Kinh nghiệm thuê nhà của cô nàng du học sinh Mỹ: tự kiếm tiền chi tiêu chứ không cần hỗ trợ từ gia đình - Ảnh 1.

Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu về chất lượng dạy học.

Có thể nói, du học Mỹ là ước mơ của rất nhiều học sinh, sinh viên ở Việt Nam và cả nhiều quốc gia khác. Không chỉ có nền giáo dục đẳng cấp hàng đầu thế giới, Mỹ còn là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị lớn – một “miền đất hứa” của nhiều giấc mơ đổi đời.

Theo thống kê của Statista, số lượng du học sinh Việt Nam du học tại Mỹ trong năm học 2020-2021 lên đến 21.631 sinh viên, đứng thứ 6 trong danh sách những nước đứng đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.

Khi quyết định du học, ngoại trừ vấn đề học trường nào, học phí bao nhiêu, việc tìm nhà ở cũng khiến không ít sinh viên phải đau đầu. Đặc biệt là đối với những sinh viên không có người thân ở Mỹ, thì việc tìm nhà ở thường phụ thuộc vào các nhóm du học sinh trên Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội khác.

“Tìm nhà thì mình có thể hỏi han hoặc post bài tìm nhà trên các page người Việt tại Mỹ nên cũng có khá nhiều lựa chọn. Tùy thuộc vào mình mà sẽ xem ảnh rồi hẹn xem nhà, khi nào thích thì mình sẽ chốt sau.

Cho tới bây giờ thì mình nghĩ việc tìm nhà cũng may mắn vì có bạn giúp đỡ, quen biết giới thiệu nên không khó khăn lắm, với lại cũng có bạn phụ giúp chuyển nhà nữa” – chị Lê Mỹ Vân, sinh viên du học tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ chia sẻ.

Theo chị Vân, hình thức thuê phòng của nhà chủ là hình thức khá phổ biến đối với du học sinh Mỹ, và đây cũng là hình thức thuê phòng hiện tại của chị. Đối với hình thức này, sinh viên sẽ được sử dụng riêng một phòng, ngoài ra còn có các khu vực dùng chung như nhà vệ sinh (đối với những phòng không có nhà vệ sinh riêng) hoặc bếp.

Đa phần những tiện ích bổ sung như giặt là, nấu nướng đều được sử dụng khá thoải mái, và người thuê cùng nhà sẽ tự phân chia thời gian để sử dụng. Vì là khoảng không gian chung nên chị Vân có chia sẻ rằng mỗi người phải tự giác dùng cẩn thận và dọn dẹp sạch sẽ để không gây ảnh hưởng đến người khác.

Căn phòng hiện tại chị đang thuê có giá 450 USD (hơn 11 triệu đồng)/tháng. Bên cạnh đó, giá tiền cọc cũng không quá cao, thường rơi vào khoảng 1 tháng tiền nhà thông thường. Căn phòng có diện tích khoảng 20 mét vuông, khá thoải mái dành cho 1 người.

Nếu so sánh với giá thuê phòng tại một số thành phố lớn khác của Mỹ như New York hoặc Los Angeles, với giá 450 USD thì chúng ta khó có thể tìm được một căn phòng với diện tích tương tự.

Hiện nay, giá thuê nhà trung bình tại New York là 1.100 USD cho căn phòng chỉ khoảng 9 mét vuông, tương tự, giá thuê ở Los Angeles cũng dao động trong khoảng từ 1.100 USD - 1.300 USD (khoảng từ 27 đến 32 triệu đồng).

Kinh nghiệm thuê nhà của cô nàng du học sinh Mỹ: tự kiếm tiền chi tiêu chứ không cần hỗ trợ từ gia đình - Ảnh 2.

Căn phòng hiện tại chị Vân đang ở với giá thuê 450 USD/tháng. Ảnh: NVCC

“Thuê phòng trong nhà người ta bình thường sẽ phải cọc 1 tháng tiền nhà, rồi đóng tiền nhà mỗi tháng bình thường thôi. Khi nào mình muốn chuyển đi thì phải báo trước, để sau đó mình còn trừ cọc vào tháng cuối hoặc là lấy lại cọc” – chị Vân cho biết.

Nếu so sánh với Hàn Quốc – một trong những đất nước được sinh viên Việt Nam lựa chọn du học nhiều nhất – thì tiền cọc tại Mỹ được xem là “dễ thở” hơn rất nhiều.

