Có một đôi vợ chồng Trung Quốc xuất thân từ gia đình nông dân nhưng họ đột nhiên trở thành khách mời phỏng vấn của truyền thông bởi 2 người con của họ đều đỗ vào những ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc. Dưới sự ủng hộ của ban biên tập một nhà xuất bản, họ đã mang những kinh nghiệm nuôi dạy con của mình viết thành sách dưới bút danh Kim Liên. Bài viết dưới đây được biên tập lại dựa trên cuốn sách cùng tên của họ.

Để con nghe lời mình, hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ dùng vật chất làm phần thưởng cho con. Cách thưởng này tưởng chừng như có hiệu quả nhanh chóng đối với trẻ, mà bố mẹ cũng không cần quát mắng nhiều. Tuy nhiên, nếu áp dụng trong thời gian dài, con cái dần dần sẽ biết “mặc cả”, “ra giá” với người lớn, càng ngày càng tham vật chất, dẫn đến phản tác dụng.
 
Quà cho con
"Mua chuộc" con bằng vật chất chưa bao giờ là một lựa chọn sáng suốt với sự phát triển của trẻ (Ảnh minh họa).
 
Gia đình vợ chồng nhà văn Kim Liên vốn rất nghèo, chỉ riêng lo cái ăn cái mặc đã vất vả lắm rồi nên cũng không thể nào thỏa mãn được những điều kiện vật chất khác cho con. Họ thường sử dụng những món quà tinh thần làm phần thưởng để cổ vũ cho các con. Hai người con của họ đều giành được rất nhiều giải thưởng cũng như học bổng ở trường.

Tình yêu và lời khen từ mẹ là phần thưởng quý giá nhất dành cho con gái

Khi con gái còn nhỏ, mẹ thường hay khen con là “tuyệt nhất”. Bất kể lúc con đứng dậy sau khi té ngã những bước đi đầu tiên, khi con gái tự biết xúc cơm ăn hay lúc con biết nhường đồ cho bạn, mẹ đều khen con gái “tuyệt nhất”. Đến khi con gái đi học, dù là con tự giác làm xong bài tập, thi đạt kết quả tốt hay được giải thưởng ở trường, mẹ cũng đều khen con gái “tuyệt nhất”. Cách làm này sẽ khiến con cảm nhận được vị trí của mình trong trái tim người mẹ, tăng sự tự tin và hãnh diện trong con, giúp con cứ thế vững vàng bước đi trên con đường của mình.

Hồi con lên 3 tuổi, nhìn thấy bạn ăn quà vặt đều thấy rất thèm. Có lần, cô bé nhìn thấy bạn đang ăn kem liền tiến lại gần nhìn một cách thèm thuồng. Bạn đưa kem sang phải, cô bé nhìn theo phải, bạn chuyển kem sang trái, bé cũng đưa mắt dõi theo trái.
 
Dạy con
Thường xuyên khen ngợi, động viên sẽ khiến con thêm tự tin và hãnh diện, giúp con cứ thế vững vàng bước đi trên con đường của mình (Ảnh minh họa).
 
Người mẹ thấy vậy vội chạy đến ôm con vào lòng, dịu dàng nói: “Bố mẹ bây giờ không có tiền mua kem cho con, sau này có tiền mẹ mua bù cho con được không?”. Cô bé mỉm cười đáp: “Vâng, sau này bố mẹ có tiền sẽ mua kem cho con nhé”. Con ngoan lắm”- Người mẹ vừa khen vừa thơm vào má con khiến bé gái rất vui. Sau lần đó, con không nhìn bạn ăn quà vặt bằng ánh mắt thèm muốn cũng chẳng vòi bố mẹ mua đồ nữa.

Từ cậu bé bướng bỉnh trở thành một người đàn ông có khí phách

Khi nhỏ, cậu con trai nhà tác giả Kim Liên thường xuyên không chịu rửa tay trước khi ăn, dùng đồ xong không biết cất lại gọn gàng, làm gì cũng lộn xộn, nhớ trước quên sau, luôn khiến bố mẹ lo lắng. Khi học mẫu giáo, cậu bé rất bướng bỉnh, ham chơi, không tuân thủ nội quy của lớp, thường bị cô giáo phê bình.

