Đó là những đúc kết từ trải nghiệm thực tế suốt 26 năm làm nghề của KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh. Và không phải ngay từ đầu, khái niệm “kiến trúc để chữa lành cho đô thị” mà vị KTS này đưa ra, được định hình gọi tên rõ ràng mà phải trải qua hành trình mang đậm hai chữ “trải nghiệm” mới hái “trái ngọt”.
Hầu hết các công trình của KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh chú trọng nhiều đến không gian kiến trúc nhiệt đới đương đại, thân thiện với môi trường sống cho con người.
Điều gì khiến anh lựa chọn chủ đề “ Thiết kế thích ứng với khí hậu” cho bài tham luận gửi đến Đại hội KTS thế giới?
Trong phạm vi hẹp của một kiến trúc sư, họ không thể có nhiều tác động đến quy hoạch mà chỉ đơn thuần tập trung vào kiến trúc. Suốt 26 năm làm nghề, bằng trải nghiệm thiết kế các công trình, tôi nhận thấy, kiến trúc chữa lành đô thị bằng cách: Xây ít hơn, tạo ra nhiều khoảng trống cho cảnh quan tự nhiên: cây xanh, ánh sáng, mặt nước…tham gia chung vào bố cục của kiến trúc.
Tôi đã lựa chọn tỷ lệ công trình xây dựng thấp hơn so với quy định và chứng minh được: Khi khối bê tông giảm đi sẽ tạo ra sự cân bằng cho môi trường sống của con người tốt hơn cũng như mang đến cảm hứng cho những ai đang có nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chính là cách chữa lành cho đô thị phát triển. Đó là lý do mà tôi lựa chọn chủ đề: “Thiết kế thích ứng với khí hậu”.
Theo anh, lý do gì khiến bài tham luận của anh được lựa chọn để chia sẻ cho các KTS đến từ nhiều nước trên thế giới?
Mỗi đất nước có một điều kiện khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau. Và kiến trúc sinh ra để áp dụng cho điều kiện, hoàn cảnh đặc thù với từng vị trí, từng địa phương, từng quốc gia. Trong khi đó, đề tài của tôi hướng về TP.HCM - một đô thị khá đặc thù, đại diện cho các đô thị lớn của những nước đang phát triển. Thông qua chia sẻ từ bài tham luận, các KTS đến từ thế giới nghiên cứu, học hỏi cũng như được truyền cảm hứng khi nhận thấy sự tương đồng về đô thị mà họ đang gặp phải.
“Xây ít hơn, tạo ra nhiều khoảng trống cho cây xanh, ánh sáng tự nhiên, mặt nước”. Vậy sau những năm làm nghề, anh có đúc rút được con số chính xác về tỷ lệ xây dựng và cây xanh, mặt nước trong một công trình?
Giải pháp mà chúng tôi đưa ra là 50% là nhà ở và 50% là cảnh quan nội khu cho chính căn nhà đó. Chủ nhà sẽ có được không gian sống kết nối với cảnh quan, cây xanh, mặt nước và ánh sáng tự nhiên. Ví dụ như, đối với chung cư, những cư dân từ trên tầng cao khi nhìn xuống đều thấy mảng xanh thay vì cục bê tông.
Các công trình áp dụng giải pháp này đều mang lại hiệu quả rất tích cực. Chủ nhà sống trong công trình này đều cảm thấy chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn.
Mật độ xây dựng, cây xanh trong các công trình đã được định hình rõ nét ngay từ thời điểm anh bước vào nghề hay phải trải qua nhiều năm, tỷ lệ này mới được đúc rút?
Không phải ngay từ đầu mà người KTS có thể đưa ra tỷ lệ xây dựng và cây xanh như vậy cho các công trình, mà cần phải trải qua nhiều năm. Kiến trúc vốn là sự trải nghiệm. Khi làm, tôi phải tương tác với chính công trình. Khi công trình xây xong, tôi thấy người ta vô ở. Sau đó, mình phải khảo sát lại nhiều lần công trình đó như: việc sử dụng công năng và mức độ hài lòng của chủ nhà. Tôi thấy những gì cần phải điều chỉnh thì sẽ thay đổi. Trên cơ sở đó, mọi thứ sẽ dần phát triển. Những công trình bền vững ra đời.
Phần lớn doanh nghiệp đều muốn tối đa mật độ xây dựng để tối ưu lợi nhuận, anh đã thuyết phục doanh nghiệp bất động sản như thế nào để ứng dụng tỷ lệ này vào các dự án khi thực tế?
Người kiến trúc không đơn thuần chỉ là thiết kế theo đơn đặt hàng mà còn phải tư vấn. Khi gặp khách hàng, mình cần tương tác với họ nhiều, nói chuyện với họ để hiểu điều họ đang mong muốn là gì. Dưới góc độ của người thiết kế, mong muốn của khách hàng có ổn không? Nếu chưa, mình phải trao đổi với khách: “Nhìn ở góc độ về chuyên môn và chất lượng cuộc sống của gia đình, mong muốn đó như thế nào?” Và thông qua các công trình cụ thể đã làm, mình diễn giải, phân tích để họ hiểu.
Có bao giờ anh từ chối khách hàng khi họ không muốn đi theo giải pháp để xây dựng những công trình bền vững mà công ty anh đưa ra?
