Fan Xiaotong, một học sinh cấp hai đến từ Thượng Hải, thích chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ, căng thẳng về bài kiểm tra cho đến ăn món gì đó ngon miệng.

Tuy nhiên, “bố mẹ” mà cô bé đang liên lạc không thực sự là gia đình ruột thịt, thậm chí Fan còn không biết tên thật của họ, chỉ biết đối phương là hai vợ chồng sở hữu kênh Douyin (TikTok Trung Quốc) sáng tạo nội dung nuôi dạy con cái.

Fan đã trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt đến mức coi họ như bố mẹ của mình bởi phong cách nuôi dạy con cái tích cực, tình cảm - kiểu mà em chưa từng trải qua ở nhà.

Cô bé biết rằng “bố mẹ” ấy hầu như không biết mình là ai và họ thường không trả lời tin nhắn của em. Nhưng Fan không quan tâm, em thích cảm giác được chia sẻ tình cảm của mình với hai người và cảm giác hồi hộp khi thỉnh thoảng nhận được câu trả lời khích lệ.

Fan không hề đơn độc. Số lượng kênh sáng tạo nội dung nuôi dạy con cái trên mạng xã hội Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây, nhưng khán giả của nội dung này thường không phải là các bậc cha mẹ đang tìm kiếm lời khuyên, mà lại là thanh niên trẻ.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy không thể kết nối với bố mẹ và coi những người sáng tạo nội dung này như nguồn tình cảm gia đình thay thế. Giống như Fan, em xem những người này như bố mẹ, trút hết nỗi lòng qua những dòng tin nhắn.

Lạ đời nhiều thanh niên Trung Quốc lên mạng nhận TikToker làm bố mẹ để an ủi sự thiếu thốn tinh thần- Ảnh 1.

Kênh tài khoản mà cô bé họ Fan theo dõi

“Bố mẹ online”

Fan, cô học sinh cấp hai nói rằng em cảm thấy xa cách về mặt tình cảm với cha mẹ ruột của mình, họ đã ly hôn vài năm trước. Sau đó, em sống với bố một thời gian rồi chuyển về ở với mẹ.

Tuy nhiên, Fan vẫn cảm thấy lạ lẫm khi ở cạnh mẹ sau một thời gian dài xa cách. Em không cảm thấy mẹ thực sự lắng nghe mình trong một lần trải lòng về chứng lo âu, bà cho rằng em chỉ làm quá lên mà thôi.

Sau đó, Fan đã tìm thấy một kênh Douyin. Cặp vợ chồng này đã thu hút người xem bằng những video dễ thương ghi lại sự tương tác hàng ngày giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt là hai vợ chồng này luôn chọn tình yêu thương thay vì các phương pháp nuôi dạy con truyền thống, kỷ luật.

Một đoạn clip gây ấn tượng với Fan nhất là họ đã gửi gắm lời xin lỗi chân thành đến con của họ vì đã gây áp lực buộc con phải cố gắng kiếm được một công việc ổn định, an toàn.

Những nội dung kiểu như vậy bị nhiều người “bóc” là diễn và chưa chắc là sự thật. Nhưng giọng điệu và thông điệp đầy cảm xúc đã đánh trúng tâm lý khao khát yêu thương của nhiều người xem, trong đó có Fan.

“Như thể tìm ra con đường mới để nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà bạn không thể có được trong cuộc sống thực”, cô bé họ Fan nói.

Lạ đời nhiều thanh niên Trung Quốc lên mạng nhận TikToker làm bố mẹ để an ủi sự thiếu thốn tinh thần- Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình từ clip hai vợ chồng nhảy dưới ánh đèn gửi lời xin lỗi đến con của họ

Nỗi đau dần tăng

Thời gian trôi qua, xu hướng “bố mẹ online” vẫn tiếp tục phát triển. Một loạt các cặp vợ chồng trung niên khác đã xây các kênh tương tự để chia sẻ mối quan hệ cha mẹ và con cái. Và họ cũng đang tìm kiếm lượt tương tác và người theo dõi.

Zhang Peixian, 35 tuổi, cũng đã nhận một số TikToker sáng tạo nội dung nuôi dạy con cái làm “cha mẹ online”. Giống như Fan, cô xem đây như một hình thức an ủi để giúp bù đắp cho sự thiếu quan tâm từ nhỏ.

