Chực chờ rút hồ sơ
Không chỉ chị Hồng, mà trong khán phòng nhà H, Trường Đại Học Thương Mại còn rất nhiều những gương mặt lo âu của các bậc phụ huynh đưa con em mình đi rút hồ sơ. Có nhiều phụ huynh cũng bỏ làm nhiều ngày qua chỉ để chực chờ từ sáng đến chiều trong phòng, rồi trước khi về nhà vào buổi chiều tối họ cũng chỉ biết được các con số có bao nhiêu người rút hồ sơ ra, bao nhiêu người nộp hồ sơ vào, để biết con của họ đang rơi vào điểm top nào.
Anh Thanh, học viên Cao Học Trường Thương Mại đang ngồi phân tích, tư vấn nên nộp hay rút hồ sơ với các em của mình. Cậu cho biết: “Hồ sơ nộp vào lên đến 5000 nhưng đã rút gần chục ngày nay rồi. Tôi nhẩm tính mỗi ngày có khoảng 80-150 hồ sơ được rút đi, có hôm lên đến 175 hồ sơ được rút đi.
ĐH Thương Mại có chỉ tiêu đầu vào các khoa là 3800 thí sinh, trong khi điểm sàn trung bình 23. Lấy đâu ra 3000 sinh viên trung bình từ 22-24 điểm để nộp vào trường? Trong khi từ trước đến nay điểm cao như vậy thí sinh sẽ nộp hồ sơ tại ĐH Kinh tế quốc dân.”
Nhiều phụ huynh trực chờ rút hồ sơ cho con
Đỗ Sơn Hải, sinh năm 93 đã tốt nghiệp Trường ĐH Tài nguyên môi trường, Hải là thí sinh tự do, cậu có số điểm thi đầu vào là 19. “Em xác định tư tưởng, phần lớn sẽ phải rút hồ sơ, nhưng em chưa “chốt hạ”. Hải cho rằng năm nay thí sinh có 4 nguyện vọng, lượng hồ sơ ảo quá nhiều nên chưa nói trước được điều gì dù đã sắp hết hạn cho nguyện vọng 1."
Đào Văn Trường sinh năm 1997 người Vĩnh Phúc, Trường được 22,5 điểm đã đăng ký nộp hồ sơ vào Khoa Kinh tế. Mặc dù điểm sàn dự kiến là 21,75 nhưng Trường vẫn nhấp nhổm không yên. Từ Vĩnh Phúc, Trường lặn lội lên Hà Nội trực chờ những ngày cuối cùng của xét hồ sơ nguyện vọng một.
Trường tâm sự: “Em chỉ thừa so với điểm sàn dự kiến, chứ không thừa so với điểm số thực của Trường. Nếu Trường nâng điểm sàn lên, em không rút hồ sơ nộp vào Khoa nào đó phù hợp, tự dưng em bị trượt nguyện vọng một. Mà trượt nguyện vọng 1 là xác định 70% trượt Đại học rồi.”
"Nộp hồ sơ như chơi chứng khoán"
Với số điểm này, Hương nghĩ dù mình có rút ra và nộp vào trường nào đó cũng chưa chắc đã chắc chắn, nên cô nộp vào trường mình yêu thích đầu tiên. Nếu trượt, cô sẽ nộp vào Trường ĐH Nội vụ.
Hương chia sẻ về quãng thời gian 20 ngày chờ đợi điểm số, cô không đi ra khỏi nhà, không đi chơi, không muốn bàn tán điều gì với bạn bè. Để tránh tình trạng stress của mình, Hương “giết thời gian khủng hoảng” bằng cách bán trà sữa qua mạng để giảm bớt căng thẳng, áp lực cho chính mình.
Khác với Hương, cậu bạn cùng lớp của cô là Cao Chí Công được 18,5 điểm, Công nộp hồ sơ vào khoa Du lịch quốc tế (Trường ĐH Văn hóa). Công chia sẻ mình đang đi Sapa với các bạn trong thời gian đợi kết quả trúng hay trượt này.
