Gánh nước, vọc đất, bón phân, gieo hạt…, tất tần tật công đoạn của nghề trồng rau được các ông Tây bà Đầm “hóa thân” nông dân thực hiện.
Những vị khách ngoại quốc vui vẻ bỏ tiền để đổi lấy những phút giây trải nghiệm thú vị với chân lấm tay bùn ở ngôi làng mà nông dân thực thụ “bắn” tiếng Anh như gió.
Nghe có vẻ lạ đời, song hình ảnh du khách nước ngoài vận lên mình những bộ áo nâu đậm chất nông dân đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân thương ở làng rau sạch Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam từ nhiều năm nay.
Tinh mơ. Từ trung tâm đô thị cổ Hội An, nhóm du khách Úc chừng 10 người đạp xe ra vùng ngoại ô thành phố.
Men theo tuyến đường Hai Bà Trưng xuyên qua cánh đồng chừng 3 cây số, đoàn dừng lại tại tấm pano đề to dòng chữ: “Welcome to Trà Quế”. Đây là đích đến mà ông Peter (60 tuổi) đã gợi ý cho cả nhóm ghé tham quan, trải nghiệm trong hành trình một ngày đạp xe vòng quanh Hội An.
“Sau các công trình, di tích lâu đời trong khu phố cổ, Trà Quế là địa điểm xếp thứ hai nằm trong chuyến du lịch kéo dài một tuần của gia đình tôi ở Việt Nam. Tôi đã xem qua tivi và theo dõi trên báo đài giới thiệu về ngôi làng này. Tôi thực sự thích thú và đang tò mò muốn khám phá, trải nghiệm làm nông dân ở đây” – Peter bày tỏ sự phấn khích khi đặt chân đến ngôi làng mà ông đã dành sự quan tâm đặc biệt từ lúc còn chưa xách ba lô sang đất nước hình chữ S.
Nằm ẩn mình sau những rặng dừa xanh ngút ngàn, làng rau Trà Quế được bao bọc bởi dòng sông Cổ Cò chở nặng phù sa. Dù có nhiều lối nhỏ dẫn vào làng nhưng thật khó để du khách lạc bước, bởi tất cả các nhánh đường đều xuôi đến cánh đồng rộng mênh mông 18 hecta, tràn ngập sắc màu của hơn 20 loại rau ăn lá.
Ấn tượng đầu tiên mà làng rau sạch hơn 400 năm tuổi này mang lại cho du khách chính là tên đường. Với những “Húng Quế”, “Mồng Tơi”, “Đu Đủ” cùng tên của rất nhiều loại rau khác đã được lấy để đặt tên cho các lối nhỏ trong cánh đồng Trà Quế.
Trước khi đặt chân vào đồng rau, Peter và các du khách khác bỏ ra khoản tiền 35.000 đồng/người để mua vé. Ngay khi nhận vé, du khách sẽ được phục vụ miễn phí cốc nước hạt é – một loại đồ uống có chiết xuất từ chính loại cây mà bà con Trà Quế vun trồng.
Hôm nay, ông Nguyễn Lên (65 tuổi) – người có thâm niên 45 năm làm nông ở ngôi làng sản xuất rau sạch nức tiếng trong vùng, phụ trách hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho nhóm của Peter “sắm vai” nông dân tập sự.
Bỡ ngỡ, loay hoay là trạng thái của Peter cùng cả nhóm khi tiếp nhận những bài học “vỡ lòng” về nghề nông.
Gói gọn trong mươi phút đồng hồ giới thiệu tóm tắt quy trình từ xới đất tơi xốp đến bón phân, gieo hạt, tưới nước…, ông Lên khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khả năng “bắn” tiếng Anh như gió.
Dưới sự hướng dẫn của lão nông, rất nhiều hạt giống rau cải đã được gieo trên thửa đất trống, từ những đôi bàn tay của các vị khách ngoại quốc, trong đó có bà Catherine – vợ của Peter.
Ngay khi hoàn thành công đoạn gieo hạt, bà Catherine tiếp tục tham gia trải nghiệm với việc giâm những cây húng quế. Lúc này, những đầu ngón tay của nữ du khách Úc mới bắt đầu chạm sâu dưới bề mặt của lớp đất.
Cũng như Catherine, Peter đã không kiềm được cảm xúc và liên tục thốt lên: “Great, Great…” (tuyệt vời).
Kết thúc tour “một ngày làm nông dân”, vợ chồng Peter và nhóm bạn của mình không quên ghi lại khoảnh khắc lưu niệm tại làng rau cùng với nông dân địa phương. Với cá nhân Peter, ắt hẳn, khoảng thời gian ngắn ngủi tham quan, trải nghiệm ở Trà Quế sẽ là kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong hành trình du lịch thành phố Hội An thanh bình.
Chia tay đoàn khách “mở hàng” đầu ngày, ông Lên chia sẻ, nghề trồng rau, đặc biệt là trồng rau sạch đã trở thành phương thức sản xuất của làng Trà Quế từ hàng trăm trước. “Các vị tiền nhân sau khi khai hoang, lập làng đã sử dụng nguồn rong dồi dào từ dưới sông Cổ Cò để bón cho rau màu. Cứ thế, tập quán sản xuất này truyền từ đời này sang đời khác. Tới thời cha mẹ và nay là thế hệ của tôi cũng nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu. Tất cả nguồn dinh dưỡng để nuôi cây trưởng thành được bón từ rong và phân hữu cơ” – ông Lên khẳng định chắc nịch.