Ngôi nhà thời thơ ấu của Zhang không phải là nơi hạnh phúc. Zhang cho biết bố thường xuyên đánh mẹ và cô cũng chưa bao giờ phát triển mối quan hệ gần gũi với cả hai người. Đó là lý do tại sao cô thấy nụ cười vui vẻ của “bố mẹ online” thật đáng quý. Cô nói: “Cả đời tôi chưa bao giờ thấy mẹ cười như vậy”.

Wu, một bà mẹ 43 tuổi có hai con trai, bắt đầu sáng tạo nội dung về cuộc sống gia đình của mình vài tháng trước và đã thu hút được hơn 70.000 người theo dõi trên Xiaohongshu.

Nhiều người theo dõi đã coi cô là “bố mẹ online” và Wu hiện nhận được hàng tá tin nhắn mỗi ngày. Trong số họ là những đứa trẻ đang phải vật lộn với khó khăn về sức khỏe tinh thần và hoàn cảnh gia đình đau buồn.

Những câu chuyện của họ thường khiến Wu bị sốc: Một cậu bé nói rằng bố chỉ cho phép em tắm vào những thời điểm nhất định và sẽ đánh đập nếu không vâng lời ông; một cô bé cho biết bố mẹ đã thúc ép em học nhiều giờ mỗi ngày, mặc dù biết rõ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tim bẩm sinh. Nhiều lần, Wu đã nhận được tin nhắn từ người theo dõi nói rằng họ đã lên kế hoạch kết liễu đời mình.

Wu cho biết: “Sự xuất hiện của 'bố mẹ online' là một điều rất đáng buồn đối với xã hội, vì mọi người chỉ tìm đến cha mẹ trong thế giới mạng khi cha mẹ thực sự của họ không hoàn thành vai trò của mình”.

Wu trả lời tất cả tin nhắn cô nhận được bất cứ khi nào có thể. Cô tin rằng người hâm mộ của mình đang cố gắng tìm kiếm sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ. Cô nói: “Những thay đổi có thể xảy ra nếu họ được lắng nghe và nhận được phản hồi”.

Lạ đời nhiều thanh niên Trung Quốc lên mạng nhận TikToker làm bố mẹ để an ủi sự thiếu thốn tinh thần- Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình của tài khoản “bố mẹ online”

Đối với Yu Zehao, một nhà trị liệu tâm lý ở thành phố Vũ Hán, “bố mẹ online” đang gia tăng vì họ lấp đầy lỗ hổng chung trong đời sống tình cảm của nhiều đứa trẻ. Trong khi nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc thường tập trung vào việc dạy con tính kỷ luật thì “bố mẹ online” lại đưa ra sự hỗ trợ về mặt tinh thần.

Yu nói: “Chúng tôi được dạy để trở thành một cá nhân phù hợp với yêu cầu của xã hội, giống như một bánh răng trong cỗ máy, vì các bậc cha mẹ tin rằng nếu con cái không tuân thủ một số quy tắc nhất định, chúng có thể gặp bất hạnh trong tương lai”.

Nhưng Yu lo ngại về xu hướng này: Mặc dù “bố mẹ online” có thể có tác dụng an ủi, đặc biệt đối với những người trẻ đang phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng về mặt cảm xúc, nhưng vẫn có nguy cơ làm con người ta xa rời thực tế.

Sau đó, có những rủi ro mà trẻ gặp phải khi thiết lập mối quan hệ thân thiết với người lạ trên mạng. Điều gì sẽ xảy ra nếu “bố mẹ online” không phải là người như họ nói?

Vào cuối tháng 2, một người có ảnh hưởng về nuôi dạy con cái với hơn 100.000 người theo dõi trên Xiaohongshu bất ngờ bị khóa tài khoản, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và đồn đoán. Vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng nhiều người hâm mộ cho rằng các bài đăng được viết dưới góc nhìn của một người cha đang nuôi dạy một cô con gái tuổi teen thực ra là do chính cô con gái viết.

Nhưng Fan, cô bé 13 tuổi, dường như không hề lo ngại việc “bố mẹ online” của mình có thể là kẻ mạo danh. Em nói: “Điều quan trọng là họ mang lại cho em lợi ích tinh thần nhất định”.

Nguồn: Sixth Tone