Đối với phụ nữ thì kinh nguyệt là vấn đề quen thuộc hàng tháng. Tuy có hơi phiền toái và ảnh hưởng tới tinh thần, nhưng thực tế, lượng kinh nguyệt thải ra giúp cơ thể bài bớt độc tố và duy trì sức khỏe tử cung. Có thể khẳng định rằng, sự bình thường của kinh nguyệt là nền tảng vững chắc cho sự khỏe mạnh của chị em.
Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều phụ nữ đã từng gặp phải trường hợp chậm kinh vài lần. Ai cũng tưởng việc này không có gì to tát, nhưng theo các chuyên gia, đây chính là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có nhiều thay đổi lo ngại. Cụ thể những tác hại khi chậm kinh, kinh nguyệt không đều như sau:
- Chậm kinh gây thay đổi nội tiết tố nữ, làm nhan sắc chị em xuống cấp.
- Khiến da xanh xao, thô ráp, dễ bị nám và tàn nhang, lỗ chân lông to…
- Thường xuyên mệt mỏi, cáu giận vô cớ, giảm trí nhớ, mắc bệnh xương khớp…
Nhìn chung, trễ kinh tưởng chừng như là việc nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng cực lớn đến phụ nữ. Đáng tiếc là trong xã hội ngày nay, rất nhiều người hiện đang mắc những thói quen xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh nguyệt. Nếu gặp phải chỉ 1 trong 4 việc sau thì phải bỏ ngay, đặc biệt là việc cuối cùng.
4 nguyên nhân gây chậm kinh, trễ kinh dài ngày ở phụ nữ
1. Tập thể dục quá sức
Tập thể dục là thói quen số một để duy trì sức khỏe và nâng cao tuổi thọ. Tuy nhiên thứ gì nhiều quá cũng không tốt, kể cả vận động. Cụ thể, tập với cường độ cao sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái kiệt quệ, khiến quá trình sản sinh nội tiết tố nữ estrogen bị chậm lại, ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng và kinh nguyệt trầm trọng.
Cần lưu ý rằng, nếu chị em tập quá nặng hoặc quá sức thì mới gây chậm kinh, còn tập vừa phải thì lại càng gia tăng sức khỏe và nhan sắc. Mỗi ngày hãy vận động từ 30 phút – 1 giờ là tốt nhất, tùy theo thể trạng sức khỏe mà thay đổi cường độ tập cho phù hợp.
2. Gặp nhiều áp lực
Với guồng quay xã hội hiện đại, công việc dồn dập… thì việc gặp áp lực thường xuyên là chuyện rất bình thường. Stress không chỉ làm chậm kinh nguyệt mà còn gây nên những vấn đề về da như mụn trứng cá, sạm da hoặc ảnh hưởng tới não bộ. Nếu không kịp thời thoát khỏi stress thì bệnh tật "ghé thăm" cũng chỉ sớm muộn.
Theo các chuyên gia lý giải, khi căng thẳng thì cơ thể sẽ tiết ra adrenaline và cortisol làm ảnh hưởng tới quá trình rụng trứng, dẫn đến chậm kinh hoặc mất kinh trong thời gian dài. Chính vì vậy, chị em hãy tạo cho mình những thói quen lành mạnh như nghe nhạc, đọc sách, đi dạo phố… để cơ thể bớt stress.
3. Mắc một số bệnh nguy hiểm
Chậm kinh cũng có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), rối loạn tuyến giáp, bệnh về tuyến thượng thận, u tuyến yên, u nang buồng trứng, rối loạn chức năng gan, tiểu đường… Lúc này, bệnh sẽ tác động tới cơ thể nên gây trễ kinh liên tục.
Một khi cơ thể bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, chậm kinh kéo dài cả tháng… thì tốt nhất bạn nên đến viện để kiểm tra chính xác. Phát hiện bệnh sớm có thể tăng khả năng điều trị thành công, tuyệt đối đừng vì chủ quan mà chậm trễ thăm khám.
4. Cân nặng thay đổi thất thường
Với phụ nữ thì chuyện ăn kiêng giảm cân là điều hay diễn ra. Tuy nhiên nếu không thể duy trì được cân nặng ở mức ổn định, cứ lên xuống thất thường lại là chuyện khác. Đôi lúc một số nguyên nhân khách quan còn khiến cân nặng tăng giảm liên tục trong một thời gian ngắn.
Nếu quá gầy, cơ thể sẽ không sản xuất đủ lượng estrogen để bắt đầu quá trình rụng trứng. Còn quá béo thì cơ thể lại bị "quá tải" estrogen làm lớp lót tử cung dày lên, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Vậy nên, hãy đặt mục tiêu tăng hoặc giảm cân đến một mốc nhất định và duy trì như vậy.
Phụ nữ nên ăn gì để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt?
- Gừng: Đây là loại gia vị chứa nhiều vitamin C và có tính ấm, giúp giảm đau và tăng sự co bóp tử cung để bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trơn tru hơn.
- Nghệ tươi: Chúng giúp chống co thắt và chống viêm, từ đó làm giảm đau bụng kinh và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Bạn có thể pha nước nghệ tươi uống hàng ngày, thêm chút mật ong để nâng cao lợi ích.
- Đường thốt nốt: Loại đường này chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là sắt tham gia vào quá trình tạo máu, cải thiện chứng thiếu máu do kinh nguyệt.
- Nha đam: Khi đi vào cơ thể, nha đam sẽ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên bằng cách điều hòa lượng hormone trong cơ thể phụ nữ.
- Dứa: Enzyme bromelain trong dứa có thể làm bong tróc các tế bào ở thành tử cung dễ dàng hơn, từ đó giúp giảm đau và hành kinh trơn tru.
Theo Indiatimes, NDTV