Năm 2018, lẽ ra chỉ mất thêm 2 năm nữa là cậu sinh viên Vũ Thành Đạt đã có thể trở thành cử nhân chuyên ngành International Business của trường Đại học Hoa Sen nhưng cuối cùng 9x lại là một ví dụ xác thực cho với câu nói: “Nghề chọn người chứ người không chọn được nghề". Quyết định bảo lưu kết quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau 3 năm “làm nông dân”, Vũ Thành Đạt hiện đang là chủ của 2 trại dúi, một ở ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, một ở Bình Phước.
Chọn loại động vật sống hoang dã, ít người biết, khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nhưng nhờ sự quyết tâm, Đạt đã biến dúi thành sản phẩm mang lại nhiều giá trị kinh tế, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19.
Đạt sinh năm 1998 nhưng hiện tại đang là chủ của 2 trang trại dúi, có nơi khai trương trong mùa dịch.
CÁCH MỘT CẬU SINH VIÊN TRỞ THÀNH... CHỦ CỦA 2 TRANG TRẠI DÚI GIỐNG, DƯ SƯƠNG SƯƠNG VÀI CHỤC TRIỆU MỖI THÁNG
“Em đi dã ngoại ở Bình Định, vô tình thấy người dân đào được con này, vừa lạ vừa hay, nên đem về nuôi thử, rồi một thời gian sau nó sinh sản, cứ như thế em nhân giống và nuôi đến nay. Em thích con dúi này ở điểm nuôi nó rất sạch, phân em không phải dọn nhiều, chuồng trại cứ cách ngày lại dọn, không có mùi hôi, đặc biệt là ít người nuôi”, Đạt kể lại thời điểm lần đầu tiên bén duyên với con dúi.
Không theo bất kỳ biểu mẫu nào, Vũ Thành Đạt cứ như thế mà bắt tay vào việc “trở thành một nông dân". Điều mà trước đó, ba mẹ hay ngay cả chính bản thân chàng thanh niên sinh năm 1998 này cũng chưa từng nghĩ đến.
Đạt mua 10 cặp dúi, bỏ hơn 2 năm để học “bài học vỡ lòng" về chăn nuôi. Khởi nghiệp với Đạt ngay lúc này không chỉ đơn thuần là thử thách, trải nghiệm mà còn là câu chuyện để đời, nghĩa là dùng mọi cách để khắc phục kết quả, sai ở đâu khắc phục ở đó, hụt chỗ nào, dùng thời gian lắp đầy vào chỗ đó chứ không có chuyện dừng lại.
Trại dúi mới xây lại của Đạt ở Sài Gòn vừa khai trương trước giãn cách.
“Cách đây 3 năm, khi em bắt đầu, mô hình chăn nuôi dúi vẫn còn là một mô hình mới ở phía Nam. Do điều kiện thời tiết ở miền Nam khá nóng, người dân thường áp dụng các mô hình chăn nuôi truyền thống như gia cầm, gia súc, trăn,... Em không đi con đường người ta đã dọn sẵn. Khi có hứng thú và bắt đầu tìm hiểu về dúi, em nhìn thấy được tiềm năng kinh tế của nó và bắt đầu thử sức.
Thế nhưng, khí hậu miền Nam khiến cho việc nuôi dúi gặp khá nhiều khó khăn. Em nghĩ ra cách lắp máy lạnh, tạo ra hệ thống chuồng khép kín, không gian tối, đáp ứng theo điều kiện sinh tồn của dúi rừng. Cứ như thế mà em giải quyết được 50% vấn đề”.
Dúi là động vật hoang dã, được xem như “đặc sản núi rừng". Muốn xây dựng một môi trường nông nghiệp (hình thức trang trại) cho dúi, Đạt phải đảm bảo nguồn gốc dúi hợp pháp, đã được thuần chủng, thực hiện đúng các quy định về môi trường nuôi nhốt và kiểm dịch.
Hiện, Đạt đang đứng ra cung cấp giống, bổ trợ kiến thức, giúp nhiều người mở trang trại nuôi dúi tương tự ở khu vực phía Nam. Trở thành điểm tập kết, bao tiêu thương phẩm đầu ra cho người nuôi.
Dúi tên thật là Chuột Tre, quê quán: sống ở hang sâu, khu vực miền núi, ghét ánh sáng, 3 đời thích gặm nhấm.
