Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đức và Mali, đăng trên tạp Chí Nature Medicine, ký sinh trùng sốt rét có thể tự thay đổi yếu tố di truyền, ẩn náu trong máu người bệnh nhiều tháng mà không bị phát hiện.

Các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của gần 600 trẻ em, thanh niên tại huyện Kalifabougou, Mali - nơi có hai mùa mưa, khô rõ rệt. Kết quả, khoảng 20% có ký sinh trùng ẩn náu trong tế bào máu, dù số lượng rất ít, không thể nhìn thấy dưới kính hiển vi.

Khi xâm nhập cơ thể người, ký sinh trùng sốt rét thay đổi cơ chế hoạt động của tế bào hồng cầu. Thông thường, cứ vài ngày, ký sinh trùng sốt rét thay một protein mới, nhằm thoát khỏi các kháng thể do phản ứng miễn dịch vật chủ tạo ra.

Vào mùa khô, ký sinh trùng trong tế bào hồng cầu ngưng tạo các protein dính, trôi xuống lá lách và bị tiêu diệt. Tuy nhiên, một lượng nhỏ vẫn bám vào thành mạch, tự làm chậm quá trình trao đổi chất để sống sót. Hiện tượng này khiến hệ miễn dịch không thể nhận ra và tiêu diệt mầm bệnh, Sylvia Portugal, chuyên gia về sốt rét tại Viện Sinh học Nhiễm trùng Max Planck, Berlin, lý giải. Ngoài ra, lượng tế bào dính không đủ để làm tắc nghẽn các mao mạch não, tỷ lệ tử vong ở người bệnh rất thấp, trong đó bao gồm cả trẻ em.

Ngược lại, vào mùa mưa, lượng ký sinh trùng sốt rét dồi dào khiến tế bào hồng cầu sản sinh protein dính, làm kẹt các mao mạch trong não, gây "sốt rét thể não" có thể dẫn đến tử vong.

Hàng năm, khoảng 400.000 người tử vong vì sốt rét trên thế giới, phần lớn là trẻ em, phụ nữ mang thai Châu Phi. Các ca nhiễm và tử vong thường xảy ra vào mùa mưa, khi số lượng muỗi tăng cao.

Bà Sarah K. Volkman, chuyên gia hàng đầu về bệnh sốt rét tại Đại học Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan, đánh giá cao tầm quan trọng của nghiên cứu. Trước đó, bà phát hiện các thể ký sinh trùng sốt rét luôn tồn tại trong một ngôi làng ở Senegal suốt 10 năm, song chưa giải thích được nguyên nhân. Phát hiện mới trêncó thể mở ra hướng tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét khi chúng yếu nhất.