Tại Hàn Quốc, tiền thuê một căn phòng đơn với đầy đủ tiện nghi, có thể nấu ăn trong phòng và có nhà vệ sinh riêng sẽ nằm ở mức từ 200.000 đến 500.000 KRW (khoảng 3 đến 8 triệu đồng)/tháng. Tuy nhiên, tiền cọc lại là một thử thách lớn đối với nhiều du học sinh, với mức cọc có thể từ 1 đến 2 năm giá tiền thuê nhà. 

Chủ nhà là nữ: Tiêu chí chọn nhà ưu tiên của du học sinh nữ

Về việc chọn nhà ở, tiêu chí của chị Vân là nhà cần phải nằm ở khu vực an toàn, nhà gọn gàng sạch sẽ, không quá ồn ào và đặc biệt chủ trong nhà phải là nữ. Chủ nhà thoải mái vui vẻ thì càng tốt.

Ngoài ra, bạn cùng nhà cũng phải hợp tính, hợp cách sống gọn gàng sạch sẽ như mình thì mới ở chung được vì sẽ dùng chung nhà vệ sinh và các không gian chung khác như phòng bếp, phòng giặt hay là phòng khách.

Có nhiều trường hợp bạn chơi chung thấy hợp mà dọn về ở chung là nghỉ chơi luôn, nên mình chỉ hợp ở chung nhà với một bạn từ trước đến giờ thôi", chị Vân nói.

Có thể thấy rằng không chỉ cá nhân chị Vân mà đa số các du học sinh nữ khi chọn nhà đều chọn chủ là nữ. Vì nhà thuê thuộc dạng ở chung nên phụ nữ ở với nhau sẽ khiến các bạn cảm thấy an toàn hơn, đặc biệt là nếu có việc gì xảy ra thì chủ nhà là nữ cũng sẽ dễ trao đổi và nói chuyện hơn so với chủ nhà là nam giới.

Sau vài lần chuyển nhà và có kinh nghiệm trong việc tìm trọ, căn nhà hiện tại được chị Vân đánh giá là ưng ý nhất.

Kinh nghiệm thuê nhà của cô nàng du học sinh Mỹ: tự kiếm tiền chi tiêu chứ không cần hỗ trợ từ gia đình - Ảnh 3.

Kinh nghiệm thuê nhà của cô nàng du học sinh Mỹ: tự kiếm tiền chi tiêu chứ không cần hỗ trợ từ gia đình - Ảnh 4.

Kinh nghiệm thuê nhà của cô nàng du học sinh Mỹ: tự kiếm tiền chi tiêu chứ không cần hỗ trợ từ gia đình - Ảnh 5.

Căn phòng khá đầy đủ tiện nghi và rộng rãi cho 1 người ở của chị Vân.

“Nhà mình đang ở thì hơi giữa giữa nên đi học và đi làm sẽ theo 2 hướng khác nhau, nhưng cũng gần chứ không quá xa. Đi học bình thường thì mất 20 – 30 phút, còn đi làm thì khoảng 15 phút, đôi khi kẹt xe thì cũng chỉ mất 20 – 30 phút thôi nên rất nhanh và tiện”- chị Vân chia sẻ.

HOST FAMILY: Hình thức thuê nhà dành cho du học sinh muốn nhanh chóng hòa nhập văn hóa

Đối với du học sinh Mỹ, đặc biệt là những du học sinh mới sang và muốn làm quen nhanh chóng với văn hóa bản địa, có một hình thức thuê nhà khá thú vị với tên gọi là host family.

“Lúc mới qua thì mình không quen ai hết, nên là mình đăng ký dịch vụ từ một công ty ở TPHCM, họ sẽ tìm nhà cho mình theo điều kiện mà mình muốn. Loại này thường ở chung với chủ người nước ngoài, thường là người Mỹ luôn, gọi là host family.

Loại hình thuê nhà này sẽ có hợp đồng rõ ràng hơn, giá cũng đắt hơn vì bao gồm cả ăn uống. Cái lợi khi ở cùng với host family là lúc đầu mình sẽ được giao tiếp với nhiều người, giao tiếp tiếng Anh nhiều hơn nên 1 năm đầu mình ở thì may mắn là trình độ tiếng Anh tốt lên nhanh hơn. Sau khi ở một năm ổn định, mình cũng cứng cáp hơn thì mới dọn ra thuê phòng ở bên ngoài”.

Kinh nghiệm thuê nhà của cô nàng du học sinh Mỹ: tự kiếm tiền chi tiêu chứ không cần hỗ trợ từ gia đình - Ảnh 6.

Nhiều du học sinh lựa chọn host family khi mới du học nước ngoài (Ảnh minh họa).

