Câu chuyện về một phi tần nhà Minh bị đày vào lãnh cung suốt 15 ngày không có thức ăn nhưng vẫn sống sót một cách thần kỳ đã gây chấn động hậu cung.
Lãnh cung - Nỗi ám ảnh của phi tần
Bị đày vào lãnh cung có lẽ là điều mà các phi tần thời xưa sợ hãi nhất. Một khi đã bước chân vào nơi này, đồng nghĩa với việc họ mất đi tự do, sinh mệnh hoàn toàn nằm trong tay kẻ khác, nhất là khi đắc tội với người nắm quyền trong hậu cung. Tuy nhiên, trong lịch sử nhà Minh, có một phi tần đã sống sót một cách kỳ diệu sau 15 ngày bị giam cầm trong lãnh cung mà không có thức ăn. Đây là một vị phi tần của Minh Hy Tông. Bà đã làm điều đó như thế nào?
Âm mưu thâm độc của Khách thị
Minh Hy Tông nổi tiếng với hai điều kỳ lạ. Thứ nhất là tài năng mộc của ông. Dù là hoàng đế và không được đào tạo bài bản về nghề mộc, nhưng ông lại có tay nghề điêu luyện, được giới thợ mộc thời đó kính nể.
Thứ hai chính là câu chuyện tình yêu của ông với nhũ mẫu Khách thị. Minh Hy Tông có lẽ là vị hoàng đế duy nhất trong lịch sử có quan hệ tình cảm và răm rắp nghe lời nhũ mẫu. Dù có hậu cung và thường xuyên thị tẩm các phi tần khác, nhưng ông vẫn chịu sự kiểm soát của Khách thị.
Minh Hy Tông nghe lời Khách thị đến mức nào? Khách thị và Ngụy Trung Hiền câu kết thao túng triều chính, ông cũng không can thiệp. Khách thị tùy ý sát hại phi tần trong cung, ông chẳng dám ngăn cản. Ông răm rắp nghe theo lời bà ta, thậm chí có một phi tần chỉ vì đắc tội với Khách thị mà bị bà ta vu oan là không đoan chính rồi đày vào lãnh cung, Minh Hy Tông cũng không hề nghi ngờ mà chấp thuận.
Nắm trong tay quyền lực, Khách thị thao túng hậu cung. Bà ta muốn biến Minh Hy Tông thành "con rối" của mình, nhưng việc này không thể làm công khai. Vì vậy, Khách thị đã chọn một cách làm vô cùng tàn độc: không cho Minh Hy Tông có con với các phi tần khác. Là một người đàn ông bình thường, Minh Hy Tông tất nhiên sẽ có con với các phi tần khác. Để loại bỏ hậu họa về sau, hầu như đứa con nào của các phi tần sinh ra cũng đều yểu mệnh, thậm chí có trường hợp phi tần cũng chết theo con. Hậu cung khi đó sống trong sợ hãi, cho đến khi một phi tần xuất hiện đã phá vỡ thế bế tắc này.
Hai lần vào lãnh cung
Thành phi Lý ban đầu chỉ là một phi tần bình thường trong cung. Bà không có ưu thế gì nổi bật, lại còn nhỏ nhắn nên không được Minh Hy Tông sủng ái ngay lập tức. Tuy nhiên, Thành phi Lý có một khả năng mà người khác không có, đó là giao thiệp rộng.
Từ nhỏ bà đã rất hào hiệp, lại xuất thân bình dân, nên đối xử rất tốt với cung nữ và thái giám trong cung. Điều này giúp bà chiếm được ưu thế lớn. Nhờ sự giúp đỡ của cung nữ và thái giám, Thành phi Lý nhanh chóng có nhiều cơ hội được thị tẩm, lại thêm bản thân thông minh nên sớm trở thành một trong những phi tần được Minh Hy Tông sủng ái nhất và cũng thuận lợi mang thai. Tuy nhiên, cũng chính lúc này, cuộc chiến giữa Thành phi Lý và Khách thị bắt đầu.
Ban đầu, Khách thị không tỏ ra thù địch với Thành phi Lý. Nhưng khi con của Thành phi Lý chào đời, Khách thị bắt đầu ra tay. Một cách bí mật, con của Thành phi Lý đột ngột qua đời. Đáng chú ý là, thời điểm đó lại trùng hợp với một trận động đất. Vì vậy, trong miệng Khách thị, Thành phi Lý - ái phi của Minh Hy Tông - trở thành người mang đến điềm gở cho hoàng tộc. Sau vài lần nói bóng gió, Thành phi Lý bị đày vào lãnh cung.