Ban đầu, vợ chồng nhà văn Kim Liên đã áp dụng nhiều phương pháp nghiêm khắc để răn dạy con: Thấy con viết xấu liền quát con, khi con không cất đồ chơi về chỗ cũ liền phê bình, đôi lúc con lặp lại những lỗi sai cũ, họ thường quát mắng con gay gắt. Nhiều khi nóng giận không kiềm chế được, họ cũng đánh vào mông con vài phát. Nhưng lâu dần như vậy, đứa con lại sinh ra tâm lý thích chống đối, thậm chí còn ăn nói vô lễ với bố mẹ. 

Sau này, 2 vợ chồng họ mới nhận ra một điều: Bố mẹ không được nóng vội khi dạy con mà phải lý trí vững vàng một chút mới thành công.

Khi con trai phạm lỗi, họ trước tiên phải tự kiềm chế sự tức giận của bản thân, không nổi nóng mà bình tĩnh lại, không sử dụng những từ ngữ hay hành động thô bạo với con. Sau đó, con sẽ có tiến bộ lên một chút hoặc chỉ cần con làm tốt một việc gì đó thôi, họ cũng sẽ khen con ngay. Chẳng hạn như con dậy sớm tự giác gấp chăn, con ăn xong tự thu dọn bát đũa, chơi xong biết cất đồ chơi vào hộp. Sau khi nhận được nhiều lời khen của bố mẹ, con sẽ cảm thấy sự tiến bộ của mình được người lớn nhìn nhận nên dần dần tự thay đổi hành vi của mình, tạo thành những thói quen tốt.
 
Dạy con ngoan
Khi bố mẹ trở nên “hiền” với con hơn, con cái sẽ không muốn đối đầu với bố mẹ nữa mà vui vẻ nghe lời khuyên của họ, không ngừng cải thiện bản thân để bố mẹ hài lòng (Ảnh minh họa).
 
Hồi học cấp 2, có lần trong giờ thể dục, vì trời nóng nên cậu bé cởi áo ngoài ra vứt dưới sân rồi quên không mang về nhà nên bị mất áo. Nhà văn Kim Liên nói với con: “Lại làm mất đồ à? Tiếc quá, cái áo đấy mua mất mấy chục ngàn đấy. Mà thôi bỏ đi con, dù sao cũng mất rồi, từ sau con nhớ cẩn thận hơn!”. Con trai vốn đã chuẩn bị sẵn tâm lý bị bố mẹ trách phạt nhưng bố mẹ lại nói những lời như vậy khiến lòng cậu bé tự nhiên chùng xuống nhưng vẫn có cảm giác biết ơn họ rất nhiều.

Khi bố mẹ trở nên “hiền” với con hơn, con cái sẽ không muốn đối đầu với bố mẹ nữa mà vui vẻ nghe lời khuyên của họ, không ngừng cải thiện bản thân để bố mẹ hài lòng.

Trong quá trình trưởng thành của con trai, nhà văn Kim Liên thường động viên con bằng cách gọi con là “nam tử hán đại trượng phu” (người đàn ông đích thực). Chẳng hạn như khi con vấp phải khó khăn muốn bỏ cuộc, mẹ sẽ khích lệ: “Nam tử hán đại trượng phu chẳng sợ khó khăn nào hết”, người con lại tràn đầy tự tin vượt qua khó khăn. Khi con cảm thấy ấm ức mà bật khóc, mẹ lại nói: “Nam tử hán không dễ dàng rơi lệ”, cậu bé liền lau nước mắt để bảo toàn tôn nghiêm của một “người đàn ông”. Khi con học tập có tiến bộ, bố mẹ lại cổ vũ: “Thế này mới xứng đáng là nam tử hán đại trượng phu chứ”…

Nhận được nhiều sự cỗ vũ khích lệ tinh thần và khẳng định được khả năng của mình với bố mẹ, những đứa con ngày càng có niềm tin và dũng khí để vượt lên khó khăn, đứng lên sau vấp ngã. Nhờ đó, họ mới cố gắng tự rèn luyện bản thân để nâng cao năng lực và phẩm chất của mình. Khi có sự cố gắng không ngừng nghỉ, lại cộng thêm sự ủng hộ nhiệt tình từ bố mẹ, những đứa con đã đạt được thành tích cao trong học tập, cuối cùng là đỗ vào trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc.

Nguồn: ntdtv