Kỳ lạ người đàn ông nhìn thấy mặt mọi người đều biến dạng - Ảnh 1.

Hình ảnh 2D mô phỏng khuôn mặt biến dạng mà một số người mắc PMO nhìn thấy. Ảnh: Antônio Mello

Một ngày mùa đông, Victor Sharrah (59 tuổi) ở Nashville, Mỹ vừa thức dậy và đang ngồi xem TV thì một người bạn của ông bước vào nhà với khuôn mặt khác lạ một cách kỳ dị. Sau đó bạn gái của ông bước vào với một khuôn mặt cũng giống như vậy.

Thời điểm đó, Victor Sharrah nhìn thấy những người thân thiết của mình bỗng nhiên đều có vẻ mặt nhăn nhó, đôi mắt kéo dài ra và những vết hằn sâu trên mặt. Thậm chí khi họ quay sang một bên còn để lộ ra đôi tai nhọn dài như "yêu tinh".

"Tôi đã cố gắng giải thích với người bạn về những gì tôi đang thấy nhưng anh ấy nghĩ tôi bị điên. Sau đó, tôi đi ra ngoài và tất cả khuôn mặt của những người tôi nhìn thấy đều bị biến dạng và trông như vậy. Cứ như là nhìn thấy ma quỷ. Hãy tưởng tượng một buổi sáng thức dậy và đột nhiên mọi người trên thế giới trông giống như sinh vật trong phim kinh dị", Victor Sharrah nói.

Sharrah mắc một chứng bệnh hiếm gặp có tên là prosopometamorphopsia (PMO), một hội chứng khiến cho người bệnh nhìn thấy các phần trên khuôn mặt của người khác bị biến dạng cả về kết cấu, vị trí hoặc màu sắc. Tuy nhiên, các vật thể và các bộ phận khác trên cơ thể con người thì vẫn không thay đổi.

Ngày 21/3 vừa qua, tuần san y khoa The Lancet đã công bố về trường hợp của Victor Sharrah trong mục "Hình ảnh lâm sàng", với một hình ảnh 2D dựng lại những gì mà bệnh nhân thực sự nhìn thấy theo lời anh miêu tả.

Từ khi mắc chứng bệnh lạ này, Victor Sharrah cho biết ông dần trở nên giữ khoảng cách với mọi người. Rất khó để gần gũi họ như trước khi luôn nhìn thấy một khuôn mặt méo mó với chuyển động vặn vẹo đang nói chuyện với mình. Ông dần trở nên lo sợ, ảnh hưởng tâm lý khi nghĩ đến tình trạng của bản thân.

Kỳ lạ người đàn ông nhìn thấy mặt mọi người đều biến dạng - Ảnh 2.

Victor Sharrah cho biết đôi khi ông cũng nhìn thấy các bộ phận khác bị biến dạng, như phần đầu của người phụ nữ được dựng lại bằng hình ảnh 2D này. Ảnh: Antônio Mello

PMO khác với chứng "mù mặt" (Prosopagnosia) mà nhiều người như nam diễn viên Brad Pitt, cựu thống đốc bang Colorado - John Hickenlooper, nhà thần kinh học nổi tiếng Tiến sĩ Oliver Sacks, Thái tử Victoria của Thụy Điển... gặp phải. Chứng mù mặt được cho là cứ 50 người thì sẽ có 1 người gặp phải.

Khi bị mù mặt, khuôn mặt không bị biến dạng; thay vào đó, bộ não chỉ gặp khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt, thậm chí cả những khuôn mặt quen thuộc. Căn bệnh này khiến người mắc cảm thấy mọi người gần như đều trở thành người lạ.

Đối một người mắc PMO, thông thường họ sẽ gặp một chút khó khăn nhưng sẽ nhận ra khuôn mặt của những người thân quen, chỉ là khuôn mặt đó thường sẽ bị biến dạng theo một kiểu chung hoặc đôi khi là một kiểu kỳ dị khác. Thậm chí, có người mắc PMO từ nhỏ và nghĩ rằng những khuôn mặt thực sự trông như vậy.

Một số người mắc PMO thấy khuôn mặt của chính họ bị biến dạng. Theo một bài đánh giá tài liệu vào tháng 4/2023, có hai bệnh nhân miêu tả khi đứng trước gương họ đã nhìn thấy một bên mắt mình bị lồi ra khỏi hốc mắt.

Brad Duchaine, giáo sư tâm lý học và cũng là tác giả của nghiên cứu được đăng trên Lancet cho biết, theo một đánh giá từ tháng 6/2021 đến nay, mới chỉ có 81 trường hợp mắc PMO trong các tài liệu đã xuất bản. Nhưng có thể còn nhiều người nữa đang sống chung với tình trạng này.

Ông nói: "Chúng tôi đã xây dựng một trang web để mọi người có thể tìm hiểu về PMO và cho đến nay chúng tôi đã nhận được phản hồi từ ít nhất 80 người. Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người trên khắp thế giới đang báo cáo những triệu chứng tương tự mà không biết rằng cũng có những người khác mắc bệnh này".

Theo Antônio Mello, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học tâm lý và não bộ tại Đại học Dartmouth, nhiều người mắc PMO có thể được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc các tình trạng ảo giác tương tự khác và sử dụng thuốc chống loạn thần hoặc thậm chí phải nhập viện.

Tuy nhiên, khoa học hiện nay xác định rằng mọi người có thể phát triển PMO sau chấn thương não, khối u hoặc nhiễm trùng hoặc sau các cơn co giật như động kinh, ông nói. Có những người chỉ nhìn thấy người khác bị biến dạng nửa mặt, do bệnh nhân bị tổn thương một phần não cụ thể.

Hiện nay, Victor Sharrah đang hợp tác chặt chẽ với các bác sĩ Duchaine và Mello tại phòng thí nghiệm Dartmouth của họ, để thử nghiệm các biện pháp can thiệp khác nhau nhằm giảm bớt hoặc đảo ngược các triệu chứng của PMO.

Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi màu sắc có thể làm tăng thêm hoặc giảm bớt biến dạng, ví dụ như nhìn vào ánh sáng màu xanh lá cây giúp triệu chứng giảm bớt và ánh sáng đỏ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.

Các bác sĩ sử dụng tròng kính màu xanh lá cây trong việc chống lại các triệu chứng của Victor Sharrah và phát hiện ra rằng việc điều khiển màu sắc trong tròng kính cũng giúp ích cho những người mắc bệnh PMO khác, mặc dù màu sắc có tác dụng có thể khác nhau. Đây là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn, làm giảm sự biến dạng của những khuôn mặt mà những người mắc PMO nhìn thấy.