Kỹ năng phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng - Ảnh 1.

Trẻ cần biết về các nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng. Ảnh minh hoạ

Hiểm họa không biên giới

Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng”.

Báo cáo mới này cho thấy trẻ em ở Việt Nam đang bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng, nhưng các em không báo hay trình báo về việc đó.

Theo kết quả khảo sát, phần lớn trẻ từng bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc này với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc hoặc một kênh chính thức như công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ ngại nói về chủ đề khá nhạy cảm này.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng khá lớn. 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua. Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Việc thiếu thông tin về tình trạng bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng do sự kỳ thị và thái độ không khuyến khích thảo luận về tình dục, đặc biệt là với trẻ em. Mặc dù điều này có thể hiểu được trong một chừng mực nào đó, nhưng nếu không có thông tin, trẻ sẽ không nhận thức được rủi ro, hoặc khi nào và làm thế nào để tìm kiếm giúp đỡ. Sự kỳ thị từ cộng đồng cũng có thể ảnh hưởng đến những trẻ tiết lộ về việc bị xâm hại hoặc khuyến khích nạn nhân không kể lại, trình báo về việc đó. Điều này càng làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các em…

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết, bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là một hiểm họa không biên giới. Việc thu thập bằng chứng rõ ràng, xây dựng cơ sở có chất lượng cần được coi là nhân tố trung tâm trong việc hoạch định chiến lược để giải quyết nguy cơ cho trẻ em.

“Đối với các khuyến nghị từ báo cáo này, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan sẽ có những nỗ lực xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và cùng hợp tác để giải quyết các mối đe doạ đối với trẻ em. Đặc biệt là vai trò của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Việt Nam”, bà Nga nhấn mạnh.

Những nguy cơ trên môi trường mạng

Cô Nguyễn Thị Hương Giang (giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội) thông tin, những hành vi phổ biến của xâm hại tình dục trên môi trường mạng thông thường là bị gửi cho xem hoặc bắt xem những hình ảnh, nội dung về tình dục qua mạng. Cùng với đó là những hành động nhắn tin, nói chuyện trên mạng về những nội dung tình dục.

Thậm chí, có hành vi tình dục, trình diễn khiêu dâm hoặc bắt trẻ em trình diễn khiêu dâm qua webcam hoặc điện thoại thông minh. Nhiều kẻ còn bắt trẻ gửi ảnh, tin nhắn hoặc quay phim trẻ em có hành vi hoặc tư thế tình dục qua Internet. Rồi từ những hành động, tương tác trực tuyến dẫn tới việc gặp gỡ, dụ dỗ, ép buộc trẻ quan hệ tình dục ngoài đời thực.

Cùng với đó, kẻ xấu thường dụ dỗ trẻ gửi những hình ảnh riêng tư, cùng xem những hình ảnh, video có nội dung tình dục. Ép buộc, dọa nạt trẻ phải làm theo mọi ý muốn chúng nếu không sẽ phát tán những hình ảnh của trẻ, ảnh chụp các cuộc trò chuyện có nội dung nhạy cảm đến gia đình, thầy cô, bạn bè… Từ mối quan hệ đã tạo được trên mạng, chúng lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của trẻ để dụ dỗ gặp gỡ, yêu đương và quan hệ tình dục ngoài đời thực.

Bắt nạt trên mạng là hành vi cố tình xúc phạm, đe dọa, làm hại, quấy rối, tấn công hay loại trừ một người khác bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Trẻ bị bắt nạt qua mạng thường cũng bị bắt nạt ngoài thực tế.

Hành vi phổ biến thường bị ghi lại và phát tán trên mạng về hình ảnh riêng tư, clip bị bạo hành… mọi người xem và bình luận, phê phán, chê cười, đánh giá nhân cách trẻ và gia đình. Bên cạnh đó là hình ảnh cá nhân bị mọi người nhận xét, bình phẩm với thái độ giễu cợt, bị chế thành các hình ảnh trong các câu chuyện khác nhau trên xã hội để làm trò vui. Từ bình luận ác ý trên mạng dẫn đến hành động cô lập, xa lánh, chửi rủa thậm chí đánh đập ngoài đời thật.

Chuyên gia cho rằng, trẻ cần có sự chia sẻ, thống nhất với bố, mẹ và nghiêm chỉnh chấp hành những nguyên tắc sử dụng Internet, các thiết bị điện tử. Cùng với đó là cài đặt quyền riêng tư, hạn chế người xem với các tài khoản mạng xã hội của mình. Không cho người khác biết mật khẩu tài khoản mạng xã hội của mình trừ người thân như bố, mẹ.

Thậm chí, trẻ cần được dạy kỹ năng không đăng tải bất kỳ thông tin riêng tư, hình ảnh tự sướng hở hang hoặc những bài viết không phù hợp lên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, trẻ không có trách nhiệm cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc cho người khác nhìn mình qua webcam. Tuyệt đối không đi chơi với bạn quen trên mạng mà không có sự đồng ý của bố, mẹ. Hãy bỏ qua, chặn và báo cáo những tài khoản có những bình luận, gửi tin nhắn bắt nạt, bôi nhọ mình hoặc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm.

Ngoài ra, trẻ cần hỏi ý kiến của bố, mẹ trước khi tải, cài đặt một phần mềm về máy tính, điện thoại.

“Gặp những vấn đề làm bản thân thấy khó chịu, lo sợ khi sử dụng mạng, hãy nhờ sự trợ giúp, tư vấn từ bố, mẹ hoặc bất kỳ ai tin tưởng và có khả năng giải quyết vấn đề. Trẻ cũng cần gọi điện tới Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi gặp tình huống cấp bách hoặc cần giúp đỡ”, cô Giang nhấn mạnh.

“Thủ đoạn của đối tượng xâm hại rất đa dạng, tinh vi. Phổ biến nhất là sử dụng những tài khoản mạo danh như một bé gái có cùng lứa tuổi với trẻ, một nam sinh có vẻ ngoài ưa nhìn, ngoan ngoãn. Có trường hợp là một người lớn thành đạt, đáng tin cậy… để tiếp cận, làm quen, trò chuyện thân mật với trẻ”, cô Nguyễn Thị Hương Giang (giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội) chia sẻ.