Kỳ thị - “vũ khí sát thương” nhân loại mạnh hơn cả virus trong mùa Covid-19 - Ảnh 1.

Nếu chọn ra một từ khóa đang khiến cả thế giới chao đảo trong suốt 3 tháng đầu năm 2020, không gì khác chính là Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch này đã gây ảnh hưởng tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành vấn nạn chung của thế giới.

Nhưng trước đó, vào thời điểm tháng 1, khi Covid-19 mới bùng phát, dịch này từng bị xem là gắn liền với những địa danh cụ thể của một số quốc gia. Theo đó, những nơi là tâm dịch bệnh như Vũ Hán, Daegu trở thành cụm từ nhạy cảm. Và dù muốn hay không, ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng, người ta nhắc đến những địa danh ấy không chỉ là sự lo lắng mà còn có cả sự kỳ thị.

Sự kỳ thị lan ra nội bộ từng quốc gia và giữa các châu lục. Nhiều người châu Âu e dè và tránh xa bất cứ người gốc Á nào, bất chấp họ có nguy cơ mang virus hay không. Không ít người châu Á sống ở phương Tây phải chịu đựng những ánh mắt nhìn ngó, ngờ vực, nặng hơn thì bị thóa mạ, thậm chí bị đánh, ném bật lửa vào người vì đeo khẩu trang (được coi là một “dấu hiệu” của nhiễm bệnh) ra đường, hoặc đôi khi chẳng vì lý do gì cả.

Kỳ thị - “vũ khí sát thương” nhân loại mạnh hơn cả virus trong mùa Covid-19 - Ảnh 2.

Nhưng với dịch bệnh, không vùng lãnh thổ nào có thể tự tin mình an toàn tuyệt đối. Cuối tháng 2, Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lan sang Italia, Anh, Pháp và Mỹ... Cùng với sự lan rộng của vùng dịch và sự xuất hiện nhiều tâm dịch hơn, sự lo ngại, kỳ thị cũng xuất hiện rộng hơn và rõ nét hơn với tâm lý ái ngại với những vùng, lãnh thổ có dịch hoặc tâm dịch diễn ra.

Ngay cả người Việt Nam vốn hiếu khách, nhiệt tình, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, một bộ phận nhỏ cũng bỗng trở nên e ngại với người nước ngoài và người Việt từng qua lại ở vùng liên đới. Nhiều người bỗng chốc đa nghi và cảnh giác đến mức, một ai đó ho nhẹ là toàn bộ ngó nghiêng hoảng sợ, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ.

Chúng ta thường có xu hướng sợ hãi những gì mình chưa biết, chưa hiểu, hoặc nhận thức sai lệch. Có thể thông cảm rằng, sự lo lắng quá độ dẫn đến kỳ thị là một phản ứng rất nguyên thủy, một phần bản năng của con người. Số ca nhiễm và người tử vong được cập nhật hàng ngày khiến con người nảy sinh tâm lý lo lắng, e dè với dịch bệnh như một phản xạ rất đỗi tự nhiên. 

Nếu bảo rằng, đừng sợ hãi vì Covid-19, nó không nguy hiểm như chúng ta đang âu lo, đó là lời động viên sáo rỗng và lạc quan giả hiệu. Sự thật là, những diễn biến khó lường về đại dịch phức tạp đã khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lao đao. 

Kỳ thị - “vũ khí sát thương” nhân loại mạnh hơn cả virus trong mùa Covid-19 - Ảnh 3.

Nhưng có một sự thật khác là, nỗi sợ hãi và sự kỳ thị không khiến chúng ta an toàn hơn. Phản ứng cảnh giác thái quá và kỳ thị này không chỉ dẫn tới cách ứng xử tàn nhẫn của một bộ phận xã hội với người bệnh và cả những người không bệnh, mà còn có thể khiến những người có virus giấu nhẹm thông tin. Chính nỗi sợ bị kỳ thị có thể phần nào thôi thúc những người có nguy cơ khai man lịch sử di chuyển, trốn cách ly để được “an toàn”. Cuối cùng, cả xã hội sẽ trả giá nặng nề.

Vậy đấy, kỳ thị không có ích gì trong việc chống dịch, trái lại, là rào cản trong việc hợp tác điều trị, cách ly hoặc phòng tránh cho cộng đồng trong cuộc chiến phức tạp chống con virus được gọi là thông minh và “siêu đẳng” này. Thứ chúng ta cũng cần giữ cho đầu óc mình mẫn tiệp, không để tâm lý lo sợ lấn át dẫn đến trạng thái tâm lý tiêu cực là miệt thị người có liên quan đến dịch, từ bệnh nhân, bác sĩ, đến người trở về từ vùng dịch, người bị cách ly… thậm chí là cả gia đình, người thân của họ. 

Kỳ thị - “vũ khí sát thương” nhân loại mạnh hơn cả virus trong mùa Covid-19 - Ảnh 4.

Sau hơn 3 tháng bùng nổ, đại dịch Covid-19 đã thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu. Trong nỗi âu lo và phản ứng tiêu cực trước thảm họa, đã có nhiều khuyến cáo rằng với tình cảnh hiện tại thì điều tốt nhất là ai đang ở đâu cứ yên chỗ ấy, tránh những di chuyển không đáng có để tình hình không rối loạn hơn. Nhưng chính sự kỳ thị, lạc lõng, ngờ vực nhau khiến nhiều người xa xứ bất giác hoảng loạn và tha thiết muốn được về nhà.

