Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá

Đảo Phú Quý là một hòn đảo xa xôi thuộc tỉnh Bình Thuận, còn được biết đến với các tên gọi Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... 

Theo thông tin đăng tải trên Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), diện tích đảo Phú Quý chỉ hơn 18km2. Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi không chỉ về tài nguyên, danh lam thắng cảnh với những bãi biển, những dãy đá san hô, những cụm đá đen nhấp nhô trên biển và khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm; một ngư trường trù phú với nhiều hải đặc sản quý hiếm.

Chuyên trang Du lịch của CNN : "Đảo Phú Quý của Bình Thuận được người mẹ thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên và cả những danh lam thắng cảnh. Đến với điểm du lịch này, du khách sẽ có dịp được đắm mình giữa những bãi biển đẹp, những dãy đá san hô đầy màu sắc và hít thở bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm. Khu nghỉ dưỡng tại đây thu hút nhiều khách du lịch bởi đáp ứng những tiêu chuẩn phục vụ tốt nhất".

Những làng chài, nghề ngư và những bãi biển, hòn đảo, ngọn núi còn hoang sơ nên nơi đây được mệnh danh là viên ngọc thô giữa trung khơi, đảo ngọc giữa trùng dương, "kỳ quan giữa trùng dương".

"Kỳ quan giữa trùng dương" của Việt Nam sẽ ra sao trong những năm tới?- Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 16/8/2024 phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Mục tiêu là xây dựng đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước; chú trọng phát triển hợp lý về quy mô của từng lĩnh vực, tập trung vào khai thác hải sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá; là trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khấn cấp, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đến năm 2045, đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển; phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại ngang tầm với các trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới; tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển; nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác, nuôi trồng và vận tải trên biển; bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

"Kỳ quan giữa trùng dương" của Việt Nam sẽ ra sao trong những năm tới?- Ảnh 4.

Một góc huyện đảo Phú Quý nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bỉnh Thuận.

Sự tăng trưởng du lịch "nóng" tại Phú Quý

Du lịch đảo Phú Quý thời gian gần đây là sự lựa chọn của không chỉ khách du lịch trong nước mà còn cả du khách nước ngoài. Trong những ngày thời tiết thuận lợi, đặc biệt là những dịp nghỉ lễ, lượng khách du lịch tại khu vực này tăng đột biến.

Hiện tại, mỗi ngày khoảng 4 chuyến tàu cao tốc chở hàng trăm du khách từ Phan Thiết ra đảo Phú Quý. Những ngày cuối tuần, phần lớn các tàu đều cháy vé, thậm chí tăng thêm chuyến. Trung bình mỗi ngày đảo Phú Quý đón khoảng 1.000 khách.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Quý cho biết, khách du lịch đến Phú Quý năm 2023 so với quy hoạch khách du lịch đến năm 2025 đã tăng 114.000 lượt khách, gấp 3,5 lần chỉ tiêu. Còn so với quy hoạch đến năm 2030 thì tăng 85.000 lượt khách, gấp 2,1 lần chỉ tiêu.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, Phú Quý đón hơn 16.000 lượt khách, tăng 36% so cùng kỳ. Tháng 3/2024 biển êm, sóng lặng nên lượng khách tăng mạnh, ước trong tháng đón xấp xỉ 17.200 lượt. Tính chung 3 tháng đầu năm, huyện đảo ước đón hơn 23.780 lượt khách, tăng hơn 13.830 lượt so cùng kỳ năm 2023.

"Kỳ quan giữa trùng dương" của Việt Nam sẽ ra sao trong những năm tới?- Ảnh 5.

Khách du lịch đến Phú Quý. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bỉnh Thuận.

Trong khi lượng khách du lịch tăng mạnh thì cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch lại không đủ đáp ứng. Tính đến năm 2023, toàn đảo có 60 khách sạn, nhà nghỉ, 97 homestay đáp ứng nhu cầu lưu trú hơn 2.000 khách/ngày.

Cùng với đó, vấn đề điện, nước sinh hoạt và rác thải… cũng là một trong những nổi cộm cần được giải quyết. Huyện đảo chưa có hệ thống xử lý nước thải, nước sinh hoạt, sản xuất cung cấp cho người dân đang được khai thác hoàn toàn từ nguồn nước ngầm. Toàn huyện hiện có 4 đơn vị khai thác, cung cấp nước cho người dân nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Phú Quý sử dụng lưới điện độc lập chạy bằng dầu diesel, điện gió, cho nên chi phí giá thành cao. Cùng với đó là việc xử lý rác thải chưa đạt công suất so với thiết kế nên lượng rác còn tồn đọng...