Bé Leighton chào đời vào năm 2018 và chỉ nặng có 760g. Các bác sĩ cho biết Leighton "không thể sống nổi" và thậm chí còn hỏi cha mẹ bé rằng liệu họ có nên nỗ lực cứu sống bé khi mọi chuyện xấu đi không.

"Bác sĩ liên tục hỏi chúng tôi: 'Anh chị chắc chứ? Anh chị có chắc không?'", mẹ bé Leighton - cô Bree Vine, chia sẻ với trang 7 News. "Họ nói với tôi rằng, con có thể xuất viện nhưng sẽ kèm theo những vấn đề khó khăn lâu dài".

Trên thực tế, Leighton đã sống sót. Bé được giữ trong một chiếc túi nhựa chứa đầy khí oxy để trợ giúp cho lá phổi còn non yếu của Leighton.

"Tôi đã rất sợ hãi", cô Bree tâm sự. "Tôi có cảm giác chỉ cần chạm nhẹ vào con là cũng có thể làm con vỡ tan. Con quá nhỏ bé, quá mong manh".

Lạ lùng bé sinh non nhỏ tới mức phải được nuôi trong... túi nhựa để có thể sống sót - Ảnh 1.

Leighton sinh ra chỉ nặng có 760 gram

Việc sử dụng túi nhựa làm lồng ấp cho bé sơ sinh không phải công nghệ mới. Các nhà nghiên cứu Đại học Tây Australia đã thử nghiệm túi nhựa lồng ấp trên cừu kể từ năm 2017. Kết quả thử nghiệm thậm chí còn làm kinh ngạc ngay cả nhóm nhà khoa học Đại học Tây Australia.

"Chúng ta đang ngày càng đạt nhiều tiến bộ hơn trong việc duy trì những trường hợp sinh non có cân nặng cực kỳ thấp", Phó giáo sư Matt Kemp thuộc Tổ chức Nghiên cứu Phụ nữ và Trẻ sơ sinh cho biết. "Chúng tôi đã trải qua 48 tiếng, sau đó là 1 tuần và rồi 2 tuần. Thế rồi, chúng tôi có thể nói với nhau rằng: 'Được rồi, hãy bắt đầu hướng mục tiêu tới những bào thai nhỏ hơn nhiều'. Chúng tôi rất háo hức trước triển vọng phát triển của công nghệ này trong vòng 3-4 năm tới".

Các em bé chào đời ở tuần thai thứ 23 thường được đặt trong lồng ấp và nối với máy thông khí để giúp bé thở được. Theo Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), cách làm này có thể gây tổn thương cho sự phát triển phổi của bé.

Lạ lùng bé sinh non nhỏ tới mức phải được nuôi trong... túi nhựa để có thể sống sót - Ảnh 2.

Con của cô Bree - bé Leighton chào đời sớm 17 tuần

"Độ tuổi thử thách mà chúng tôi cố gắng để cứu sống là bé sinh ở tuần thai 23, 24. Bé sẽ phải đối mặt với thử thách thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung và hít thở không khí khi chưa sẵn sàng để làm được điều đó", Tiến sĩ Emily Partridge - nhà nghiên cứu, chia sẻ với BBC.

Tuy nhiên, công nghệ mới này có thể thay đổi thực trạng trên. "Điều chúng tôi vô cùng hứng thú muốn thực hiện không chỉ là giúp các bé sống sót mà còn phải sống một cách thực sự khỏe mạnh, từ đó dẫn tới những kết quả tối ưu cho những em bé sinh non", Phó giáo sư Kemp khẳng định.

Lạ lùng bé sinh non nhỏ tới mức phải được nuôi trong... túi nhựa để có thể sống sót - Ảnh 3.

Leighton hiện giờ đã là bé trai 8 tháng tuổi khỏe mạnh.

Giờ đã là một bé trai 8 tháng tuổi khỏe mạnh, Leighton là một trong những bé sinh non nhỏ nhất có thể sống sót ở Tây Australia. Mẹ bé đã phải chờ đợi 5 ngày để có thể lần đầu ôm con và 121 ngày để có thể đón bé về nhà. Người mẹ trẻ tự hào chia sẻ: "Leighton còn hơn một phép màu. Ngay cả bác sĩ cũng nói con đã làm được điều không tưởng".

Nguồn: Kidspot, Thewest