Liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực 2021 (ĐGNL 2021), GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015, 2016 của ĐH Quốc gia Hà Nội là để tuyển sinh đại học.

Kỳ thi ĐGNL năm nay sẽ được đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời có thể sử dụng nhằm đa mục đích khác nhau  như: Xét tuyển đại học, đánh giá năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; Định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân; Kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học…

Kỳ thi đánh giá năng lực 2021 tại ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM có gì mới? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực (ảnh minh họa)

“Các câu hỏi sử dụng cho bài thi ĐGNL được tinh chỉnh, lựa chọn theo khối kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành tương ứng với 3 nhóm năng lực xác định: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).

So với đề thi ĐGNL năm 2016, cấu trúc đề thi dự kiến 2 phần Toán và Ngữ văn sẽ được giữ nguyên và tinh chỉnh cho tốt hơn về chất lượng và tăng số lượng câu hỏi; phần 3: KHTN và KHXH như của năm 2016 được tinh chuyển thành phần thi Khoa học (gồm cả tự nhiên và xã hội)”, GS.TS Nguyễn Đình Đức cho hay.

Được biết, số lượng câu hỏi cho ngân hàng đề thi dự kiến đạt 15.500 câu và với đội ngũ ra đề có kinh nghiệm, chuyên nghiệp. ĐH Quốc gia Hà Nội cố gắng cao nhất để có được bộ đề nguồn chất lượng cao (kỳ vọng sẽ chất lượng và phân loại tốt hơn năm 2015/2016).

Trên cơ sở kế thừa ma trận đề thi, mô hình triển khai thi năm 2016, bài thi ĐGNL học sinh THPT tới đây sẽ được điều chỉnh, dự kiến gồm 03 phần: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút), Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút), Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).

Về cơ bản cấu trúc bài thi kế thừa trên 90% dạng thức bài thi của năm 2016, có 3 điểm mới:

- Phần lựa chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội sẽ gộp lại thành 1 phần Khoa học (bắt buộc) với thời gian 60 phút, 50 câu hỏi.

- Tổng điểm bài thi là 150 điểm. Điểm bài thi gồm điểm tổng và 3 đầu điểm thành phần: Tư duy định tính, Tư duy định lượng, Khoa học. Mỗi phần 50 điểm.

- Năm 2021 tăng số câu hỏi điền đáp án thêm 3 câu ở phần Khoa học (để giảm khả năng đoán mò của thí sinh). Tổng số câu hỏi điền đáp án là 18 câu.

Bài thi đáng giá năng lực học sinh THPT vẫn là thi trên máy tính, và được gán mã Q00. Về phương thức chấm điểm như cũ, mỗi câu đúng được 1 điểm, câu sai không được điểm.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho biết sẽ chính thức mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2021.

Kỳ thi đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng và Nha Trang. Dự kiến sẽ tổ chức thêm tại Tây Nguyên. Đợt 2 diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4-7.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực 2021 dành cho thí sinh đủ điều kiện dự thi THPT quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã có bằng tốt nghiệp THPT.

"Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 vẫn giữ ổn định như các năm trước về cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi, gồm: phần ngôn ngữ; phần toán học, tư duy logic; phân tích số liệu; giải quyết vấn đề (liên quan đến lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa và sử).

Những điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này. Thí sinh có thể đăng ký dự thi một đợt hoặc cả hai đợt, và nếu thí sinh dự thi nhiều hơn một đợt thì kết quả thi cao nhất sẽ được sử dụng để xét tuyển", ông Chính cho biết.

Ngoài môn Toán và Đọc hiểu (trắc nghiệm và tự luận) như năm ngoái, năm 2021 bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa dự kiến sẽ bổ sung thêm các môn tự chọn (trắc nghiệm) Lý-Hóa/Hóa-Sinh và dự kiến có cả Tiếng Anh.