Ở ngôi làng hơn 400 năm tuổi, không ai có thâm niên trong nghề trồng rau sánh ngang cụ Nguyễn Thị Xiêm. Chạm mốc 80 tuổi đời nhưng đến nay cụ đã có ngót nghét 60 năm gắn bó với công việc trồng rau sạch.
Cụ Xiêm sống neo đơn, không chồng con, tối lửa tắt đèn có vài ba người cháu sang thăm nom. Lạ thay, ở cái ngưỡng bát tuần, cụ hiếm khi trải qua đau ốm của tuổi xế chiều. Chứng kiến ngày ngày cụ thức khuya, dậy sớm, tất bật với thửa rau rộng 600m2, người trong làng hết thảy “ngả mũ” thán phục.
Du khách khi dạo bước ở làng rau hầu như ai cũng bị níu chân lại ở khoảnh đất nằm sát bên đường Đu Đủ – nơi cụ Xiêm vẫn ngày ngày cần mẫn cuốc đất, gieo hạt, thậm chí gánh đôi gàu chứa 30 lít nước một cách nhẹ hều.
“Từ năm 2005 đến nay, bên cạnh trồng rau bán, tôi còn hướng dẫn cho khách học làm nông dân. Đây cũng là cái nghề mang lại khoản thu nhập kha khá, giúp tôi có thể tự nuôi thân, không phiền tới các cháu” – cụ Xiêm bộc bạch.
Dần dà, bà con trong làng bắt đầu tiếp cận ngoại ngữ, khăn gói đi học tiếng Anh để giao tiếp với du khách. Nhiều nông dân trong làng nói tiếng Anh sành sỏi không thua gì đội ngũ lao động làm trong ngành du lịch. Và có lẽ nghề trồng rau kết hợp làm du lịch từ đó được hình thành như một lẽ tất yếu và trở thành nét đặc trưng của làng rau Trà Quế” – ông Bạn cho biết.
Với 750m2 đất canh tác, trung bình một tháng vợ chồng ông Bạn “bỏ túi” trên dưới 15 triệu đồng nhờ xuất bán các loại rau ăn lá như: Xà lách, cải, húng quế, diếp cá… Đó còn chưa kể khoản thu nhập đến từ việc hướng dẫn du khách học làm nông dân.
“Nói không phải phụ chứ nhờ nghề này mà vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con gái ăn học thành tài. Cả ba đều đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Riêng cô con gái út hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Và dĩ nhiên, trong các điểm tham quan nổi tiếng của Hội An mà con gái giới thiệu cho du khách, Trà Quế luôn xếp hàng đầu. Tôi lấy làm tự hào về điều này” – ông Bạn hồ hởi.
Nhắc đến nghề trồng rau kết hợp phát triển du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau Trà Quế Xanh cho hay, hiện tại, thôn Trà Quế với tổng cộng 293 hộ nhưng có tới 205 gia đình sống dựa vào nghề trồng rau sạch. Trong đó, gần 40 hộ nằm trong Tổ du lịch cộng đồng.
“Những gia đình tham gia Tổ du lịch cộng đồng ngoài trồng rau sạch bán thì còn kiêm thêm việc trình diễn, hướng dẫn cho du khách cách vun đất, gieo hạt… Với mỗi lượt khách, hộ dân sẽ nhận được 5 nghìn đồng. Thời điểm khách đông, mỗi ngày một hộ dân thu vào cả triệu đồng là chuyện bình thường (bao gồm cả khoản tiền khách bồi dưỡng thêm).
Để trau dồi vốn ngoại ngữ phục vụ cho việc phát triển du lịch, thỉnh thoảng chính quyền địa phương lại mở ra các lớp giảng dạy tiếng Anh cho bà con. Dĩ nhiên, không ai khác, đội ngũ làm du lịch cũng chính là những nông dân của làng” – bà Thanh nói và thông tin thêm, Hợp tác xã của bà hỗ trợ người dân trong việc phân phối sản phẩm tại các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng, Quảng Nam. Đặc biệt, giá rau mang thương hiệu Trà Quế thường nhỉnh hơn rau thường từ 5-10 nghìn đồng/kg. Doanh thu bán rau kết hợp làm dịch vụ du lịch từ nghề nông đã giúp bà con Trà Quế vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam trao quyết định công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống làng rau Trà Quế. Đầu năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với UBND TP Hội An tổ chức khai trương điểm tham quan trải nghiệm làng rau Trà Quế. Với giá vé 35 nghìn đồng, khách tham quan được trải nghiệm quy trình trồng rau của người dân Trà Quế, tham quan các điểm di tích trong làng… Hằng năm, làng rau Trà Quế đón hàng vạn lượt khách tham quan.
Năm 2022, nghề trồng rau Trà Quế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nằm ở hạng mục tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.