Không có "phép màu" cho sự phục hồi lao động hậu đại dịch

Tình trạng thiếu lao động đã góp phần kìm hãm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm. Trong khi đó, một nghiên cứu mới mà WSJ trích dẫn cho thấy vài triệu người đã rời bỏ lực lượng lao động Mỹ khi đại dịch bùng phát sẽ không trở lại làm việc vì lo sợ bệnh tật, suy giảm thể chất,... Điều này có khả năng khiến tình trạng thiếu lao động kéo dài tới nhiều năm.

Theo đó, khoảng 3 triệu người đã rời bỏ lực lượng lao động nói rằng họ sẽ không quay lại các hoạt động trước Covid-19, cho dù là đi làm, đi mua sắm trực tiếp hay đi ăn uống. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, họ cũng giữ nguyên thói quen hiện tại. Chủ yếu trong số này là phụ nữ, những người không được học hành nhiều và phải làm việc trong các lĩnh vực được trả lương thấp.

Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho hiện tượng này là "giãn cách xã hội kéo dài" và tin rằng nó sẽ là một trong những vết sẹo tồn tại lâu nhất của đại dịch Covid-19.

Kinh tế Mỹ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa: Hàng triệu lao động từ chối đi làm - Ảnh 1.

Lo ngại cho sức khỏe khiến ông Lage từ chối đi làm trở lại.

Chuck Lage, 63 tuổi, nằm trong số những người mất việc trong hai tháng đầu tiên của đại dịch mùa xuân năm 2020. Ông bị sa thải khỏi vị trí giám đốc kế hoạch kinh doanh của một hiệp hội nghề nghiệp phi lợi nhuận. Mắc một căn bệnh khiến cơ thể không thể sản sinh kháng thể chống lại bệnh tật, Covid-19 khiến ông quyết định nghỉ hưu sớm cũng như tránh mọi hoạt động như đi ăn và giao lưu. Lage không có ý định thay đổi điều này trong tương lai gần.

Trong nhóm Facebook dành cho những người mắc bệnh như mình, ông Lage được biết có rất nhiều người đưa ra quyết định tương tự. "Thế giới đang trở lại nhưng chúng tôi thì vẫn chưa thể", ông Lage nói.

Những người như ông Lage là trung tâm trong một bài toán khó nhằn nhất của nền kinh tế: Liệu một số người trưởng thành có tham gia lại thị trường lao động khi đại dịch bị đẩy lùi hay không? Trong khi đó, các nhà tuyển dụng đang phải vật lộn để tìm kiếm nhân công đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ hiện nay. Kết quả là giá lương nhân công tăng cao, một trong những yếu tố đẩy lạm phát lên mức 8,5% trong tháng 3, mức cao nhất 4 thập kỷ qua.

Nhà kinh tế Nicholas Bloom của Đại học Stanford, thành viên nhóm nghiên cứu, nói rằng: "Chúng tôi nhận thấy lực lượng lao động sẽ không phục hồi một cách diệu kỳ. Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào về việc nhóm này sẽ trở lại, đồng nghĩa với sự sụt giảm có thể còn khá dài".

Áp lực lên kinh tế Mỹ và chính sách lãi suất của FED

Kinh tế Mỹ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa: Hàng triệu lao động từ chối đi làm - Ảnh 2.

Tình trạng thiếu lao động của nước Mỹ hậu đại dịch Coviw-19.

Nếu dự đoán của các nhà nghiên cứu trở thành sự thật, tác động của chúng với nền kinh tế Mỹ sẽ rất lớn, cùng với đó là áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Lực lượng lao động sụt giảm khi đại dịch diễn ra đã gây ra tình trạng thiếu nhân công và sản phẩm trầm trọng, kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế và đẩy lạm phát lên mức cao nhất 40 năm.

Lực lượng lao động đã phục hồi đáng kể từ tháng 3 và tháng 4/2020, khiến 22 triệu người mất việc và làm lực lượng lao động giảm 8,2 triệu, tương đương 5%. Ngay cả sự phục hồi lao động trong tháng 3/2022, dù đã đưa lực lượng lao động lên 164,4 triệu người (chỉ giảm 174.000 so với trước dịch) nhưng nước Mỹ vẫn đang thiếu khoảng 3,5 triệu lao động.

Con số này thể hiện sự khác biệt giữa số người lao động tính tới tháng 3 với số lao động mà đáng lẽ nước Mỹ sẽ có với tốc độ tăng trưởng tương đương giai đoạn 2015 đến 2019, thời điểm chưa có đại dịch.

Mỗi tháng trong năm qua, nhóm đã khảo sát 5.000 người trong độ tuổi từ 20-64, những người kiếm được tối thiểu 10.000 USD/năm trong năm trước. Kết quả là cứ 10 người được hỏi thì 1 người nói rằng họ không có kế hoạch quay trở lại. Trong những tháng đầu năm nay, khi biến thể Omicron hoành hành, số người nói không tăng lên tới 13%.

Nhóm kết luận rằng khoảng 3 triệu người sẽ không tham gia lực lượng lao động để duy trì giãn cách với xã hội. Các dữ liệu cho thấy nỗi sợ hãi với Covid-19 vẫn là vấn đề với một số người lao động dù chúng đang giảm dần theo thời gian.

Kinh tế Mỹ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa: Hàng triệu lao động từ chối đi làm - Ảnh 3.

Tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng lên mức cao kỷ lục trong dịch, khi chính phủ Liên bang phát séc kích cầu và tăng cường trợ cấp thất nghiệp. Một số nhà kinh tế cho rằng những người lao động bị sa thải sẽ tái gia nhập lực lượng lao động để đối phó với sự gia tăng của lạm phát khi họ phải chi tiêu tiết kiệm. Nhưng thực tế, có thể không phải tất cả.

FED đang trông đợi việc lực lượng lao động tăng mạnh hơn trong hành trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không cần tăng lãi suất quá mạnh. Ngân hàng trung ương này tin rằng nguồn lao động lớn hơn sẽ giảm bớt áp lực buộc người sử dụng lao động phải tăng lương với tốc độ mà FED cho là không lành mạnh về lâu dài.

FED đã báo hiệu kế hoạch tăng lãi suất tương đối nhanh chóng trong năm nay. Tuy nhiên, Thống đốc Fed Lael Brainard, người đang chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn đảm trách cương vị Phó chủ tịch FED, nói rằng việc gia tăng lượng lao động có thể là một luồng gió, hạ nhiệt nhu cầu tăng lãi suất mạnh tay hơn.

Tham khảo: WSJ

https://cafef.vn/kinh-te-my-tranh-vo-dua-lai-gap-vo-dua-hang-trieu-lao-dong-tu-choi-di-lam-20220417130549489.chn https://cafef.vn/kinh-te-my-tranh-vo-dua-lai-gap-vo-dua-hang-trieu-lao-dong-tu-choi-di-lam-20220417130549489.chn?fbclid=IwAR3f0GkRpuGhpzLsOgpF-9TMsAnougoES11LuAxcHaDhCz257DaJeGVgjGA