Bà Lê Thị Hằng.
Vô tình “nghiện” dầu hỏa vì đau bụng
Về ấp Thuận Thành hỏi bà Hằng “nghiện dầu hỏa”, từ già đến trẻ ai cũng biết. Theo lời kể của bà Hằng: Gia đình bà quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1981 vào lập nghiệp tại xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Cuộc sống nghèo khó, hai vợ chồng làm thuê rồi xin vào làm công nhân chăm sóc caosu cho Nông trường 6, thuộc Công ty caosu Phú Riềng.
Vào năm 1987, trong một lần bị đau bụng, sau khi thoa dầu gió nhiều lần vẫn không thấy đỡ, bà Hằng lấy dầu hỏa thoa và uống thử một ít thì cơn đau bụng liền dứt ngay. Cứ thế, mỗi lần đau bụng hay nhức đầu, bà lại sử dụng dầu hỏa như một loại thuốc đặc trị hiệu quả. Chỉ trong vòng 3 tháng, bà Hằng đã trở thành “con nghiện” dầu hỏa. “Vì không có tiền đi khám hay mua thuốc, lúc đầu tôi chỉ thoa thử xem có tác dụng gì không. Nhưng không ngờ sau khi thoa vào người và uống một ít thì cơn đau bụng khỏi ngay. Từ đó, chỉ trong vòng 3 tháng, cuộc sống của tôi không thể thiếu được dầu hỏa”, bà Hằng tâm sự.
Ông Lê Liệu (63 tuổi, chồng bà Hằng) cho biết thêm: “Chuyện bà ấy lấy dầu hỏa để chữa đau bụng tôi cũng không để ý. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy vợ tôi lúc nào cũng có mùi dầu hỏa và có nhiều biểu hiện khác thường. Tôi phát hiện bà ấy hay bỏ gạo vào một cái hũ rồi đổ dầu vào để ăn. Tôi cố gắng ngăn cản và khuyên bảo, nhưng bà ấy không bỏ được”. Sau một thời gian, hai đứa con trai của bà Hằng lần lượt qua đời vì bệnh tật. Vì đau buồn nên bà ngày càng uống nhiều dầu hơn và căn bệnh nghiện dầu hỏa càng trở nên trầm trọng.
“Từ lúc hai đứa con trai tôi lần lượt qua đời, ngày nào tôi cũng sử dụng dầu hỏa như một chất xúc tác để ăn uống. Những thức ăn khi nhúng vào dầu hỏa tôi thấy ngon miệng và ăn được nhiều hơn. Có khi tôi còn đem dầu trộn với cơm để ăn hàng ngày, chồng tôi nghiêm cấm và đập vỡ bất cứ thứ gì dùng để đựng dầu hỏa nhằm ngăn cản tôi ăn dầu. Nhưng tôi không chịu được, vẫn lén lút lấy gạo trộn với dầu hỏa để trong cái hũ rồi đem ra ngoài ngõ giấu, sáng đem lên lô caosu vừa làm vừa ăn”, bà Hằng nói.
Ông Lê Liệu - chồng bà Hằng - tâm sự với PV.
Hay đau ốm vì không được dùng dầu hỏa
Đã hơn 20 năm trôi qua, có những giai đoạn bà Hằng như một “con nghiện”, một nô lệ của dầu hỏa, nhất là thời gian từ năm 1987-1991. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là từ ngày xem dầu hỏa như liều thuốc bổ, bà Hằng không bao giờ ốm đau, bệnh tật. Ngược lại, vài ngày không được dùng đến bà lại thấy đau nhức và mệt mỏi trong người.
Ông Phạm Phước Hà - đội phó đời sống Nông trường 6, nơi bà Hằng từng làm công nhân - cho biết: “Hàng tháng, mỗi lần đội 6 ra nông trường lấy dầu hỏa để phát cho công nhân, bà Hằng rất phấn khích, xung phong đi gánh về cho đội. Sau mỗi chuyến đi, bà Hằng đều ghé các tiệm tạp hóa ven đường mua bánh tráng để nhúng vào dầu, ăn một cách ngon lành. Chỉ cần sau vài hôm không có dầu hỏa để dùng là bà ấy lại la đau gối, mệt mỏi… Hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh, nhiều công nhân lại chia sẻ cho bà một ít dầu để dùng dần mỗi khi nhận dầu từ nông trường”.
