Bún mắng cháo chửi: khách vẫn tấp nập vào ăn
Nhắc tới quán bún dọc mùng ở Ngô Sĩ Liên, người sành ăn đều biết đó chính là quán của bà Thảo. Nhiều người bảo quán bún này không chỉ nổi tiếng bởi nước dùng của bún ngon cộng với chân giò lưỡi lợn béo ngọt thịt cùng dọc mùng tươi giòn, mà còn nổi tiếng bởi bà chủ “ghê gớm, thét ra lửa”.
Theo phản ánh của anh Hồng Anh (Lĩnh Nam, Hà Nội) – một khách ăn quen ở quán thì: “Trước đây lúc lớ ngớ mà hỏi han hay thắc mắc này nọ là bị bà chủ chửi thẳng mặt”.
Quán bún của bà Thảo lúc nào cũng đông nườm nượp khách
Vừa mở cửa, dãy bàn ở tầng 1 đã chật kín khách
Móng giò là món ăn bán chạy nhất ở đây
Theo nhiều người" ăn một đĩa chân giò chấm là no tới mai"
Tới anh em nam giới cũng thích quán này để ăn trưa, hàn huyên với bạn bè
Chị Ngọc Liên (nhân viên văn phòng tại Hàm Long) nhớ lại: “Bây giờ bà Thảo còn nhỏ nhẹ chán. Trước tôi cùng mấy anh chị đồng nghiệp đến đây ăn, ăn thì ngon thật đấy nhưng tinh thần căng thẳng lắm, toát mồ hôi giữa mùa đông luôn (cười). Cả buổi ăn lúc nào cũng nghe thấy tiếng thánh thót mắng khách như hát hay của bà chủ "Ai đi xe Lead biển 29…, ăn gì mà ngu thế cơ chứ? Sao không dựng cả cái xe này vào giữa quán, nhúng thẳng vào nồi này. Xe của ai, ra để lại rồi vào ăn, không thì khỏi ăn, biến luôn”.
Nhắc tới hàng bún này, anh Xuân Trường (Nghi Tàm, Hà Nội) nhớ mãi kỷ niệm bị bà chủ mắng xơi xơi: “Hôm đó, tôi đi cùng anh đồng nghiệp từ Sài Gòn ra công tác. Anh bạn không ăn được hành nên tôi dặn bà chủ làm 1 bát có và 1 bát không hành cho bàn mình. Nhưng khi nhân viên bê ra thì cả hai đều có hành. Anh bạn tôi nhanh nhảu thắc mắc thì bị bà mắng té tát: “Không ăn được thì biến, để tôi đổ đi cho lợn”. Anh bạn kia tái mặt, cúi gằm mặt xuống không nói gì, ra hiệu cho tôi ăn hết. Sau khi đi khỏi quán, anh đó mới bảo: “Ôi tôi muốn độn thổ luôn lúc đó lắm, bao người nhìn”.
Biết tính bà chủ nóng tính, mọi người ăn cứ ăn, không ý kiến hỏi han nhiều
Dù “tính chất đặc thù” tại quán này như vậy, cộng thêm thời gian bán ít chỉ từ trưa tới đầu giờ chiều nhưng quán lúc nào cũng đông khách ra vào, những ai tới ăn thường cũng chuẩn bị kỹ tinh thần trước, chủ chửi cứ chửi, xung quanh, mọi người ăn cứ ăn. Ai ai cũng mong rằng khách vào ít lời để đỡ lãnh đạn chửi từ bà chủ khó tính.
Cũng theo nhiều người, "hiện bà chủ hiền hơn trước bao nhiêu rồi đấy"
Chị Thu Hương nhớ lại có lần chị tới ăn, lúc đó đã gần 1 giờ chiều, quán bún vẫn đông như nêm, đang xoay ngang xoay dọc tìm chỗ thì bị bà Thảo mắng cho 1 tràng: “Ngồi thì ngồi đi, hết chỗ thì ngồi đất ấy, đứng vô duyên, chổng mông vào mặt người khác. Não để dưới chân à?”.
