Làng hoa Ngọc Hà (Q. Ba Đình, Hà Nội) hôm nay không còn vương lại chút dấu tích gì để nhận diện một trong những làng hoa cổ của đất kinh kỳ. Bốn bề làng hoa giờ là những biệt thự bê tông sừng sững, là ngõ nhỏ san sát cửa nhà, chỉ đủ lọt lối xe máy qua.
Làng hoa Ngọc Hà nức danh thơm giờ đã thành phố xá, nhà cửa ken chặt.
Vậy nhưng, nép mình giữa phố vẫn còn sót lại một mảnh vườn cuối cùng của một lão nông “cổ hủ” trọn đời gắn bó với nghề trồng hoa. Bước vào ngôi nhà cấp 4 xây kiểu cũ với chiếc cổng sắt đã hoen ố, rỉ màu thời gian, lắng tai nghe chú chim họa mi bên hiên nhà thi thoảng cao hứng hót vài câu, ngắm lồng gà chọi nuôi dấm chờ đến Tết ở góc sân rợp cây cối của ông Trần Nguyên Bộ, ta ngỡ như đang rơi vào một “ốc đảo” quê kệch giữa lòng Hà Nội.
Mảnh vườn cuối cùng của làng hoa.
“Giờ thì nhiều loại trong số đó “tuyệt chủng” rồi, các làng hoa khác cũng không trồng được nữa. Tiếc nhất là cúc đại đóa, mỗi bông to bằng hai bàn tay người lớn, giống Việt Nam hẳn hoi mà giờ chẳng thấy ở đâu còn” – ông ngậm ngùi, rồi chép miệng: “Cũng phải thôi, trồng mấy loại cây quý ấy mất công lắm, có khi 6 – 7 tháng mới được một vụ, so với mấy loại hoa chỉ hơn 1 tháng, 2 tháng là thu hoạch được thì rõ ràng là kém kinh tế hơn!”
Ông Trần Nguyên Bộ vẫn chưa quên thời "vàng son" của làng Ngọc Hà.
Nhà cao tầng, biệt thự cứ thế mọc lên, căn nhà cấp 4 thuộc dạng khang trang của gia đình ông Bộ xây từ những năm 80 cứ thế cũ đi và lạc hậu so với sự “lột xác” của cả làng hoa.
Vườn ươm của ông lọt thỏm giữa bốn bề biệt thự.
Ông tâm sự: “Nhiều lúc tôi nghĩ, làng hoa mà cứ như hồi xưa, có khi sẽ là điểm du lịch độc đáo giữa lòng Thủ đô, người ta sẽ đến xem dân Hà Nội gốc làm vườn chứ chẳng phải đi đâu xa. Nhưng giờ nét duyên trong lòng phố đã mất, cả làng giờ chỉ còn mỗi nhà tôi gắn bó với nghề. Tôi cố giữ mảnh vườn hương hỏa, cố giữ nghề cha ông làm nguồn vui cô chú ạ. Nhìn thấy nhánh hoa, cây giống mình làm thành công, trong lòng phấn khởi lắm!”
Ươm mầm xanh trong lòng phố
Ông Bộ bảo, mảnh vườn 300 m2 của gia đình ông, nếu tính đất thì có vẻ rộng nhưng để trồng hoa thì nhỏ, nên thay vì trồng hoa thương phẩm, ông tập trung vào làm hoa giống. Trước ông cũng trồng nhiều giống, nhiều loại hoa nhưng giờ chỉ tập trung vào cúc, các màu vàng, trắng, xanh, đỏ, tùy theo thị hiếu và yêu cầu của người đặt hàng.
Ông kể, cách đây 7 – 8 năm, ông còn gây được giống cúc màu da người, cứng cành, hoa trông lạ, đẹp và sang nhưng khó trồng vì ít mầm, chăm sóc phức tạp hơn, người ta không đặt hàng nữa, thành ra giống hoa này cũng "tuyệt chủng" luôn.
Vườn nhỏ, ông chỉ trồng cúc giống chứ không trồng hoa thương phẩm.
Giờ cả làng không còn cái ao nào để vật bùn lên phơi, người trồng hoa cuối cùng của làng phải mua đất phù sa ngoài sông Hồng, để ải một năm cho hết khí lạnh của sông rồi mới đập nhuyễn ra, sàng sẩy cho mịn rồi mới xuống giống. Sau khi ngắt, những mầm đủ độ bánh tẻ (không non, không già) sẽ được cắm trong đất phù sa ấy chừng10 – 15 ngày là ra rễ.
