Từ xưa đến nay, không phải ngẫu nhiên mà người ta có câu nói: "Anh hùng khó qua ải mỹ nhân". Ngay cả những người đàn ông tỉnh táo nhất, nắm cả giang sơn trong tay cũng có thể vì mê đắm nụ cười mỹ nhân mà mất hết tất cả.
Cha mẹ qua đời, rơi vào tay chủ lầu xanh rồi bị nuôi thành kỹ nữ
Vào thời nhà Tống, có một kỹ nữ đẹp đến mức khiến mọi đàn ông đều mê đắm. Nhan sắc của cô khiến người ta dùng mọi mỹ từ đẹp nhất để miêu tả. Tên của cô là Lý Sư Sư.
Không chỉ có sắc đẹp hơn người mà Sư Sư còn giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa. Ngay cả những học giả hiền lành hay nhà văn đều quy phục dưới váy Lý Sư Sư.
Lý Sư Sư sinh ra trong gia đình họ Vương làm thợ nhuộm ở thành Biện Kinh, tức phủ Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc. Ngay khi vừa sinh con, mẹ cô đã qua đời. Cha một mình nuôi con gái khôn lớn. Khi Sư Sư được 4 tuổi, cha vướng vòng lao lý rồi bị bắt, chết trong nhà lao. Cô được một người họ Lý nhận nuôi, đổi tên thành Lý Sư Sư.
Nhưng có ngờ đâu, họ Lý đó thực chất lại là chủ một kỹ viện. Nhìn thấy Sư Sư có gương mặt đẹp đã nhận cô về nuôi với suy nghĩ nhan sắc này sớm muộn cũng giúp kỹ viện "hái ra tiền".
Ngay từ hồi còn nhỏ, chủ kỹ viện bỏ nhiều tiền mời những người thầy xuất sắc nhất về dạy Sư Sư nhảy múa, vẽ tranh, đánh đàn, ca hát và cả văn học. Bản thân cô cũng rất thông minh và có thiên phú nghệ thuật. Bất cứ người thầy nào cũng cảm thấy tự hào về học trò như Lý Sư Sư.
Lớn lên ở lầu xanh song cô không dựa vào thân thể để kiếm tiền mà dùng hoàn toàn bằng tài năng. Rơi vào cảnh phong trần nhưng cô rất cao ngạo và thích những gì tao nhã chỉ những gia đình quyền quý mới có được.
Từ những bài nhạc, lời hát hay bức vẽ được tung ra chút một, Lý tiểu thư nhanh chóng trở thành cô nương được mong chờ nhất kinh thành.
Theo sử sách ghi chép lại, những người muốn chứng kiến tài năng của cô đều phải đăng ký trước rồi bình thản xếp hàng mà chờ đợi.
Lý Sư Sư, bằng tài năng và nhan sắc đã sống như con gái của gia đình quyền quý đích thực. Nàng xinh đẹp như hoa nhưng bản tính lại băng lãnh, kiêu kỳ. Không chỉ người bình thường mà kể cả các quan chức quyền quý hay công tử giàu có đều muốn được một lần được diện kiến cô nàng Sư Sư.
Danh tiếng của cô đã đến tai Tống Huy Tông Triệu Cát. Từ đây, cuộc đời nàng kỹ nữ bước sang trang mới.
Hoàng đế không ngại mất mặt, xây cả đường hầm dẫn đến lầu xanh
Tống Huy Tông là vị Hoàng đế ham mê tửu sắc. Nhiều vị Vua chuyện hậu cung 3000 giai tần chỉ là nói quá nhưng nó tuyệt đối đúng với Huy Tông.
Không lo toan việc triều chính, Hoàng đế tối ngày chìm đắm trong đàn ca mua nhạc và những mỹ nhân tuyệt sắc. Tuy vậy, hậu cung với hàng ngàn người đẹp đâu có đủ cho ông yêu đương, chơi bời.
Hậu cung hàng ngàn người cũng không đủ để Hoàng đế giải trí, ông muốn tìm kiếm một "màu sắc" mới lạ hơn, phong trần hơn và cũng khó nắm bắt hơn.
Nhân vật đứng đầu Bắc Tống này rất hay mặc thường phục ra đường để đến những kỹ viện, lầu xanh tìm gái đẹp. Ngay khi ra ngoài, Tống Huy Tông nghe dân chúng nói đến Lý Sư Sư mỹ nhân.
