khoảng 50 nhân dân tệ,tương đương với 150.000 đồng.
Thức ăn nhanh chế biến từ gà thải Trung Quốc
Hồi tháng 1 vừa qua, tờ Beijing Youth Daily đã cho đăng thông tin gây sốc khi tiết lộ những vấn đề xung quanh chất lượng thực phẩm của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bài báo của Trung Quốc viết: "Những báo cáo trên Net cho thấy một nhà sản xuất tại Hanan đã sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm từ gia cầm chết vì bệnh. Việc sử dụng loại gia cầm chết bệnh đã tiếp diễn vài lần và được phân phối tới nhiều nhà bán lẻ thức ăn nhanh nổi tiếng".
Ngay khi thông tin trên được lan truyền, người dân Trung Quốc đã vô cùng lo sợ và có tâm lý tránh mua thức ăn nhanh tại các chuỗi cửa hàng của McDonald’s và KFC. Mối lo ngại này không chỉ dừng lại trong lãnh thổ Trung Quốc mà còn lan sang cả Nhật Bản.
Tờ Sankei của Nhật Bản đã tự thực hiện một cuộc điều tra và phát hiện thấy một số lượng gà mà hãng McDonald tại Nhật Bản sử dụng để chế biến thực phẩm, được phân phối từ chính nhà sản xuất tại Hanan, Trung Quốc. Theo đó, trong năm 2011, khoảng 222.000 tấn gà Trung Quốc đã được nhập vào Nhật Bản.
Nhật Bản nghi ngờ thức ăn nhanh chế biến từ gà thải Trung Quốc.
Trong khi đó, bằng chứng rõ nhất về mức độ độc hại trong gia cầm xuất khẩu từ Trung Quốc chính là dư lượng kháng sinh và hoóc-môn tăng trưởng mà các chủ trang trại chăn nuôi sử dụng để đẩy nhanh tốc độ phát triển của vật nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân gây lo ngại về viễn cảnh dịch bệnh lây lan trong đàn gia cầm.