Khi được hỏi về việc hình thức thuê host family có được nhiều du học sinh Việt Nam ưa chuộng không, chị cho biết thêm: “Cũng tùy thôi, thường thì phổ biến với người nước ngoài, chứ Việt Nam thì mình thấy ít vì nó khá đắt. Ví dụ như vào năm 2017 lúc mình qua thì giá phòng ở với người Việt khoảng 350 – 450 USD (8,7 triệu đồng - 11,1 triệu đồng/tháng, còn ở với host family thì khoảng 700 – 750 USD (khoảng 17,4 - 17,6 triệu đồng)/tháng.

Tại mình không quen biết ai nên lúc đầu còn hơi sợ, chọn ở kiểu này cho yên tâm hơn chút. Còn những bạn du học sinh Việt Nam khác thì mình thấy đa số là tự lên các page người Việt để hỏi tìm thuê”.

Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều người nhầm lẫn giữa hình thức thuê nhà host family và homestay.

Cả hai hình thức này đều là người thuê sẽ sống chung với gia đình người bản địa, tuy nhiên hình thức homestay đòi hỏi độ tuổi tối thiểu là 18, đây là độ tuổi trưởng thành một cách hợp pháp ở Mỹ và những người bước sang độ tuổi này phải tự chịu trách nhiệm với mọi hành động của bản thân.

Còn đối với host family, người thuê có thể là người dưới hoặc trên 18 tuổi. Quy định chọn host family bao gồm những bước kiểm tra rất nghiêm ngặt như gia đình "nhận nuôi" phải cung cấp đầy đủ thông tin chứng minh mình phù hợp với việc “nhận nuôi” học sinh. 

Ngoài ra, chị Vân cũng chia sẻ thêm về hình thức thuê phòng chung cư dành cho những bạn có nền tảng kinh tế tốt hơn.

“Ai có điều kiện một chút thì sẽ ở căn hộ chung cư, một mình ở một nhà. Loại nhà này có máy giặt sấy, bếp đầy đủ, muốn làm gì thì làm. Tùy theo việc mình thuê nhà 1 phòng hay 2 phòng mà giá thuê cũng sẽ chênh nhau, nhưng chung cư thì thường khá đắt, ở những khu ổn ổn thì giá thuê khoảng 1.000 USD (khoảng 24,8 triệu đồng) trở lên cho nhà 1 phòng. Nhà loại này tốt ở chỗ cổng có khóa bằng mật mã, rồi có hồ bơi hay là phòng gym như một căn chung cư ở nước mình vậy đó”.

Tiền nhà thêm phần gánh nặng trong bối cảnh lạm phát

Tại Mỹ, lạm phát đã và đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng nhiều thập niên, giá khí đốt mặc dù đã có phần giảm nhưng chi phí cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, bao gồm cả giá thuê nhà vẫn nằm ở mức cao so với thông thường.

Điều này cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các du học sinh, đặc biệt là những người không có phụ cấp từ gia đình mà phải tự kiếm tiền để chi trả cho các chi phí sinh hoạt.

Dù đa số du học sinh tại Mỹ không được làm thêm bên ngoài nhà trường, nhưng sức ép đến từ các khoản chi tiêu, thuê nhà cũng như học phí khiến nhiều người phải bất chấp để không tạo ra thêm gánh nặng đối với cha mẹ.

“Hiện tại mình làm thêm tại một nhà hàng Việt Nam, may mắn là chỗ mình làm rất vui vẻ và thoải mái nên cũng ổn định.

Mức thu nhập hiện tại của mình chắc khoảng 2.000 USD (khoảng 49,7 triệu đồng), cũng tùy tháng thôi vì bên này làm nhà hàng thì sẽ phụ thuộc vào tiền tip của khách là chính. Lâu nay mình vẫn tự chi trả tiền nhà, tiền ăn uống với tiền học nữa. Nói chung là chịu khó đi làm với dùng vừa đủ thì cũng sẽ chi tiêu được hết, không cần hỗ trợ từ gia đình nhiều lắm đâu".

Chia sẻ về tình hình chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao, chị Vân cho hay: “Tình trạng kinh tế như hiện tại thì nhìn chung ở đâu cũng sẽ bị ảnh hưởng, giá điện nước cũng lên cao nên mình thuê phòng cũng bị lên chút tiền nhà. Rồi cả giá xăng, đồ ăn thức uống nữa, nói chung mọi thứ đều tăng giá nên sẽ phải tiết kiệm và chi tiêu cẩn thận hơn”.

* Danh tính nhân vật đã được thay đổi