Đông khách không thua kém gì bún “mắng” Ngô Sĩ Liên, cháo “chửi” Nhà Thờ, Lý Quốc Sư cũng được rất nhiều người biết đến. Bà chủ ở đây không chửi khách nhưng lại chửi nhân viên. Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, nơi đây ầm ĩ tiếng mắng, chửi.
Chị Nguyệt – cô giáo dậy mầm non ngay cạnh quán cháo cho biết, trưa ăn ở đây là đau đầu lắm, bà chủ già rồi nhưng cứ ra rả chửi mắng nhân viên suốt. “Não mày có vấn đề gì không mà hành thái dài như thế kia?”, “Điếc hả mày, khách gọi gì mà hỏi lại lắm thế? Xem có làm không, không thì cút mẹ về quê thái rau cho lợn”.
Nghe bà chủ chửi nhân viên, khách lạ thì lắc đầu, khách quen thì cho đây là một “văn hóa” và họ chả để tâm.
Nhiều thực khách khi đã trót bước chân vào quán không khỏi ái ngại khi chứng kiến những cảnh tượng lời nói thái độ khó nghe này, anh Châm (Tạ Quang Bửu, Hà Nội) chia sẻ: “Bạn tôi cứ bảo ngon lắm đến ăn nhưng đến 30 phút mà nhức đầu, bực mình vì thái độ này, biết thế này khỏi đến, dù ngon đến đâu tôi cũng không bao giờ quay lại”.
"Tôi không có ý gì đâu, chỉ tại... thói quen xấu"
Chờ lúc vãn khách, hỏi chuyện bà Kim Thảo – bán bún ở phố Ngô Sĩ Liên, bà bảo: “Nhiều người góp ý cho tôi nhưng việc nói tục đã trở thành… thói quen rồi (cười). Tôi cũng mong mọi người đừng vì thế mà đánh giá quán ăn cũng như tôi”.
Bà chia sẻ, quán bún này ra đời đã hơn 32 năm, khi ấy bà có gần 30 tuổi, bí quyết nấu ngon được người nhà bà truyền lại. Lúc mới mở bún giá có 5.000, 10.000, 15.000 đồng rồi bây giờ là 35.000 – 40.000 đồng/bát, dù giá bán không rẻ nhưng quán lúc nào cũng đông khách.
Bà Thảo cũng chia sẻ: "Tại thói quen chứ tôi cũng cố thay đổi rồi"
Bà cười xòa bảo: “Đó chính là những thượng đế của tôi, ăn lâu nhà tôi, họ biết và thông cảm với tật xấu của mình. Tính tôi nóng nảy mà mọi người cũng cố gắng thông cảm. Làm cái nghề hàng ăn nhiều việc lặt nhặt, như làm dâu trăm họ, mỗi ngày tiếp hàng trăm lượt khách, ai cũng ý kiến lúc thì sao nhạt, sao mặn, lúc sao quẩy không giòn, lưỡi không ngon, bún chưa thơm… bực nên tôi cáu. Cáu nhưng nói thì nói tôi không có ý gì đâu”.
Là khách thường xuyên ghé vào quán bún của bà Thảo, chị Tuyết Nhung, nhân viên một công ty ở Bà Triệu cho biết: “Tôi thường vào quán này ăn trưa, bún ở đây ngon, ăn no căng. Thời gian đầu khi mới ăn, chứng kiến những cảnh mắng khách xơi xơi tôi cũng không thích đâu nhưng sau đó tôi quan sát thấy bà cũng thân thiện, không ác ý nên tôi cũng quen”.
Chia sẻ về quán cháo chửi của mình, bà Ngọc cho biết, quán cháo của nhà bà có từ lâu đời, ban đầu chỉ là gánh hàng rong, mọi người hay gọi là cháo bà Mỹ. Từ khi còn là hàng rong tới giờ có mấy địa điểm cửa hàng nhưng khách lúc nào cũng đông. Bà cũng mong mọi người châm chước bỏ qua thói quen xấu của mình.