Không thể chờ thêm được nữa, Hoàng đế đến ngay kỹ viện để tìm người đẹp. Ra một cái giá khiến tất cả choáng váng, Tống Huy Tông được chính tay Tú Bà đưa đến phòng chờ Lý Sư Sư ra.
Ấy vậy nhưng gặp người đẹp đâu có dễ. Đến nơi, ông được mời ăn hoa quả. Ăn xong xuôi mà vẫn chưa thấy Sư Sư ra. Tú Bà xuất hiện mời ông dùng cơm. Ăn uống no say vẫn chẳng thấy ai cả. Tú Bà lại xuất hiện yêu cầu ông đi tắm vì Sư Sư thích sạch sẽ. Xong xuôi chuyện tắm rửa, ông mới được bước vào phòng đệ nhất mỹ nhân.
Khác với những mỹ nhân lầu xanh khác, Lý Sư Sư xuất hiện trong trang phục lụa giản dị, thanh khiết như một đóa sen nhưng thần thái rất lạnh lùng. Cô dạo một bản đàn tên: "Bình sa lạc nhạn" tặng khách. Huy Tông chìm đắm vào nhan sắc và tiếng đàn của Sư Sư.
Ngay cả khi Tống Huy Tông khai thân phận, Lý Sư Sư cũng không thay đổi thái độ của mình. Sự thanh tao, cao ngạo và lạnh nhạt của cô khiến vị Vua vốn được cung phụng đủ thứ "phát điên". Ngài tìm đủ cách để lấy lòng và tặng không biết bao nhiêu của cải cho tình nhân.
Sử sách chép lại rằng, Tống Huy Tông yêu Lý Sư Sư đến điên dại. Hằng ngày, ngài đều tìm cách ra ngoài để gặp tình nhân. Tuy vậy, việc Hoàng đế đường đường chính chính xuất cung để tìm kỹ nữ ít nhiều khiến quan lại không vừa ý.
Cực chẳng đã, Hoàng đế này phải cho người đào một đường hầm từ cung điện đến tận phòng của Sư Sư ở kỹ viện. Hằng ngày, khi nào nhớ nhung người đẹp thì ông lại theo đường hầm mà tìm đến. Đúng là một việc làm vừa thể hiện sư si tình nhưng cũng khiến các phi tần và quan lại tức giận mãi không nguôi.
Tình yêu và mê đắm của Huy Tông dành cho Sư Sư lớn đến mức, ông phát hiện ra cô có tình nhân khác nhưng vẫn không xuống tay giết. Ông biết rằng, nếu tận cùng loại bỏ tình địch là nhà thơ Chu Bang Ngạn thì chính mỹ nhân sẽ căm hận mình. Ông chỉ có thể ra lệnh trục xuất họ Chu đi nơi khác.
Tuy nhiên, khi Lý Sư Sư đi tiễn về có chia sẻ rằng Chu Bang Ngạn còn để lại một bài thơ. Sau khi nghe Sư Sư hát xong, Hoàng đế đã cho gọi họ Chu lại, phong cho chức quan chuyên coi sáng tác âm nhạc trong cung.
Sự mê đắm mỹ sắc và chìm đắm vào tình yêu với nàng kỹ nữ số 1 Bắc Tống đã khiến Tống Huy Tông bỏ bê đại sự. Vài năm sau, ông mất nước, bị đày lên phương Bắc và chẳng thể lo toan cho mỹ nhân được nữa. Cái kết cho cuộc đời của Lý Sư Sư cũng có rất nhiều lời đồn đại. Nhiều nguồn cho rằng, Tống Huy Tông bị bắt nên Sư Sư mất chỗ dựa, đã cạo đầu làm ni cô. Số khác cho rằng cô đã bỏ kinh thành, tìm về một miền quê rồi sống an nhàn.
Lý Sư Sư đã bị thay đổi cả cuộc đời sau khi vướng vào chuyện tình cảm với Hoàng đế. Số phận của những kỹ nữ khiến người ta phải buông lời thở dài, xót xa. Sư Sư là người có tài, có sắc, có cá tính nhưng định mệnh của cô vẫn phải gắn liền với một người đàn ông. Cuối cùng, cô được lưu danh sử sách chẳng phải vì nhan sắc tài năng mà chính là vì cuộc tình đầy tranh cãi với Tống Huy Tông.
Nguồn: KKnews, Sohu