Món ngon ngừa được cả ung thư giá chỉ vài ngàn đồng ấy không gì khác chính là món đậu phụ. Ở nước ta, đậu phụ có mặt trên khắp bàn ăn từ bình dân đến sang trọng. Thế nhưng nguồn gốc của món đậu phụ lại bắt nguồn từ Trung Quốc.
Từ 2000 năm trước, người dân Trung Quốc đã làm ra một chế phẩm từ đậu nành và đặt tên là đậu phụ. Sách cổ Trung Quốc còn ghi đậu phụ bổ dưỡng sánh ngang thịt dê.
Sách Trung dược học bản thảo cho hay, đậu phụ có công dụng khoan trung, ích khí, điều hòa tỳ vị, làm tiêu chứng đầy bụng, hạ trọc khí ở đại tràng. Cũng bởi vậy, nếu ta ăn đậu phụ mỗi ngày thì cơ quan tiêu hóa sẽ mạnh khỏe, thải độc rất nhanh ra khỏi cơ thể.
Theo y học hiện đại, đậu phụ đem lại một số lợi ích sau cho cơ thể như sau:
1. Ngăn ngừa bệnh tim
Trang The Health Site của Mỹ cho biết, món đậu phụ là chế phẩm của đậu nành. Mà đậu nành lại chứa lượng lớn isoflavone, chất này có tác dụng làm giảm mức độ cholesterol xấu hoặc lipoprotein mật độ thấp trong cơ thể, cũng vì vậy mà nó có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch.
2. Giảm triệu chứng tiền mãn kinh khó chịu
Đậu phụ được biết đến là một món ăn giàu canxi, vô cùng có lợi cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Ăn nhiều đậu phụ giúp làm giảm các cơn nóng trong người, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, viêm khớp dạng thấp.
3. Ngừa rụng tóc
Theo nghiên cứu, tóc thường được hình thành từ một loại protein là keratin. Nếu ăn đậu phụ, mái tóc sẽ được cung cấp protein cần thiết và luôn khỏe mạnh.
4 . Phòng trị ung thư
Vốn có nguồn selen dồi dào cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đậu phụ giúp hệ thống miễn dịch hoạt động đúng đắn, ngăn ngừa ung thư đường ruột. Theo nhiều nghiên cứu, ăn ít nhất 10mg đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành mỗi ngày có thể làm giảm tái phát ung thư vú tới 25%.
Đậu phụ trong y học cổ truyền bổ dưỡng như thế nào?
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, theo quan niệm của y học cổ truyền, đậu phụ vị ngọt, tính mát, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng, có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham. Do vậy, ngoài tác dụng là thực phẩm ra, đậu phụ còn có tác dụng làm thuốc hỗ trợ cho việc phòng và trị bệnh rất hiệu quả. Cách làm như sau:
Đậu phụ nấu dưa cải
Chuẩn bị: Đậu phụ 2 miếng, dưa cải 150g.
Cách làm: Dưa cải rửa sạch ngâm nước lạnh vớt ra vắt khô nước cắt nhỏ. Đậu phụ cắt nhỏ mỏng (dài 3cm, rộng 1,5cm, dày 1cm) nhúng nước sôi vớt ra để ráo nước. Cho dầu vào nồi cho sôi rồi cho hành, gừng đảo qua, cho dưa vào xào đều, cho đậu phụ. Đổ nước không ngập đậu phụ. Đun lửa to cho sôi rồi rút lửa nhỏ cho chín đậu nêm gia vị.
Tác dụng : Phụ nữ ăn món này được bổ sung canxi chống loãng xương và sắt chống thiếu máu cho cả mẹ lẫn con. Món canh dưa này nếu có thêm đầu cá sẽ tăng thêm vị ngon và bổ.
Đậu phụ xào rau chân vịt (cải bó xôi)
Chuẩn bị: Đậu phụ khô 2 miếng. Rau chân vịt 500g, dầu lạc hoặc dầu vừng 40g, gia vị.
Cách làm: Đậu phụ khô rửa sạch, cắt miếng nhỏ hoặc đậu phụ tươi thái mỏng rán (lướt ván). Xào qua đậu phụ trước rồi mới cho rau chân vịt (đã thái nhỏ) vào xào cho đến khi rau có màu xanh thẫm thì nêm gia vị đảo đều nhấc ra.
Tác dụng: Rau chân vịt cung cấp thêm canxi, sắt và vitamin C nên rất có lợi cho sức khỏe sản phụ mang thai thời kỳ cuối.
Cháo đậu phụ đường phèn
Chuẩn bị: Đậu phụ khô 2 miếng, đường phèn 150g, gạo tẻ 100g.
Cách làm: Đậu phụ thái nhỏ, nấu cháo nhừ rồi cho đậu, đường vào nấu chín đậu. Ăn nóng.
Tác dụng: Cháo có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng vị, tiêu đàm, chỉ khát. Dùng thích hợp cho phụ nữ mang thai ho, sốt, ra mồ hôi.
Lưu ý: Dù đậu phụ đem lại rất nhiều tác dụng sức khỏe cho phụ nữ xong lương y Bùi Đắc Sáng cho biết món ngon này đàn ông nên hạn chế dùng bởi nó có thể gây rối loạn tình dục ở nam giới như làm thay đổi lượng testosterone, giảm ham muốn "yêu", số lượng và chất lượng tinh trùng.
Ngoài ra, phụ nữ cũng nên ăn đậu phụ điều độ, không nên quá nhiều kẻo hình thành sỏi thận. Nguyên nhân là trong đậu phụ rất giàu oxalat, chịu trách nhiệm gây ra sỏi thận.
Theo kết luận của một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Agriculture and Food Chemistry (Mỹ), sau khi oxalat được hấp thụ vào cơ thể từ đậu phụ, nó được bài tiết vào nước tiểu nhưng không thể chuyển hóa. Trong nước tiểu, nó kết hợp với canxi để tạo thành dạng muối không hòa tan của canxi oxalat, kết tủa tạo thành sỏi thận.