Những cơn đau lưng xuất hiện vào đầu năm 2016, sau khi Korin Miller sinh con thứ hai khoảng vài tháng. Cô chia sẻ: “Các triệu chứng đến rất đột nhiên. Một ngày nọ, tôi thức dậy và cố gắng rời khỏi giường nhưng không thể. Lưng trở nên cứng ngắc, khó thể thực hiện những chuyển động đơn giản như cúi người. Tôi thậm chí còn không thể ôm đứa con mới ra đời của mình”.

Korin cũng nhận thấy những dấu hiệu bất thường khác như gặp khó khăn khi chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng. Nếu ngồi trên ô tô lái xe trong 10 phút, cô sẽ phải mất hơn 5 phút để bước ra khỏi xe và đứng thẳng. Korin cho biết: “Tôi bước đi tập tễnh như một bà già khi qua nhà trẻ đón con trai”.

Dưới đây là chia sẻ của người phụ nữ này về hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những cơn đau lưng cô gặp phải:

Kết luận ban đầu

Thoái hóa đĩa đệm khiến người phụ nữ này gặp phải những cơn đau lưng khó chịu nhưng bác sĩ của cô lại đổ lỗi do tư thế xấu - Ảnh 1.

Thoái hóa đĩa đệm có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở cột sống, từ đó dẫn tới những cơn đau vô cùng khó chịu.

Vào thời điểm đó, tôi chỉ cho rằng những cơn đau này bắt nguồn từ việc ngồi sai tư thế hoặc chạy quá sức. Tôi là một vận động viên và chạy hơn 8km mỗi ngày dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi.

Do đó, sau khi tìm hiểu các biện pháp chữa đau lưng trên mạng, tôi tự mua một số thuốc chống viêm không kê đơn, thử chườm đá, chườm nóng và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những việc làm này không đem lại hiệu quả và cuối cùng tôi vẫn phải đi gặp bác sĩ. Ông ấy khám và hỏi về các triệu chứng trong khoảng 3 phút. Sau đó, bác sĩ khuyên tôi nên tới các chuyên gia vật lý trị liệu để điều trị.

Tôi làm theo lời của ông ấy và một chuyên gia cho rằng tôi bị căng gân kheo do chạy quá sức. Họ hướng dẫn tôi thực hiện một vài bài tập giãn cơ và tăng cường cốt lõi. Khoảng hai tuần sau, cơn đau từ từ thuyên giảm. Mọi chuyện tưởng chừng đã kết thúc cho tới khi các triệu chứng quay trở lại vào 6 tháng sau.

Chẩn đoán sai

Một thời gian sau, cơn đau đột ngột trở lại và lần này tôi cảm thấy căng cơ mông bất thường. Tôi đã tìm ra một số cách giải quyết tạm thời như đặt ghế trên ô tô khi lái xe để tránh cúi hay gập người. Dù vậy, những cơn đau lưng vẫn đang hành hạ và làm đảo lộn cuộc sống của tôi.

Lần này, tôi tới gặp một bác sĩ chỉnh hình và được đưa đi chụp cộng hưởng từ. Ông ấy kết luận tôi bị thoát vị hai đĩa đệm ở lưng dưới. Một số đĩa đệm giữa các đốt sống lệch ra ngoài, từ đó gây áp lực lên tủy sống và dẫn tới những cơn đau khó chịu. Bác sĩ đưa ra hai lựa chọn: Tiêm cortisone định kỳ hoặc phẫu thuật. Những biện pháp này không phù hợp vì tôi còn trẻ và đang cố gắng mang thai lần nữa. Vì vậy, ông ấy giới thiệu tôi tới gặp một chuyên gia vật lý trị liệu. Lần này, thực hiện các bài tập không còn đem lại hiệu quả như trước.

Trong khoảng sáu tháng tiếp theo, những cơn đau đột nhiên xuất hiện rồi biến mất. Mỗi lần kéo dài từ 1-3 tuần. Ngay cả khi tôi tới gặp chuyên gia vật lý trị liệu, tình trạng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Sau khi tự nghiên cứu, tôi phát hiện ra đa số những trường hợp mắc thoát vị đĩa đệm đều không có triệu chứng. Vì vậy, tôi bắt đầu tự hỏi liệu tình trạng này có thực sự là nguyên nhân gây ra các cơn đau lưng hay không.

Thoái hóa đĩa đệm khiến người phụ nữ này gặp phải những cơn đau lưng khó chịu nhưng bác sĩ của cô lại đổ lỗi do tư thế xấu - Ảnh 2.

Quá trình điều trị thoái hóa đĩa đệm bao gồm vật lý trị liệu, thực hiện các bài tập, dùng thuốc, giảm cân và phẫu thuật.

Tôi tới gặp một bác sĩ chuyên trị về đau lưng để được giúp đỡ. Ông ấy nói trường hợp của tôi quá nặng và cần phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị kịp thời, tôi sẽ phải sống chung với những cơn đau lưng này đến hết đời.

