Anh Trần Văn Nhân (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cách đây một tuần anh đã xuống tiền mua căn nhà tại Ngũ Nhạc (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai). Căn nhà này được chủ rao bán cả năm nay nhưng vẫn không có khách mua mặc dù giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.
Lý do là bởi lưng của căn nhà tiếp giáp với một khu nghĩa trang rộng lớn. Tuy nhiên, khi xây dựng, chủ nhà đã bịt kín mặt "view nghĩa trang" nên bình thường gần như không ai phát hiện ra được điều này.
“Tôi xác định mua nhà để ở lâu dài, chứ không mua đi bán lại, nên căn nhà chỉ cần chất lượng tốt, giá rẻ là được. Còn vị trí sát nghĩa trang thì tôi không quá quan tâm vì ở Hà Nội nhiều dự án cao cấp còn cạnh nghĩa trang, thậm chí nằm trên đất nghĩa trang đã di dời”, anh Nhân nói.
Cũng theo anh Nhân, chỉ nhà đầu tư, đầu cơ mới quan tâm nhiều đến vị trí cạnh nghĩa trang vì sau này họ bán sẽ khó và có thể bị ép giá. Còn với người mua vì nhu cầu ở thực thì sẽ có nhiều cách để hạn chế nhìn sang nghĩa trang cũng như có những biện pháp mang ý nghĩa phong thủy để giải tỏa mối lo về tâm lý.
Giống anh Nhân, chị Hà Nguyệt Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị cũng vừa chốt mua một căn nhà 40m2 tại phố Nam Dư (Hoàng Mai, Hà Nội) - vị trí này gần khu nghĩa trang rộng lớn. Chị Nga chia sẻ, nhà đất gần nghĩa trang là một trong những vấn đề nhạy cảm và thường khó bán. Nhưng cũng vì thế mà những căn nhà này đều có mức giá thấp hơn hẳn so với các vị trí khác. Vì vậy, vẫn có người sẵn sàng mua vì mức giá hời.
Ngoài ra, lý giải về việc mua nhà tại Nam Dư, chị Nga cho hay, theo quy hoạch, khu nghĩa trang cạnh căn nhà chị vừa mua sẽ di dời để mở đường, lúc đó giá nhà của chị sẽ tăng, chắc chắn sẽ có lời.
“Cạnh nghĩa trang thì ai cũng băn khoăn khi mua nhưng đất không thể nảy nở, sinh sôi thêm được nên khi nguồn đất hạn hẹp, khan hiếm thì vẫn có người mua để né giá cao vọt trên thị trường. Và ở lâu sẽ thành quen, không còn quá để ý đến vị trí nữa. Hơn nữa, nếu nghĩa trang có quy hoạch di dời thì mua đầu tư hoặc ngay cả mua để ở nhưng sau bán đi chắc chắn sẽ có lời lớn”, chị Nga nói.
Thực tế, nhiều khu đô thị, dự án nhà ở cao cấp tại Hà Nội cũng trong cảnh “sống cùng nghĩa trang” như khu đô thị Nam Thăng Long, Việt Hưng, Pháp Vân- Tứ Hiệp, Văn Quán - Yên Phúc, Mỗ Lao...
Ciputra, một trong những khu đô thị hạng sang của Hà Nội cũng đang vướng một nghĩa trang lớn ngay bên cạnh dự án. Để hạn chế tầm nhìn, chủ đầu tư đã cho xây dựng tường cao ngang ngửa với tầng hai của những ngôi biệt thự.
“Dù cạnh nghĩa trang nhưng giá tại những khu đô thị này không hề rẻ, cho thấy việc nhà ở cạnh nghĩa trang tại Hà Nội giờ không phải là điều lạ và bị kỳ thị như xưa, chị Nga chia sẻ.
Anh Trần Minh Hùng, một môi giới nhà đất ở quận Hoàng Mai cũng cho hay, nhiều người thậm chí còn tìm mua nhà đất gần nghĩa trang để kinh doanh buôn bán như các dịch vụ hương hoa, vàng mã...
“Nghe thì vô lý nhưng nhiều khách hàng chấp nhận mua nhà gần nghĩa trang vì giá thì rẻ, lại có thể kinh doanh”, anh Hùng nói.
Ngoài ra, gần đây anh Hùng thấy nhiều nhà đầu tư tới mua qua bán lại hoặc mua đất gần các khu nghĩa trang để đợi lên giá rồi bán kiếm lời. Các hộ dân bây giờ đều có nước máy để sử dụng rồi nên cũng không phải lo việc nguồn nước không đảm bảo nữa.
Các chuyên gia bất động sản cho hay, theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, cạnh các làng, xã thường có các khu nghĩa trang của làng để tiện việc chăm sóc và hương khói cho người thân đã mất. Các khu nghĩa trang này thường nhỏ, lẻ và hiện tại không nhận chôn mới vì vậy không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như vấn đề về ô nhiễm.
Còn các nghĩa trang lớn hiện nay thì đều được quy hoạch bài bản, hợp vệ sinh, đảm bảo môi trường sống. Vì thế, quan điểm về mua nhà gần nghĩa trang của người dân đã dần thay đổi.
Chia sẻ về xu hướng này, Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường - cho rằng, xét về khoa học thì việc dự án bất động sản gần nghĩa trang hay nhìn ra nghĩa trang không có ảnh hưởng gì.
“Nhiều nghĩa trang lớn như nghĩa trang Văn Điển, Mai Dịch chẳng hạn có biết bao nhiêu ngôi nhà nhìn vào, chẳng nhẽ tất cả đều "có vấn đề"?. Do vậy về nguyên tắc không có cái quy luật chung nào khẳng định cứ nhìn ra nghĩa trang là xấu”, ông Võ nêu quan điểm.
Ông Võ lấy ví dụ ở phương Tây nghĩa trang chính là cái sân của nhà thờ. Cạnh nhà thờ người ta xây san bằng hết, chỉ có bia nhô lên và trồng cỏ như không có mộ ở đó. Một số nơi còn quy hoạch nghĩa trang thành công viên hoặc là khu tưởng niệm để người dân đến chơi.
Ngoài ra, trước đây, nhiều người lo sợ ở gần nghĩa trang thì nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng hiện tại các hộ gia đình đều sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà, không phải là giếng nước ngầm tại khu vực nên không thể bị ô nhiễm được.