Ông cứ bó 100 bó một rồi xuất đi các tỉnh Hưng Yên, Yên Bái, Hải Dương… Một số nhà vườn ở Hà Nội như Quảng An, Quảng Bá (Tây Hồ) cũng chuộng mua giống của ông Bộ. Ông “tiện thể” mách luôn người ta cả kinh nghiệm chăm sóc, chống sâu bệnh, các “chiêu” nuôi cây khỏe, hoa to.
Được chăm sóc tốt, các cây "mẹ" cho mầm đều tăm tắp.
Đến độ "bánh tẻ", các mầm cây sẽ được tách khỏi mẹ...
... và cắm vào đất phù sa ở khu vực ươm.
10 – 15 ngày một lứa giống, nghe có vẻ “dễ ăn” vậy, nhưng như ông Bộ chia sẻ, thu nhập từ hoa giống “chỉ là chút kiếm thêm thôi”. Hoa giống làm chủ yếu vào vụ Tết nên ông tập trung làm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, còn mùa hè ít bán được, ông phải tập trung chăm sóc cây mẹ. Trồng hoa giống còn tỉ mỉ, phức tạp hơn trồng hoa bán, vì ngoài chuyện chăm sóc đất, tưới nước, bón phân thì còn phải lo giữ giống, đảm bảo giống tốt, trẻ khỏe.
Cứ 1 – 2 năm là ông phải thay đất một lần (mỗi xe đất phù sa, cả tiền mua và tiền thuê xe chuyên chở hết vài triệu), rồi cây giống (cây mẹ) cũng 1 – 2 năm là phải thay mới để cây khỏe và trẻ, không sâu bệnh, có vậy thì cây con mới có sức vươn, mầm đều tăm tắp, người trồng đến khi cành dài mới trổ hoa.
Cái nghề trồng hoa giống cũng hơi… ngược đời. Các nhà vườn thì háo hức trông từng nụ hoa, còn nhà ông Bộ phải cố chăm để cây đừng ra nụ, bao nhiêu nụ ông ngắt cả để tập trung cho cây tạo mầm.
Cứ 1 – 2 năm là ông phải thay đất một lần (mỗi xe đất phù sa, cả tiền mua và tiền thuê xe chuyên chở hết vài triệu), rồi cây giống (cây mẹ) cũng 1 – 2 năm là phải thay mới để cây khỏe và trẻ, không sâu bệnh, có vậy thì cây con mới có sức vươn, mầm đều tăm tắp, người trồng đến khi cành dài mới trổ hoa.
Cái nghề trồng hoa giống cũng hơi… ngược đời. Các nhà vườn thì háo hức trông từng nụ hoa, còn nhà ông Bộ phải cố chăm để cây đừng ra nụ, bao nhiêu nụ ông ngắt cả để tập trung cho cây tạo mầm.
Những nụ hoa hiếm hoi trong vườn ươm.
Trừ những cây để riêng cho gia đình, còn tất cả nụ sẽ bị vặt trụi.
Giống cúc nhà ông Bộ cho ra những bông cánh căng tròn, mọng và bền, có hương thơm nên được nhiều bạn hàng đặt mua.
Những bóng đèn, "phòng ủ" nilon được chăng khắp vườn ươm, phòng thời tiết xấu.
“Nhiều người xui tôi xắn đất bán mà hưởng tuổi già”
Khu vườn và ngôi nhà của ông Trần Nguyên Bộ như lọt thỏm giữa phố xá tập nập, chật chội, trông quê mùa đến lạ. Lạ hơn nữa là thửa đất nhà ông có đến hai mặt tiền, giáp với hai con ngõ lớn, bề rộng chừng 7 – 8 mét, bề dài cũng xấp xỉ 40 m, thuộc dạng “đất vàng” trong làng. Gia đình ông có 4 người con trai, đều đã lập gia đình cả.
Thửa đất vuông vắn, có 2 mặt tiền được ông giữ gìn để trồng hoa.
Sức khỏe yếu đi, hơn 1 năm nay ông chỉ quanh quẩn ở nhà với vườn cúc và dăm chậu cây cảnh.
Nghề trồng hoa của gia đình ông Bộ đã ngót một thế kỷ. Ông là cựu chiến binh thời chống Mỹ, trước thuộc Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào, rồi 12 ngày đêm ở trong lực lượng Bộ Tư lệnh Thủ đô, phục ở Gia Lâm, Đông Anh theo dõi bom. Phục viên, ông trở về làng hoa, cùng các cụ thân sinh theo nghề cũ.
Nhà ông có 5 anh chị em, trước cũng làm hoa cả, giờ còn mình ông, thành thử, ông là lão nông duy nhất của làng Ngọc Hà còn gắn với ruộng đất. Ông kể, mình về “một cục” nên chẳng có lương, vì thế, làm vườn vừa là niềm vui, vừa để có thêm chút thu nhập.
Thành kính dâng tổ tiên thành quả lao động.