Với nhiều người thuộc thế hệ 8X, thi đại học là một trong những chuyện cực kỳ trọng đại, thậm chí, với không ít người, thi đỗ đại học được coi là cánh cửa duy nhất để hiên ngang bước vào cuộc đời. Chính vì lẽ đó, kỳ thi đại học luôn để lại trong ký ức thế hệ 8X những ấn tượng khó phai.

kỳ thi đại học
Sau khi phập phồng cùng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, các cô cậu tú tài (tốt nghiệp lớp 12) bắt đầu lao vào cuộc chiến giành chỗ vào giảng đường đại học. “Lò” luyện thi cấp tốc là một trong những “cứu cánh” của nhiều sĩ tử muốn chắc chân trong trường đại học. Có lẽ cũng vì thế mà ấn tượng của không ít 8X về kỳ thi đại học là những lò luyện thi chật ních người, nóng như thiêu, nơi các thầy cô chẳng thể nhớ nổi mặt học trò và đa phần tận dụng thời gian để truyền thụ các “bí kíp”, các “mánh” làm bài hơn là tổng hợp kiến thức.

luyện thi đại học
Ký ức về kỳ thi đại học cũng là những đêm thức trắng để giải đề thi của những năm trước, mắt díp lại, ngáp ngắn ngáp dài mà không dám ngủ. Những biện pháp như dấp khăn mặt lạnh, tự... tát tới tấp vào mặt khi buồn ngủ hay đặt chuông báo thức liên tục... được các thí sinh thi đại học áp dụng triệt để để tránh ngủ gục. Món mì tôm úp “thần thánh” cũng trở thành bạn thân của nhiều sĩ tử 8X trong những ngày luyện thi đại học gấp rút.

kỳ thi đại học
Đến hẹn lại lên, mỗi khi đến kỳ thi đại học, các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lại đông nghẹt thí sinh ngoại tỉnh đến ứng thí khiến các bến xe, bến tàu ở những thành phố lớn trở nên quá tải. Các thí sinh sẽ được bố trí thi tại các điểm (thường là trường tiểu học, trung học) ở gần trường Đại học đăng ký dự thi. Để chắc ăn, thí sinh và người nhà thường "cơm đùm cơm nắm" lên thành phố từ trước ngày làm thủ tục dự thi 1-2 hôm, có gia đình còn cẩn thận mang lương thực dự trữ để tẩm bổ cho con, tránh bị "chặt chém" trong những ngày thi căng thẳng.

kỳ thi đại học
Những phòng trọ chật chội, giá cao ngất ngưởng đầy phụ huynh và thí sinh cũng là cách mà nhiều 8X đã trải qua kỳ thi đại học đáng nhớ. Không kể những cậu ấm cô chiêu được thuê nhà nghỉ mát rượi điều hòa để trọ trong mấy ngày thi hay những thí sinh có người thân quen ở thành phố, việc chen chúc như cá mòi xếp lớp trong phòng trọ, người tranh thủ ngủ, người căng mắt cố học nốt mấy bài quan trọng, các bố mẹ thì "chém gió" với nhau về chuyện quê hương, chuyện con học giỏi thế nào... chẳng xa lạ gì với những thí sinh đại học thế hệ 8X.

kỳ thi đại học
Với nhiều 8X, 3 ngày diễn ra kỳ thi đại học là những ngày thiếu ngủ triền miên. Đêm hôm trước, sự hồi hộp, lo lắng khiến họ không ngủ nổi tròn giấc, nhưng buổi sáng thể nào cũng bị dựng đầu dậy từ sớm để chuẩn bị giấy tờ, đi đến trường thi từ sớm để khỏi tắc đường. Không ít người còn tiết lộ, họ đã phải phóng như bay đến địa điểm thi vì ngủ rốn hoặc vừa đi vừa gà gật trên xe, thậm chí còn tranh thủ ngủ giấc ngắn ngoài hành lang phòng thi trước khi được gọi tên vào phòng.

kỳ thi đại học
Với thế hệ 8X, internet và smartphone là khái niệm cực kỳ xa lạ. Muốn dò đường đi, tìm địa chỉ chính xác địa điểm thi, bản đồ giấy là công cụ hữu hiệu. Những thí sinh và phụ huynh cẩn thận thậm chí còn đi tiền trạm, xem đường đi, lên phương án các đường sơ-cua trước vài hôm để tránh bị nhỡ giờ vào hôm thi chính.
 
kỳ thi đại học
Món ăn sáng quen thuộc của những sĩ tử mùa thi đại học, trong ký ức của nhiều 8X là xôi. Đứng đầu bảng trong danh sách xôi được ưa chuộng là xôi đỗ xanh, với niềm tin: ăn xôi đỗ chắc chắn sẽ gặp may mắn. Cùng là xôi nhưng xôi đỗ đen, xôi lạc trong những ngày này bị "ghẻ lạnh" vì các sĩ tử e sẽ gặp đen đủi, làm bài lạc đề, kể cả khi xôi lạc bỏ hết lạc đi cũng không được hào hứng, vì khi đó nó biến thành xôi trắng (để trắng bài)! Xôi ngô còn tàm tạm được chấp nhận, vì nếu gọi là xôi bắp, nó sẽ mang ý nghĩa chắc như bắp. Đương nhiên, chuyện kiêng cữ ăn uống chẳng có cơ sở khoa học nào, nhưng hồi ấy (và có lẽ cả bây giờ), các sĩ tử 8X không bao giờ động đến chuối, trứng hay các món ăn bị gán cho là đen đủi trước và trong khi thi đại học.
 
kỳ thi đại học
Để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức của nhiều 8X về kỳ thi đại học là cảnh bố mẹ ngồi la liệt trước cổng trường, trong cái nắng như thiêu của mùa hạ để chờ con thi ra. Mỗi khi có thí sinh nào đó làm xong bài ra về trước, tất thảy sẽ ùa ra hỏi han nào là đề thi có khó không, phòng thi có đông không, cháu có làm được bài không... dù thí sinh ấy không phải con của họ. Cũng phải nói thẳng, những thí sinh được cả "phái đoàn" hộ tống khi đi thi Đại học đa phần là những người đi thi lần đầu; còn với những thí sinh "có kinh nghiệm" trong chuyện thi Đại học, họ thường tự đi thi một mình, hay cùng lắm là đi cùng nhóm bạn.