Vì thế nên, làn sóng xê dịch từ khắp nơi trên thế giới muốn trở về quê hương, cũng như người Việt trên thế giới trở về Việt Nam là điều dễ hiểu. Đón công dân người Việt từ những vùng dịch về nhà là chủ trương đẹp đẽ, nhân văn, để không ai bị bỏ lại trong thảm họa. Dù vậy, nỗi sợ hãi về bệnh dịch lây lan đã khiến một bộ phận người chưa hiểu biết đầy đủ và lo lắng thái quá về dịch bệnh ném về phía họ vô số vũ khí sát thương từ lời nói, ánh mắt đến hành động.

Mặt khác, sự thiếu trách nhiệm, ý thức bảo vệ cộng đồng khi trở về từ vùng dịch hay sự yêu sách kém cảm thông, thái độ không hợp tác, trịch thượng của một số ít người trở về từ nước ngoài cũng khiến người trong nước nổi đóa, chỉ trích nặng nề. 

Kỳ thị - “vũ khí sát thương” nhân loại mạnh hơn cả virus trong mùa Covid-19 - Ảnh 5.

Có điều, nếu cứ tấn công, xoáy vào điều tiêu cực, cuộc chiến với Covid-19 sẽ thêm căng thẳng, không phải vì sự lây lan virus, mà vì thái độ người ta đối xử với nhau. Trong diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và của nhiều loại bệnh khác, ai dám chắc họa sẽ không rơi vào mình và gia đình mình. Hôm nay tránh được dịch bệnh, ngày mai chúng ta vẫn có thể gặp tai nạn, thiên tai địch họa, làm sao có thể “nắm tay từ sáng đến tối”?

Việc của chúng ta bây giờ, thay vì đang hoảng loạn và có xu hướng khuếch đại mọi thứ liên quan đến dịch bệnh thì chung vai gắng sức với nỗ lực của toàn xã hội để đẩy lùi đại dịch. Cần hiểu rằng, người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm, người đi qua vùng dịch cũng chỉ là nạn nhân của thảm họa. Vậy nên hãy chào đón những người trở về, những bạn bè quốc tế đang lưu lại. Và những người trở về từ vùng dịch, thấy mình có nguy cơ lây nhiễm, hãy tự giác cách ly. Vì chính mình và cộng đồng.

Kỳ thị - “vũ khí sát thương” nhân loại mạnh hơn cả virus trong mùa Covid-19 - Ảnh 6.

Một nhà văn Nga từng viết: “Hai người cùng nhìn xuống. Một người chỉ thấy vũng nước, người kia lại nhìn thấy những vì sao”. Cách chúng ta nhìn đại dịch trôi qua trước mắt mình cũng vậy. Cứ tập trung vào những điều xấu xí, chúng ta sẽ không thể thấy biết bao điều tốt đẹp khác trong những ngày căng thẳng này.

Đó là những niềm vui nhỏ xinh trong khu cách ly được nhiều người trẻ chia sẻ; là sự nỗ lực đầy nhân văn của các cơ quan và nhân sự phòng, chống dịch; là những khách sạn, homestay mở cửa đón nhận, chăm sóc người bị cách ly miễn phí; là những khoản tiền được người dân chung tay đóng góp để dập dịch...

Chống dịch như chống giặc, và cả thế giới, cả nước đang bước vào “chiến tranh” cam go với virus SARS-CoV-2. Trong mọi cuộc chiến, sự đoàn kết, nương dựa vào nhau là mấu chốt của chiến thắng. Hẳn bạn chưa quên câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam về sức mạnh của bó đũa. Tách từng chiếc ra, đó chỉ là một que tre, que gỗ bé nhỏ, nhưng đứng cùng nhau, chúng trở thành một thế lực bền bỉ.

Cũng cần nói thêm, chúng ta không đứng cạnh nhau theo kiểu đánh giặc “bằng niềm tin”, mà bằng sự hiểu biết. Thật nguy hại khi mà cả cộng đồng sống trong sợ hãi thái quá, bởi đó là khi niềm tin và tri thức bị lung lạc. Để rồi khi những thông tin chính thức, đúng đắn không còn trở nên giá trị vì người ta còn mải tin vào những tin đồn - những tin phù hợp với nỗi sợ của họ.

Cái xã hội cần là sự đồng lòng, bình tĩnh, thông tin trung thực và kế hoạch chống dịch khoa học. Mỗi người cần trang bị kiến thức, phòng ngừa cho mình và cộng đồng, có ý thức tự giác thông báo với cơ quan y tế, tuân thủ cách ly nếu đã đi qua vùng dịch hay thấy có nguy cơ tiếp xúc dịch tễ. Tương tự thế, chúng ta cũng cần cảm thông và hợp tác với lực lượng phòng dịch, trong trường hợp cần cách ly. 

Quan trọng hơn, nếu bạn còn còn đang an toàn, hãy thấy biết ơn về chuyện đó, và bao dung với những người khác hơn một chút. Trong thời khắc khó khăn này, hãy tử tế và độ lượng với nhau. 

Dịch bệnh đã khiến những cuộc trò chuyện, gặp gỡ đã bị ám ảnh bởi khoảng cách 2m an toàn. Chúng ta còn mỗi tấm lòng với nhau, hãy cố giữ cho nó gần gần một chút để khi bão qua, dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta còn có thể nhìn nhau bớt ngờ vực, hoặc tốt hơn là thân ái hơn.