Trong lịch sử đã có cặp anh em song sinh dính liền người Thái nổi tiếng, dù dính liền thân nhưng vẫn sống sót và phấn đấu hết sức để có sự nghiệp tỏa sáng cùng gia đình đề huề. Cả hai đã vượt lên số phận dù mang nhiều khiếm khuyết khiến ai cũng nể phục...
Chào đời trong sự kinh ngạc của cả làng xóm
Vào ngày 11/5/1811, ở bệnh viện tỉnh Samutsongkram thuộc Xiêm (nay là Thái Lan), đã đón chào một cặp song sinh kháu khỉnh ra đời. Thế nhưng lúc đỡ đẻ, các nữ hộ sinh đã phát hoảng lên khi thấy hai bé trai dính liền với nhau bởi một đám dây chằng ở eo, chẳng ai dám dùng kéo để cắt ra.
Vào thời ấy, các y bác sĩ không thể xử lý ca bệnh này bởi đó là trường hợp đầu tiên họ gặp phải. May thay, người mẹ là bà Nok đã nhanh trí vặn chỗ dây chằng kết nối với dây rốn lại, sau đó cho hai đứa trẻ trong tư thế nhìn vào nhau mới cứu sống được chúng. Bà quyết định đặt tên cho cặp song sinh là Eng và Chang Bunker.
Sinh ra với bộ dạng quái dị nên mọi người xung quanh đều bàn tán xôn xao. Họ xem cặp song sinh như "loại động vật kỳ lạ", "quái thai", "ác quỷ" và đồn đi khắp nơi. Nhưng mặc kệ người đời xa lánh, bà Nok vẫn hết mực yêu thương và chăm sóc các con. Cả hai lớn lên khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú và biết giúp đỡ nhiều việc nhà.
May mắn gặp được cơ hội đổi đời
Tuy bị dính liền ở phần sụn xương ức và gan nhưng cả hai gần như là những cá thể độc lập. Một ngày nọ, khi Eng và Chang đang bơi dưới sông, một thương gia người Anh tên Robert Hunter đã nhận thấy tiềm năng "hái ra tiền" của hai anh em. Bởi vào thế kỷ 19, việc có một cặp song sinh dính liền đã vô cùng hiếm, thậm chí còn sống được lại càng kỳ lạ hơn.
Sau đó, Robert đã thuyết phục bố mẹ cậu cho phép cả hai đến trời Tây làm việc, cụ thể là biểu diễn trước công chúng. Vì cuộc sống mưu sinh khó khăn nên người mẹ đã đồng ý ký hợp đồng, nhận khoản tiền 500 USD và nuốt nước mắt để con mình rời đi.
Ngày 1/4/1829 đánh dấu thời điểm cặp song sinh kỳ diệu rời khỏi Xiêm và bắt đầu bước chân ra thế giới. Robert đã đưa họ đi lưu diễn khắp nơi và nhanh chóng thu hút sự tò mò của mọi người, nhờ vậy mà kiếm được rất nhiều tiền. Khi hết hạn hợp đồng với Robert, cả hai đã mua đất tại Bắc Carolina và bắt đầu kinh doanh riêng. Từ đây họ chính thức là công dân nước Mỹ.
Khi tình yêu đủ sức để vượt qua tất cả
Khi ở Mỹ, sự nổi tiếng và kỳ lạ của hai anh em đã thu hút nhiều chuyên gia ngành y tới tìm hiểu. Có bác sĩ dùng kim châm vào phần da thịt dính giữa Eng và Chang để kiểm tra độ nhạy cảm, khi kim chọc gần phía người nào thì người đó mới bị đau. Họ cũng phát hiện khi một người nếm thử vị chua thì người kia cũng cảm nhận tương tự, hoặc cù lét người này thì người kia cũng thấy nhột…
Ban đầu hai anh em nghĩ tới việc phẫu thuật tách nhau ra để thoải mái hơn, tuy nhiên y học thời đó không đủ khả năng nên họ quyết định sống tiếp như vậy. Lúc ấy nếu quyết định mạo hiểm thì tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng xét dưới nền y học thời nay thì hoàn toàn có thể.
Năm 1843, khi vừa tròn 33 tuổi, Eng và Chang đã kết hôn với hai chị em Adelaide và Sarah Yates – con gái của một chủ đất địa phương được nhiều người kính nể. Đám cưới này đã gây xôn xao dư luận vì chẳng ai nghĩ họ có thể sống khỏe, sống thọ và làm được những việc của người bình thường.