Ông Liệu cho biết thêm, từ khi dùng dầu hỏa, ông thấy vợ ông luôn mạnh khỏe, không hề đau ốm gì dù là xổ mũi hay cảm cúm lặt vặt. Nhưng những lúc ông nghiêm cấm mạnh, không cho vợ mình lấy dầu trộn với thức ăn, y như rằng bà ấy lại ăn không được, kêu la nhức đầu, mệt mỏi trong người. “Tôi nghiêm cấm gắt quá, vợ tôi không có dầu để dùng, vài ngày sau bà ấy lại la đau gối, nhức mỏi, khó chịu trong người…”, ông Liệu nói.
Ông Phạm Phước Hà chia sẻ với PV.
Cai được dầu hỏa nhờ đi làm thuê
Gia đình bà Hằng có 4 người con, nhưng bất ngờ, vào một năm, chỉ trong 5 tháng, 2 người con trai liên tiếp rời xa ông bà. Cuộc sống có nhiều biến động nên năm 1993, gia đình bà chuyển về tổ 2, ấp Thuận Thành, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) lập nghiệp. Đây cũng là cách giúp bà Hằng “cai nghiện”, dứt bỏ sở thích kỳ quái. Theo bà Hằng, bà đã sử dụng dầu hỏa liên tục trong 5 năm (1987-1991) thì bắt đầu “cai”. Tuy nhiên, bỏ được khoảng 10 ngày bà không thể chịu nổi nên phải dùng trở lại. Từ năm 1993 trở đi, bà Hằng bỏ được hẳn cho đến nay.
Khi chúng tôi hỏi về kỳ tích nghiện và cai được sở thích kỳ quái này, bà cho biết, một mặt là do áp lực từ chồng con không cho sử dụng, mặt khác bản thân cũng sợ mang bệnh, làm khổ con cái sau này. Vì thế, bà đã kiên quyết cai cho bằng được. Để không có cơ hội tiếp cận lại dầu hỏa, gia đình bà đã bỏ tất cả những vật dụng trong nhà liên quan đến dầu hỏa. Hàng ngày, bà đi làm thuê cho bà con lối xóm đến tối mới về. Thời gian đầu, bà thấy trong người cũng khó chịu như đau gối, nhức đầu…, nhưng dần dần không được ngửi thấy mùi rồi cũng quen và bỏ hẳn cho đến nay.
Hiện nay, sức khỏe của bà Hằng vẫn bình thường, lâu lâu chỉ hay đau khớp vì tuổi già. Giờ cuộc sống của gia đình bà đã tương đối ổn định, bà không còn phải đi làm mà chỉ ở nhà trông các nom cháu. Trong đời sống ăn uống hàng ngày, bà Hằng chỉ còn ăn được nửa lưng chén cơm, chủ yếu là uống sữa. Thời gian gần đây, gia đình đã đưa bà đi khám, xét nghiệm sức khỏe. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đều khẳng định, sức khỏe cũng như các bộ phận nội tạng của bà Hằng vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì bất thường. Bà Hằng, cho biết: “Hơn 20 năm qua tôi đã không dùng đến nó. Nhưng khi ngửi mùi tôi lại cảm thấy thèm, vì thế gia đình tôi vẫn không sử dụng bất cứ dụng cụ gì liên quan đến dầu hỏa”, bà Hằng cười.
Theo Bác sĩ Lưu Mậu - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàng Long (Bình Phước), trong cơ thể con người có nhiều điều tưởng chừng không thể xảy nhưng vẫn xảy ra bình thường. Trường hợp bà Lê Thị Hằng là một ví dụ. Việc bà Hằng ăn dầu có thể giải thích trên cơ sở khoa học như sau: Mỗi người có 14 tỉ nơron thần kinh, không thể hoạt động hết, nhiều tế bào thần kinh “ngủ”, nếu một trong những tế bào nào đó hoạt động thì con người có thể làm những chuyện bất thường, thậm chí là phi thường mà người khác không thể làm được. Trường hợp bà Hằng cũng vậy, tế bào thần kinh trung ương đã chỉ đạo cho tế bào trong hệ thống tiêu hóa tiết ra một loại men để tiêu hóa dầu hỏa. Men và dầu hỏa tác dụng với nhau tạo nên một “chất thuốc” không gây hại cho cơ thể. Chất thuốc này giúp bà Hằng giảm đau, thậm chí là chữa được một số bệnh khác. Men tiêu hóa này đến nay vẫn tồn tại trong cơ thể, vì thế nó kích thích được cảm giác thèm ăn dầu hỏa của bà Hằng. |