Kỳ lạ phong tục đón năm mới tại... nghĩa trang
Người dân ở một số quốc gia có cách chào mừng năm mới kỳ lạ: đón giao thừa ở nghĩa trang, ăn 12 quả nho...
Đón năm mới ở…. nghĩa trang
Talca là một thị trấn nhỏ ở Chile, có lẽ sẽ rất ít người biết đến nó nếu không vì phong tục đón năm mới đặc biệt và có phần kỳ quặc của người dân nơi đây: đón năm mới tại nghĩa trang.
Nghĩa trang Talca được trang hoàng để đón năm mới
Theo lệnh của thị trưởng thị trấn, những cánh cổng của tất cả các nghĩa trang đều được mở vào đúng 23 giờ ngày 31/12 hằng năm. Người dân thường mang theo bên mình những bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng hay những cây nến hoặc đèn nhấp nháy để trang hoàng cho nghĩa trang thành một nơi hoàn hảo để tổ chức tiệc mừng năm mới.
Họ tin rằng những người thân của mình mỗi năm đều chờ họ ở nghĩa trang và giao thừa chính là dịp để sưởi ấm cho những ngôi mộ lạnh lẽo, để những người yêu thương nhau có thể cùng bắt đầu một năm mới hạnh phúc.
Có khoảng 5.000 người đón giao thừa tại nghĩa trang
Phong tục kỳ quặc này đã thu hút được rất nhiều du khách bị kích thích trí tò mò với nơi đón giao thừa có một không hai, nhưng nó cũng làm không ít người “lạnh sống lưng”. Truyền thống này được bắt đầu vào năm 1995 khi một gia đình địa phương trèo hàng rào vào nghĩa trang đúng đêm giao thừa để đón năm mới bên mộ cha của họ.
Đã có 5.000 người tiếp nối hoạt động này mỗi năm và ngày càng nhiều khách du lịch cũng như người dân địa phương coi nghĩa trang là nơi đón giao thừa ý nghĩa của họ.
Đốt hình nhân
Phong tục đốt hình nhân vào đêm giao thừa có ở một số quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, việc đốt hình nhân lại mang một ý nghĩa khác nhau.
Phong tục đốt bù nhìn rơm vào đêm cuối cùng của năm cũ được người Ecuador gọi là “Ano Viejo”. Đây là một truyền thống lạ và độc đáo với khá nhiều người nhưng có ý nghĩa sâu xa và thú vị. Nhiều người Ecuador tin rằng đốt cháy bù nhìn cũng chính là đốt cháy tất cả những điều xấu đã xảy ra với họ trong năm cũ, chỉ những điều tốt đẹp còn lại trong năm mới.
Đốt bù nhìn ở Ecuador
Đây là một phong tục rất phổ biến của người Ecuador, đặc biệt là tại Guayaquil. Để làm bù nhìn, người ta chuẩn bị một chiếc mặt nạ mà tiếng địa phương gọi là “careta”. Tiếp theo, họ gom thật nhiều quần áo cũ và báo cũ để nhét vào bên trong bù nhìn. Họ cũng dán thật chặt các tay áo để đồ bên trong không bị rơi ra khi đốt, làm giảm bớt vận may. Khi bù nhìn được làm xong, người ta đợi đến đúng lúc kim đồng hồ chỉ 0 giờ 00 mới đốt nó.
Theo truyền thống, người dân thường đấm đá vào bù nhìn trước giờ đốt ít phút như một cách để trút hết sự không may và để vận xui không bao giờ quay lại. Đó cũng là phần yêu thích nhất của lũ trẻ. Sau màn “đấm đá” này, người ta sẽ để chung bù nhìn của nhiều gia đình trong khu với nhau. Giao thừa đến cũng là lúc người ta đốt bù nhìn cùng với những gì không hài lòng của năm cũ, ôm hôn những người họ yêu thương và nhập tiệc đón chào năm mới.
Ở Panama, theo truyền thống, người ta thường mang các hình vẽ những người nổi tiếng đốt cháy để đón chào năm mới. Đó có thể là những nhân vật hay xuất hiện trên truyền hình hoặc các chính trị gia nổi tiếng. Họ tin rằng, điều đó sẽ giúp xua đuổi tà ma, những điều xấu trong năm cũ, để bắt đầu một năm mới suôn sẻ và không gặp bất cứ trở ngại nào.
Ở Colombia, để chuẩn bị đón năm mới, mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "Ngài năm cũ". Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua. Tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách đầy lạc quan của người Colombia.
Ăn 12 quả nho
Ăn nho là phong tục đón giao thừa độc đáo của người dân nhiều quốc gia Châu Mỹ, đặc biệt là Mexico. Trong thời khắc đón chào năm mới, người Mexico thường tụ họp với người thân và bạn bè.
Mỗi lần chuông ngân, người dân lại ăn một quả nho
Đêm giao thừa (ngày 31/12), người dân nước này có phong tục đặc biệt như quây quần bên gia đình, người thân, bạn bè và mở tivi lên để chờ hồi chuông báo hiệu 12 giờ, mỗi lần đồng hồ gõ 1 tiếng. Mỗi lần chuông ngân, người dân lại ăn một quả nho (một quả tượng trưng cho một điều may mắn trong 12 tháng trong năm mới) và ước một điều ước, sau đó mọi người ôm nhau và chúc nhau năm mới vui vẻ.
Phong tục ăn nho phổ biến ở các quốc gia Châu Mỹ
Không chỉ ở Mexico, phong tục ăn nho vào đêm giao thừa còn xuất hiện ở các quốc gia Châu Mỹ khác như Venezuela, Tây Ban Nha, Cuba. Tuy nhiên, ở Cuba, thay vì ăn 12 quả nho thì người dân sẽ nuốt 12 hạt nho tương ứng với 12 tiếng chuông đồng hồ.
Vợ không được nhận quà
Bữa ăn dịp năm mới của người Ácmênia rất phong phú
Người Ácmênia xưa đã từng tổ chức đón năm mới vào ngày 21/3. Ngày này không chỉ là ngày đầu tiên của mùa xuân mà còn là ngày sinh của thần Vahangu. Nhưng đến thế kỷ 18, người Ácmênia đã coi ngày 1/1 là ngày đầu tiên của năm mới.
Khi năm mới đến, người Ácmênia có phong tục cho trẻ em tập trung thành nhiều nhóm đi vòng quanh làng và hát vang những bài hát chúc mừng năm mới tới những người hàng xóm. Và thường thì trẻ nhỏ nhận được rất nhiều hoa quả như là những món quà mừng tuổi.
Trong dịp năm mới, người Ácmênia còn có phong tục các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau, song điều đặc biệt là người vợ không bao giờ được nhận quà từ chồng, bởi họ quan niệm rằng nhận quà từ chồng có nghĩa là người vợ bị ghét bỏ. Đối với con cái, người con út sẽ đi theo người anh hay chị cả để đến chỗ người cha đang giấu những món quà bên trong chiếc áo choàng. Chúng hôn lên bàn tay của cha và nhận được những món quà từ cha mình.
Bữa ăn là phần không thể thiếu trong các ngày lễ Tết. Bữa ăn dịp năm mới của người Ácmênia rất phong phú về màu sắc. Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò. Người Ácmênia thường chuẩn bị nhiều hoa quả khô, nho khô và nhiều loại hạt khác nhau, đặc biệt là hạt Gahin, thứ hạt không thể thiếu trong những ngày Tết.