Lúc này, Khách thị lại một lần nữa đắc ý, cho rằng trong hậu cung chẳng có ai là đối thủ của mình. Nhưng chưa đầy vài tháng sau, một tin tức khiến Khách thị kinh ngạc đã truyền đến: Thành phi Lý lại được trở về hậu cung. Sau khi điều tra kỹ lưỡng, bà ta mới biết chuyện này hoàn toàn là do Minh Hy Tông. Tuy ban đầu đã đồng ý với yêu cầu của Khách thị, nhưng không lâu sau, Minh Hy Tông bắt đầu nhớ nhung Thành phi Lý, nên đã bí mật đưa bà ra khỏi lãnh cung. Việc này không thể giấu mãi được, cuối cùng Minh Hy Tông đã khôi phục lại thân phận cho bà.
Tất nhiên, Khách thị không thể để yên cho tình trạng này tiếp diễn. Mặc dù Thành phi Lý đã trở lại, nhưng bà ta có vô số cách để đưa bà vào lãnh cung một lần nữa. Sau khi Khách thị thêm mắm dặm muối với Minh Hy Tông, ông lại một lần nữa đày Thành phi Lý vào lãnh cung. Nhưng lần này, Khách thị đã nảy lòng sát hại vị phi tần này.
Sau khi Thành phi Lý bị đày vào lãnh cung, Khách thị lập tức ra lệnh dùng xích sắt khóa chặt cửa lãnh cung, trong vòng nửa tháng không cho bất kỳ ai ra vào, cũng không được mang thức ăn vào, muốn bỏ đói bà đến chết. Như vậy, dù Minh Hy Tông có nhớ nhung Thành phi Lý đến đâu, thì cũng chỉ nhận lại một thi thể. Nhưng Khách thị không ngờ rằng, lần này bà ta lại tính toán sai lầm.
Sự chuẩn bị trước của vị phi tần
Thành phi Lý rất căm hận Khách thị, nhưng cũng đành bất lực. Dù sao bà ta cũng là người nắm quyền sinh sát trong hậu cung, đâu phải một phi tần nhỏ bé như bà có thể chống lại. Tuy không thể đối đầu, nhưng ít nhất cũng phải tự bảo vệ mình. Thành phi Lý hiểu rõ Khách thị sẽ không buông tha cho mình, rất có thể sẽ lại đày bà vào lãnh cung, hơn nữa Khách thị cũng từng có tiền lệ bỏ đói các phi tần khác đến chết trong lãnh cung.
Vì vậy, Thành phi Lý đã bí mật làm một việc. Bà dặn dò thị nữ thân cận của mình, lén giấu một lượng lớn thức ăn và nước uống trong lãnh cung. Vì thường xuyên mua chuộc cung nữ và thái giám trong cung, nên việc này rất dễ dàng thực hiện. Vậy là trong khi Khách thị chờ đợi Thành phi Lý chết đói, thì bà lại có đồ ăn thức uống đầy đủ trong lãnh cung.
Mười lăm ngày trôi qua rất nhanh. Khi mọi người mở cửa lãnh cung, tất cả đều kinh ngạc. Thành phi Lý đang ở trong phòng nhìn mọi người, không chỉ sắc mặt hồng hào, không có chút dấu hiệu nào của việc bị bỏ đói, mà còn chủ động chào hỏi mọi người.
Một thái giám kinh hô: "Người là thần tiên sao? Nhịn đói nửa tháng mà vẫn còn sống". Có lẽ vì người xưa thường gán ghép những chuyện không thể giải thích với thần thánh, nên tin đồn Thành phi Lý không phải người thường, được thần linh che chở nhanh chóng lan truyền khắp cung, đến cả Khách thị cũng phải từ bỏ thù hận với bà.
Nhưng lần này, Thành phi Lý không chọn quay lại bên cạnh Minh Hy Tông, mà trở thành một cung nữ bình thường, từ đó về sau không gặp lại Minh Hy Tông nữa. Một cuộc tranh đấu chốn hậu cung cũng kết thúc tại đây.
Trong thời gian trị vì của Minh Hy Tông, vì mù quáng nghe lời Khách thị, ông đã gián tiếp hại chết rất nhiều người. Trong thời gian Thành phi Lý bị đày vào lãnh cung, gia đình bà cũng bị hãm hại. Sau khi Minh Hy Tông qua đời, Khách thị cũng phải nhận báo ứng, bị Minh Tư Tông thanh trừng, cuối cùng chết ở Tẩy Y Cục. Người ta nói rằng sau khi bà ta chết, không có một thái giám hay cung nữ nào chịu đến khâm liệm.