Bến đỗ gập ghềnh của "gái ế"
Ngày chị Trần Thị Bình (43 tuổi, ngụ xóm 4, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vác bụng bầu, dẫn theo người yêu về ra mắt, bàn chuyện cưới xin, ai nấy đều vui mừng. Dù được tiếng là hiền lành, chịu thương chịu khó, sống rất tình cảm nhưng đến 33 tuổi, chị mới có mối tình đầu.
Lấy chồng muộn màng ở tuổi lỡ thì yêu đương, nhưng bến đỗ của chị còn gập ghềnh hơn bao người.
Cứ tưởng hạnh phúc đã mỉm cười, nhưng rồi, ngay trong ngày đưa dâu, người thân mới bàng hoàng khi biết sự thật, chú rể đã có gia đình, chưa ly hôn vẫn cưới thêm vợ mới. Sự việc đã rồi, họ cũng chỉ biết ngậm đắng, hy vọng người chồng sẽ sớm tiến hành thủ tục ly hôn với vợ cũ để cho chị Bình danh phận đàng hoàng.
Gạt nước mắt, chị Bình phân trần, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị sớm xa nhà vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Đời sống công nhân vất vả, tăng ca tối mịt mới về nên chị chẳng còn thời gian hẹn hò, yêu đương. Khi bạn bè yên bề gia thất thì chị đã là gái quá lứa lỡ thì. Buồn chán, chị nghỉ việc về quê nhưng thấy bố mẹ, người thân cứ hối thúc chuyện chồng con nên lại vào Đắk Lắk làm thuê.
Hai đứa con của chị mang họ mẹ, không được cha quan tâm, chăm sóc.
"Chồng tôi quê ở Thanh Hóa, lớn hơn 2 tuổi. Chúng tôi quen nhau khi cùng làm thuê trong rẫy cà phê ở Đắk Lắk. Anh ta bảo chưa có vợ con.
Trước khi cưới, tôi nhiều lần đề nghị đi làm thủ tục đăng ký kết hôn nhưng anh ta cứ lấy lí do khất lần. Khi khách khứa đã mời hết, rạp đã dựng thì tôi mới chết lặng khi nghe anh ta thú nhận đã có vợ và cô con gái 6 tuổi. Vì mâu thuẫn nên người vợ đã bỏ sang Trung Quốc từ nhiêu năm nay nên chưa thể tiến hành thủ tục ly hôn với vợ cũ để đăng ký kết hôn với tôi được".
Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, chị chẳng biết làm sao khi cái thai đã lớn dần trong bụng, thiệp hồng đã gửi khắp nơi, ngày cưới đang cận kề. Rồi nghĩ đến bố mẹ già sẽ như thế nào khi biết được sự thật. Chị đành nuốt đắng cay, tiến hành lễ cưới, chấp nhận làm vợ bé nhà người trong nước mắt mà chẳng dám chia sẻ cùng ai.
Xót cảnh vợ hờ, con rơi
Vì chưa được pháp luật công nhận vợ chồng nên con trai chào đời phải về Nghệ An làm giấy khai sinh mang họ mẹ. Cũng từ lúc con chào đời, chân tướng người chồng siêng ăn nhác làm, ham mê cờ bạc dần hiện rõ.
Để có tiền đánh bạc, người chồng sẵn tay khuân hết những vật dụng có giá trị trong nhà mang đi bán, từ cái bếp ga, nồi cơm điện, bao tải lúa đến cả con gà chưa kịp lớn anh ta cũng không tha. Khi không có gì để bán, anh ta lại ngửa tay xin tiền vợ. Những lúc không có tiền đưa là mẹ con chị Bình lại bị chồng chửi mắng, đuổi ra khỏi nhà.
Để tự giải thoát cho mình, chị đã ôm con, ôm bầu chạy trốn về ngoại.
Khuyên bảo chồng không được, chị Bình đành ngậm đắng nuốt cay, ngày đêm quần quật làm việc để có tiền nuôi chồng con. Nhiều hàng xóm thấy thương, khuyên chị nên ôm con bỏ đi để giải thoát cho mình. Nghĩ thương con sống cảnh mất mẹ vắng cha nên chị lại cắn răng chịu đựng, hi vọng một ngày người chồng sẽ suy nghĩ lại, tu chí làm ăn, cùng vợ chăm sóc con cái.
