Khi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, con gái sẽ phải đối mặt với kỳ kinh nguyệt trong mỗi tháng. Dù vậy, phải mất một thời gian dài thì cơ thể mới dần đi vào ổn định, đôi khi cũng gặp phải tình trạng kinh nguyệt tiết ra ít hoặc nhiều hơn bất thường. Chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng thường kéo dài từ 5 - 7 ngày tùy cơ thể mỗi người, trong 3 ngày đầu thường tiết ra nhiều và giảm dần vào những ngày sau.
Tuy nhiên, nếu phát hiện chu kỳ kinh nguyệt tháng này bỗng ít hơn ngay từ những ngày đầu tiên, hoặc số ngày có kinh kết thúc sớm hơn thông thường thì đó là một triệu chứng cảnh báo những vấn đề sức khỏe đang ngầm xảy ra trong cơ thể con gái. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để kịp thời điều trị sớm, phòng tránh rủi ro về sau.
Rối loạn kinh nguyệt hoặc nội tiết tố
Nội tiết tố của con gái thay đổi liên tục theo thời gian, tùy theo độ tuổi hay tâm trạng. Thế nhưng, nếu gặp phải tình trạng mất cân bằng giữa estrogen và progesterone thì kinh nguyệt sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, từ đó khiến kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc rút ngắn hơn những tháng trước. Thậm chí, lượng máu kinh nguyệt cũng có thể tiết ra ít hơn thông thường.
Cân nặng tăng, giảm thất thường
Những nguồn dưỡng chất cần thiết cho cơ thể là protein, carbs, vitamin và chất béo lành mạnh để giúp cân bằng cân nặng, đồng thời điều hòa kinh nguyệt ổn định. Điều này đồng nghĩa rằng, nếu cân nặng tăng, giảm đột ngột thì cơ thể bạn đang bị thiếu, hoặc thừa chất nào đó, và chu kỳ kinh nguyệt cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng cũng như tâm trạng của bạn chính là ở chế độ dinh dưỡng mà bạn tiêu thụ hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, hoặc cung cấp thừa chất thì cơ thể sẽ chịu tác động không nhỏ. Lúc này, bạn sẽ gặp những thay đổi về tâm trạng, cân nặng... dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt tiết ra ít bất thường.
Mắc các bệnh phụ khoa
Một vài bệnh về phụ khoa mà con gái thường hay mắc phải là u xơ tử cung, viêm cổ tử cung, viêm nhiễm vùng kín... thậm chí là hẹp tử cung, tử cung có sẹo... cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kỳ kinh nguyệt. Đa phần, người mắc phải những căn bệnh trên thường bị tắc lối đi của kinh nguyệt và làm lượng máu kinh nguyệt chảy ra ít hơn trong kỳ kinh nguyệt.
Hay gặp căng thẳng, lo âu
Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng kinh nguyệt tiết ra quá ít. Do căng thẳng sẽ gây rối loạn hormone, từ đó khiến kinh nguyệt tiết ra ít hoặc nhiều hơn một cách bất thường.
Nguồn: Healthline