Công không lo lắng việc mình trượt, cậu phân tích mình đang rơi vào bản xếp hạng 31/60 chỉ tiêu của khoa, trong khi Khoa lấy 75 đến 100 chỉ tiêu cho số điểm nguyện vọng 1. Cậu cho hay: “Nếu rơi vào top 75 tôi mới lo, còn hiện tôi đang ở top an toàn. Tuy nhiên, cứ 3 ngày là tôi lại cập nhật điểm của trường mình và các trường khác thêm nữa.”
Công cho biết thêm: “Tham gia kỳ thi lần này tôi cảm giác như chơi chứng khoán vậy, đầu tư sai là mất vốn luôn. Nhiều bạn thấy nếu mình trượt nguyện vọng 1 thì ngay lập tức rút hồ sơ để nộp trường khác, vì đến 70% nguyện vọng 1 các bạn là phải chắc ăn rồi. Các bạn nộp cùng khoa với tôi rơi vào top 50 đầu thì đỡ lo, rơi top 50 sau là hầu như các bạn ấy luôn ở tư thế sẵn sáng lao đi rút và nộp hồ sơ rồi. Tôi thích kỳ thi năm nay, nó giảm thiểu kỳ thi nhưng 20 ngày chờ đợi kết quả với Hà Nội thì dài lê thê nhưng với các bạn ở tỉnh, huyện thì lại không phải là dài.”
Chị Nguyễn Hà sống tại Hà Nội chia sẻ về cậu con trai của mình được 21 điểm đang nộp hồ sơ vào Học viện Bưu chính viễn thông, Khoa Công nghệ thông tin. Trò chuyện với phóng viên chúng tôi khi đang đưa con trai đi rút hồ sơ, chị than năm nay thi cử đổi mới thật “hú hồn, hú vía chứ không như mọi năm.”
Chị Hà cho hay: “Mọi năm, 21 điểm là vào được khoa và trường này ngon rồi, năm nay thì toàn điểm cao thủ mà danh sách chỉ tiêu chỉ có 680, con trai tôi top 700. Nhưng, với số điểm cao thí sinh sẽ chọn trường Bách khoa, vậy là sẽ thiếu chỉ tiêu, nhưng khi này con mình đã rút hồ sơ rồi. Nói con số là vậy, nhưng chắc chắn có rất nhiều hồ sơ ảo trong năm nay.”
Chị Hà chia sẻ về cậu con trai không chịu nộp hồ sơ sớm vào trường nào, mà quyết định chờ ngày cuối cùng để nộp. Tránh trường hợp hồ sơ ảo, và rút nộp nhiều lần gây mệt mỏi.
Chị Hà thở dài, cho biết: “Thường số điểm bậc trung nhiều nhất trong năm nay là 19 đến 21, nếu như các thí sinh đều ém hồ sơ vào phút cuối, đợi giờ G bung ra thì vô hình chung một số trường có điểm sàn tầm như vậy sẽ bị vỡ. Thí sinh đầu vào sẽ vượt chỉ tiêu, gây khó khăn cho việc tuyển sinh cũng như người tham gia dự tuyển.”
Đồng quan điểm với hồ sơ ảo của chị Hà, bạn Nguyễn Thị Thuỳ Trang sinh viên năm 3 Thương Mại cũng chỉ ra: “Tôi đi nộp hồ sơ cho em gái mình vào ngày 5.8, hôm nay tôi đang lưỡng lự việc rút hồ sơ. Vì theo cập nhật của Trường, tôi thấy danh sách ảo nhiều vì em tôi đứng ở top 700 trong khi số điểm là 21, 22, mà 4 ngành em tôi đăng ký đều bị rơi vào top 700 như vậy. Nên dù điểm thì đậu nhưng nguyện vọng 1 có khả năng trượt, vì trượt ở nguyện vọng 1.”
Hiện giờ, Trang đang lo lắng và đang lưỡng lự việc rút hồ sơ cho em gái mình.“Tôi lo lắng vì hồ sơ ảo cũng lên đến gấp 2, 3 lần số lượng thực. Tôi nghĩ, Bộ giáo dục nên đưa ra phương thức thế nào để hạn chế hồ sơ ảo, ví dụ như giảm xuống còn 2 nguyện vọng thôi. Cạnh đó, các khoa cũng cần đưa sớm hơn nữa các dự báo điểm sàn, tránh tình trạng lo lắng hồi hộp cho thí sinh.”