"Mãi đến năm con trai tôi 6 tuổi thì chồng mới hoàn tất thủ tục ly hôn với người vợ cũ nhưng vẫn không chịu đăng ký kết hôn với tôi. Rồi khi tôi mang thai đứa con thứ 2, ốm nghén suốt, không làm được gì kiếm ra tiền để nuôi chồng, đưa cho chồng đi đánh bạc nên bị anh ta chửi bới, đánh đập. Lúc cái thai được 5 tháng, không chịu đựng được nữa, tôi đành gạt nước mắt, tay không ôm con về nhà ngoại để tìm cho mình lối thoát", chị Bình kể trong nước mắt.
"Con là động lực để tôi tiếp tục sống"
Chị Bình ngồi bên hai con trên chiếc giường nhỏ. Khuôn mặt rám nắng, đôi mắt thâm quầng, bàn tay chai sạn đang vuốt lại mái tóc rối của cô con gái. Chị như vui hơn khi nhắc đến 2 đứa con của mình.
"Chúng là động lực duy nhất để tôi sống đến ngày hôm nay. Dù phải bụng mang dạ chửa ôm con trốn khỏi nhà chồng nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận vì đã chọn ra đi. Dù cuộc sống trước mắt của mẹ con tôi còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng để đem lại cho con một cuộc sống bình yên, tốt đẹp, ngay cả khi không có bố chúng bên cạnh", chị Bình trải lòng.
Dù có bố nhưng từ khi con gái chị chào đời đến nay đã 4 tuổi nhưng chưa một lần được gặp mặt bố, chưa được bố hỏi thăm dù là một cuộc điện thoại.
Hai đứa con chị, đứa lớn 10 tuổi, học lớp 4. Đứa nhỏ 4 tuổi, đang học mẫu giáo. Ôm con chạy trốn khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, để có tiền trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con, chị vùi đầu vào công việc làm thuê làm mướn khắp nơi. Ai thuê cuốc đất, cấy lúa, phụ hồ chị đều nhận làm để có thu nhập. Những ngày không có việc làm, chị lại ra đồng mò cua bắt ốc, cải thiện bữa ăn. Khi bắt được nhiều lại mang ra chợ bán ki cóp từng đồng một để nộp học phí hàng tháng cho con.
Đơn xin cấp đất của chị Bình gửi chính quyền địa phương.
Không có nhà ở, không có đất, suốt mấy năm qua mẹ con chị Bình phải xin ở nhờ nhà một người hàng xóm. Cũng may hai đứa con của chị rất ngoan, chăm học lại thương yêu, nhường nhịn nhau nên chị cũng an lòng phần nào.
"Vừa rồi, có một số đoàn từ thiện đến thăm, hứa hẹn nếu có đất, họ sẽ cùng bà con trong xóm hỗ trợ xây cho một căn nhà nhỏ để 3 mẹ con có chỗ mà nương tựa nhau. Tôi cũng đã làm đơn lên chính quyền địa phương trình bày hoàn cảnh, xin cấp đất và đang chờ hồi âm", chị Bình cho biết.
Hỏi về cha của hai đứa con mình, chị Bình thở dài. Trước đây, khi chị mới dẫn con bỏ đi, chồng chị có tìm đến một vài lần nhưng không phải để níu lại tình cảm mà để đòi con trai về nuôi. Sợ con trai sẽ phải nhịn đói, thất học, mịt mù tương lai khi sống với một người cha vô trách nhiệm nên chị đã kiên quyết giữ lại con.
Nhiều năm qua 3 mẹ con chị Binh phải mượn nhà hàng xóm để ở.
Từ ngày chị sinh con gái đến nay đã 4 năm, chồng không một lần đến thăm, cũng không bao giờ điện thoại xem con cái sống như thế nào. Qua một vài người bạn, chị biết chồng đã đưa người phụ nữ khác về sống chung như vợ chồng, quên luôn sự tồn tại của mẹ con chị.
Chia tay người phụ nữ bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy chị ngồi đó vui vẻ nhìn hai đứa con hồn nhiên cười đùa. Sống hơn nửa cuộc đời, người phụ nữ chưa một ngày được hưởng trọn hạnh phúc này vẫn thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chị chia sẻ, dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng sẽ cố gắng để cho hai đứa con có một cuộc sống tốt hơn.