Tôi quay trở lại phòng khám vật lý trị liệu và một nhóm bác sĩ cố gắng chẩn đoán tình trạng của tôi. Một người cho rằng tôi bị đau lưng do tư thế xấu trong khi những người khác lại nghĩ đây là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng. Họ hứa sẽ giúp dù không biết nguyên nhân gây ra tình trạng này. Không một ai trong số họ quan tâm tới kết quả chụp cộng hưởng từ của tôi.

Tôi bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài, liên hệ tới các phòng khám chuyên khoa không thuộc địa phương nơi sinh sống. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chẳng đem lại hiệu quả. Cứ sau một thời gian, cơn đau quay trở lại. Vào thời điểm đó, tôi đã là mẹ của ba con và không có nhiều thời gian rảnh rỗi để lo lắng cho sức khỏe của mình.

Tháng 2 năm 2020, cơn đau đột ngột xuất hiện và khiến tôi không thể tham gia ngày sinh nhật của con trai. Kế hoạch đi chơi và ăn mừng hoàn toàn bị phá sản. Tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để nằm trên giường chườm đá, cố gắng ăn tối cùng gia đình nhưng không thể.

Nhận thấy tình trạng nghiêm trọng này, một người bạn đã giới thiệu tôi tới một phòng khám chuyên trị về bệnh đau lưng. Tôi quyết định đặt lịch hẹn và vài ngày sau tới khám.

Sự thật sáng tỏ

Trải nghiệm lần này hoàn toàn khác so với trước đây. Bác sĩ dành tới 10 phút để xem kết quả chụp cộng hưởng từ của tôi. Cô ấy giải thích các triệu chứng tôi gặp phải không giống với thoát vị đĩa đệm. Bác sĩ còn nhấn mạnh: “Phẫu thuật lưng không có tác dụng gì trong trường hợp này”.

Sau đó, cô ấy giải thích về kết quả chụp cộng hưởng từ và nói tôi đang mắc thoái hóa đĩa đệm, một vấn đề sức khỏe khiến đĩa đệm giữa các đốt sống thoái hóa, từ đó gây ra những cơn đau. Nhìn vào ảnh chụp, phần đệm giữa các đĩa đệm ở lưng dưới mỏng hơn đáng kể so với vùng khác trên cột sống. Trước đây không ai đề cập vấn đề này với tôi.

Tôi cảm thấy cuối cùng bản thân đã được lắng nghe. Bác sĩ cũng cảnh báo tôi phải ngừng chạy bộ để tránh các cơn đau bùng phát và giảm nguy cơ phải ngồi xe lăn. Cô ấy kê thuốc giảm đau, chống viêm và bất cứ khi nào cơn đau bùng phát, tôi cũng phải gọi cho bác sĩ ngay.

Sau nhiều năm bị hành hạ bởi những cơn đau, cuối cùng tôi đã có thể kiểm soát được tình trạng này. Phải mất 4 năm để tìm ra nguyên nhân và rất nhiều bác sĩ, chuyên gia đã chẩn đoán sai. Dù cảm thấy thất vọng về thời gian và tiền bạc bỏ ra, tôi vẫn vui vì đã tìm được bệnh, biết cách điều trị và ngăn ngừa.

Thoái hóa đĩa đệm cột sống, hay thoái hoá cột sống, là một thuật ngữ để mô tả các thay đổi do tuổi tác gây ra dọc theo cột sống cổ, ngực hoặc thắt lưng (phổ biến nhất là thoái hóa cột sống thắt lưng). Đây không phải là một bệnh mà thực chất là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Các nguyên nhân phổ biến gây bệnh

Nhiều tác nhân có thể dẫn đến chứng thoái hóa đĩa đệm cột sống. Bên cạnh tuổi tác, một số yếu tố khác có thể kể đến như:

- Đĩa đệm bị khô: Đĩa đệm khỏe mạnh chứa khoảng 90% là nước. Nhưng khi lớn tuổi hơn, lượng nước trong đĩa đệm ngày càng giảm dần; đĩa đệm co rút lại, trở nên mỏng hơn mất đi khả năng giảm xóc như trước và làm cho các đốt sống ngày càng gần nhau hơn.

- Các hoạt động hàng ngày và các môn thể thao có thể gây ra rách bao xơ đĩa đệm.Theo thời gian, hầu hết mọi người đều có những dấu hiệu cho thấy quá trình hao mòn đĩa đệm, đặc biệt là những người ở độ tuổi 60 trở lên. Không phải những ai bị thoái hóa đĩa đệm đều bị đau lưng. Tuy nhiên, các chấn thương có thể dẫn đến sưng, đau nhức, từ đó dẫn đến chứng đau thắt lưng.

- Viêm khớp và loãng xương cũng góp phần vào tình trạng thoái hóa đĩa đệm cột sống.

Theo Health