Công việc của kiến trúc sư không chỉ là xây cái nhà có tường, trần, sàn là đủ để người ta vào ở. Xa hơn, đó là phải một cái nhà đáng để sống và có tuổi thọ công trình lâu năm.
Nhưng thông thường, các chủ đầu tư khi tìm đến công ty tôi, họ đã biết về số một công trình, đặc thù và giá trị mà công trình đi theo hướng tiếp cận đó mang lại. Đó cũng là điểm thuận lợi để 2 bên làm việc.
Anh có nhắc đến yếu tố “bền vững” trong công trình. Làm thế nào để đo lường tính bền vững trong từng công trình?
Khi nhắc đến yếu tố bền vững, đầu tư phải nhắc đến công năng trong quá trình thiết kế có đáp ứng nhu cầu của chủ nhà và khiến họ yêu thích nó. Người sử dụng căn nhà phải cảm thấy gắn kết với chính ngôi nhà đó. Để làm được điều đó, ngay từ khi bắt đầu thiết kế, kiến trúc sư đã phải tính toán.
Thứ hai, bền vững còn đo lường ở tiêu chí sử dụng nguyên vật liệu, tiêu chí về tiêu thụ năng lượng như thế nào trong một căn nhà. Trong từng bối cảnh, ở góc độ khác nhau, làm thế nào để ngôi nhà được vận hành tốt với giải pháp tiêu thụ điện năng càng ít càng tốt?
Là một người lãnh đạo công ty phải quản lý kiêm công việc chuyên môn, có bao giờ anh đau đầu về bài toán: Muốn có nhiều lợi nhuận thì phải chiều ý khách hàng?
Anh và công ty nhận được rất nhiều giải thưởng kiến trúc trong và ngoài nước. Giải thưởng có bao giờ là mục tiêu mà anh và các cộng sự hướng tới?
Tôi nghĩ, khi một người làm kiến trúc, chẳng ai nghĩ tới chuyện giải thưởng đầu tiên trong quá trình sáng tạo. Chúng tôi làm nghề rất vô tư. Mặc dù, những giải thưởng đó là sự ghi nhận cho đóng góp cho cộng đồng, xã hội và góp phần marketing tốt cho kiến trúc sư. Nhưng bản chất, anh vẫn phải làm thực sự tốt công việc chuyên môn của mình.
Khi nhìn lại những giải thưởng mà anh đã đạt được, cảm xúc của anh như thế nào?
Tôi nghĩ đó là động lực cho mình và đội ngũ để mỗi ngày mình làm việc tốt hơn, tạo cho mình niềm cảm hứng. Đó là sự ghi nhận đóng góp của mình cho xã hội.
Thế nhưng, triết lý kiến trúc của mình phải giúp ích cho việc mình làm và người thụ hưởng kiến trúc của mình, chứ không phải là một đề tài, hay là giải thưởng. Như quan điểm của bên tôi, không nhất các công trình phải có giải thưởng nhưng điều quan trọng thông qua công trình đó mình học được cái gì để là hành trang tiếp tục cho những công trình theo.
T rong tất cả những cái công trình mà anh tham gia thiết kế , bản thân anh cảm thấy thích nhất là công trình nào ?
Công trình nào cũng có bài toán riêng đặt ra để giải quyết. Thế nên, với tôi, rất khó để so sánh cái nào tốt hơn cái nào. Nhưng những công trình càng gần đây, tôi càng cảm thấy ưng ý hơn. Vì triết lý kiến trúc của tôi càng rõ ràng và tôi cũng gặp những chủ nhà thú vị hơn.
Điều này cũng xuất phát từ những trải nghiệm làm công trình của mình nhiều, sẽ thu được nhiều kiến thức và bài học, từ khi thiết kế, đến khi công trình vận hành, khách hàng sử dụng. Còn nếu bản thiết kế mới chỉ nằm trên giấy, KTS sẽ không có cảm xúc lẫn kiến thức.
Theo anh, làm KTS chân chính liệu có giàu được không?
Không có KTS chân chính hay không chân chính. Đã là kiến trúc sư, họ mặc nhiên đã có khát khao được sáng tạo và liên tục tìm tòi kiến thức mới. Ở mức nào đó, mỗi KTS có sự khác nhau về sự hài lòng và khả năng sáng tạo. Sự hài lòng đó tăng theo thời gian, theo thước đo thời gian làm nghề của từng người.
Hiện nay, vai trò của người KTS trở nên quan trọng. Muốn có công trình đẹp, chủ nhà hay doanh nghiệp phải trả khoản chi phí hợp lý để KTS đầu tư thời gian và trí tuệ. Với người KTS tâm huyết, khi làm việc dốc hết thời gian của mình với hy vọng có tác phẩm tốt nhất có thể thì mặc nhiên lợi nhuận không còn quá quan trọng đối với họ nữa.
Thách thức nào đối với KTS hiện nay, theo anh?
Hiện nay, các KTS Việt Nam đang trong môi trường nhiều cạnh tranh và tác động. Đất nước mà phát triển, nhận thức, thẩm mỹ và nhu cầu sống của con người càng tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam phát triển rất mạnh và tốt, đòi hỏi KTS phải nâng cao tay nghề, chuyên môn khi thị hiếu của chủ nhà ngày càng khắt khe.
Kiến trúc vốn là một trong 7 ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ... Nó cần có thời gian để người dân có kiến thức lĩnh hội vài trải nghiệm. Còn người KTS cũng phải nâng tầm lên.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!