Lúc biết tin đám cưới sắp diễn ra, họ đã bị mọi người xung quanh phản đối kịch liệt. Nhiều chàng trai trong vùng đã đập cửa sổ nhà bố vợ để thể hiện quan điểm, trong khi hàng xóm lại dọa đốt ruộng nếu người bố kiên quyết gả con gái cho anh em nhà Bunker. Nhiều bài báo còn giật tít vô cùng ác độc và đặt ra đề xuất "Có nên kết án tù phụ nữ vì kết hôn với người 4 chân hay không"…
Ít ai biết rằng, vì áp lực của dư luận nên Eng và Chang kiên quyết phải phẫu thuật tách rời trước khi kết hôn, nhưng hai vị hôn thê đã khuyên không nên làm điều đó, dù họ có thế nào thì vẫn yêu thương và vượt qua tất cả. Nhờ vậy lễ cưới đã diễn ra suôn sẻ và hai bên chính thức thành vợ chồng, họ sống bình thường trong 2 căn nhà riêng biệt, Eng và Chang luân phiên nhau ở trong ngôi nhà có vợ của mình.
Theo tờ New York Post, mỗi người vợ đã sinh hạ con đầu lòng vào năm 1844, hai đứa con đầu của Eng và Chang cách nhau 6 ngày, hai đứa con thứ cách nhau 8 ngày và tổng cộng họ sinh được 21 đứa con. Lúc này ai cũng tò mò về việc hai vợ chồng "ân ái" với nhau thế nào nhưng vẫn không được làm rõ.
Sinh cùng ngày cùng giờ, đến chết cũng như vậy
Eng và Chang vẫn sống bình thường như vậy, khó khăn nào cũng vượt qua cùng nhau. Năm 1870, Chang bỗng mắc đột quỵ khiến phần thân bên phải bị tê liệt, Eng đã chăm sóc cho anh mình khỏe dần nhưng Chang vẫn phải dùng nạng để sinh hoạt bình thường.
Đến tháng 1/1874, Chang tiếp tục bị viêm phế quản nhưng từ chối tiến hành điều trị. Vài ngày sau, Eng tỉnh dậy và thấy anh mình đã chết nên vô cùng hốt hoảng, nhưng chỉ sau 2 tiếng rưỡi thì Eng cũng không qua khỏi. Người con của Eng cho biết, trước khi qua đời bố đã cảm thấy đau đớn toàn thân, cả người mồ hôi lạnh toát. Eng chỉ kịp kéo Chang xích lại gần mình hơn và cùng nhau ra đi.
Ban đầu các bác sĩ cho rằng Eng qua đời vì quá sợ hãi trước cái chết Chang, nhưng khi khám nghiệm tử thi thì phát hiện do cả hai có chung mạch máu và động mạch. Anh em nhà Bunker hưởng thọ 62 tuổi, hiện được Bảo tàng Mutter Museum ở Philadelphia đúc tượng thạch cao để tưởng nhớ về khả năng sống sót kỳ diệu.
Hiện tượng sinh đôi dính liền là gì, có nguy hiểm không?
Sinh đôi dính liền xảy ra khi cặp sinh đôi có một phần cơ thể bị dính lại với nhau. Hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra với tỷ lệ chỉ 1/50.000 hoặc 1/200.000, nhưng đa số trường hợp mắc sinh đôi dính liền đều chết trong bụng mẹ. Tỷ lệ sống sót của các cặp sinh đôi dính liền chỉ 25% và thường gặp ở nữ nhiều hơn.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng này có thể do trứng lúc thụ tinh chưa được tách ra hoàn toàn, hoặc dù đã được tách ra nhưng tế bào gốc sẽ tìm những tế bào giống nhau và dính chặt lại. Nếu dính liền những bộ phận không gây nguy hiểm tính mạng thì có thể phẫu thuật tách ra và sống sót, nhưng ngược lại, nếu dính chung những bộ phận quan trọng như nội tạng hay não bộ thì rất dễ tử vong.
Trước đây, hầu như các cặp song sinh dính liền đều không còn sống khi sinh ra hoặc chết ngay sau khi sinh. Tuy nhiên nhờ những tiến bộ của y học ngày nay mà tỷ lệ sống sót đã được cải thiện, một số cặp song sinh dính liền sẽ được phẫu thuật tách ra bình thường. Thế nhưng căn bệnh lạ thế giới này vẫn chưa được giải đáp hoàn toàn.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra, thai phụ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và tuân thủ khám thai định kỳ nhằm hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm, từ đó bảo đảm an toàn sức khỏe cho thai nhi.
T/H