Nga là một quốc gia với những điều lý thú và hài hước đến nỗi khó tin. Nhắc đến Nga, người ta sẽ nhớ ngay đến loài gấu như một biểu tượng không thể nhầm lẫn vào đâu được. Thế nên bức ảnh một con gấu Bắc Cực được cho là xuất hiện trên đường phố nước Nga khiến đông đảo dân mạng tin răm rắp. 

Lạ đời với chuyện "thường ngày ở huyện" tại Nga: Gấu Bắc cực khổng lồ thản nhiên bước xuống từ xe buýt trong... sự bình thản của người đi đường - Ảnh 1.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018 khi một bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội với hàng loạt những caption hài hước, đơn cử như "Một ngày bình thường như bao ngày ở Nga", "Chiếc xe buýt này thật là không thể chịu nổi (chơi chữ "unBEARable"), "Xin hãy thông cảm cho vị hành khách có phần hơi thô bạo này của chúng tôi"...

Bức ảnh con gấu Bắc Cực bước xuống xe buýt trông thật đến nỗi không có một dấu vết chỉnh sửa nào. Mọi người dường như chỉ dồn hết mọi sự chú ý vào con gấu đến nỗi bỏ qua thái độ bình thản của 2 người phụ nữ đi đường. Nếu gấu Bắc Cực thật xuất hiện thì ai có thể giữ được bình tĩnh như thế?

Và đúng như vậy, trong ảnh không phải là gấu thật. Thực tế, con gấu đó là một con thú bông được biết đến với cái tên "gấu Bắc Cực Paula" đang bước xuống chuyến xe buýt tại thành phố Brno thuộc nước Cộng hòa Séc. Đây là hoạt động thuộc chiến dịch "Cứu lấy gấu Bắc Cực" bởi Tổ chức Hòa bình xanh. 2 thành viên của Tổ chức Hòa bình xanh nhận trách nhiệm điều khiển con gấu từ bên trong, đi diễu hành khắp mọi nơi để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề biến đổi khí hậu và tràn dầu ở Bắc Cực.

Lạ đời với chuyện "thường ngày ở huyện" tại Nga: Gấu Bắc cực khổng lồ thản nhiên bước xuống từ xe buýt trong... sự bình thản của người đi đường - Ảnh 2.

Trên Facebook, Tổ chức Hòa bình xanh cũng nhiều lần đăng tải ảnh của chú gấu Bắc Cực "giả" Paula. Theo bài đăng của tờ Centrum News vào năm 2015, con gấu trông như thật này đã khiến không ít các hành khách hoảng sợ khi nó đi diễu hành trong siêu thị tại Židenice, đến nỗi cảnh sát cũng bị đánh lừa.

Gấu Bắc Cực Paula cũng đi đến nhiều thành phố trên thế giới, bao gồm Nhà thờ chính tòa Canterbury, Anh. Ngoài ra, hình ảnh của nó còn được sử dụng trong phim ngắn có sự tham gia của Jude Law để quảng bá chiến dịch "Cứu lấy gấu Bắc Cực" của Tổ chức Hòa bình xanh.

(Nguồn: Snopes)