“Chỗ em có 2 loại giống, loại nhỏ, nếu tách đàn sớm thì nuôi trong vòng 6 tháng là có thể cho phối giống. Còn loại lớn là loại đang rơi vào mùa động dục, mua về trong vòng 1 tháng là có thể cho phối. Dúi phối giống trong vòng 10 ngày. Mang thai từ 45 - 50 ngày thì sinh sản”, Đạt nói.
Chàng thành niên 9x này cho biết, bất cập lớn nhất trong quá trình săn sóc dúi là vì bản tính hoang dã, khi đẻ dúi rất nhạy cảm, chúng thường ăn con non, vậy nên trong suốt thời gian dúi sinh sản, chủ trại phải theo dõi thường xuyên, liên tục, khi dúi con mạnh, lập tức tách đàn.
“Hiện tại, mỗi ngày em chỉ dành từ 1 đến 2 tiếng chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, có khi 2 hoặc 3 ngày em mới vệ sinh 1 lần. Còn về thức ăn em trữ sẵn bắp, tre, mía,... không phải tốn công sức nấu hoặc trộn, cứ đến lúc ăn chỉ cần cắt nhỏ và bỏ thẳng vào chuồng”.
Đạt cho biết, một cặp dúi giống có giá dao động từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với trọng lượng từ 3 lạng tới 1kg mỗi con. Theo tìm hiểu trên thị trường, giá thịt dúi chất lượng hiện tại dao động từ 700.000 đồng/kg - hơn 1.000.000 đồng/kg. Tại các nhà hàng, khu du lịch, giá thịt dúi thường rất cao từ 1.500.000 - 3.000.000 đồng/kg đã chế biến.
Mùa dịch các nhà hàng ngừng hoạt động, thu nhập của Đạt được cân bằng nhờ việc bán con giống. Rất may khi trong suốt thời gian giãn cách, nhiều người bắt đầu tìm hiểu và có hứng thú với mô hình nuôi dúi này.
Để đủ sản lượng dúi giống cung cấp cho khách, Đạt nhận bao tiêu từ nhiều nguồn khác nhau.
Trại dúi của Đạt ở Bình Phước.
LẮP MÁY LẠNH CHO TRANG TRẠI, GIAO DÚI BẰNG Ô TÔ, SẮM NHẸ SH… CHO MẸ ĐI CHỢ!
Có rất nhiều công việc "hái ra tiền" mà các cô, cậu thanh niên tầm tuổi Đạt nghĩ đến, và có khi họ cũng đã có được những sự thành công đầu tiên nhưng tuyệt nhiên rất ít trong số đó (nếu không muốn nói là hiếm) chọn việc làm… nông dân và gắn bó với nền nông nghiệp chăn nuôi.
Từ những khó khăn ban đầu về môi trường sống của loài dúi, chàng trai sinh năm 1998 cho rằng đó là một trong những bài toán mà bản thân mình phải giải quyết trước, việc lắp máy lạnh cho dúi là một ví dụ sáng suốt điển hình.
Tự chủ kinh tế, sắm hẳn ô tô ship dúi luôn... Sợ gì!
“Có một câu hỏi mà em tâm đắc, em luôn tự ngẫm, em cho rằng ai rồi cũng sẽ đứng trước câu hỏi này. Đó là câu:“Khi đối diện với một ý tưởng chưa ai làm, bạn nhìn thấy cơ hội, hay thấy khó khăn?”. Câu trả lời sẽ phân chúng ta làm 2 tuýp người. Nếu chỉ thấy khó khăn, bạn không làm được việc lớn. Còn nếu nhìn thấy cơ hội, bạn sẽ bị thử thách, thử thách này đưa bạn đến một kết quả mới”, Đạt chia sẻ về bài học của mình.
Hiện tại, sau hơn 3 năm nuôi dúi, cuối năm 2020, Vũ Thành Đạt đã cho khai trương trại dúi giống thứ 2 ở Bình Phước, sau đó anh chàng cũng cho xây lại trại dúi đầu tiên khang trang hơn. Trại dúi này thường tiếp khách ở các tỉnh lân cận đến tham quan dưới hình thức gia trại.
Độc lập kinh tế, Đạt mua xe tặng mẹ.
Vì phục vụ nhiều khách tỉnh với số lượng con giống khủng. Đạt tậu hẳn ô tô để giao dúi, một phần thuận tiện cho việc đi lại, mặt khác có thể tạo điều kiện cho dúi ở trong nhiệt độ mát suốt quá trình vận chuyển, tránh rủi ro.
Sau hơn 3 năm làm “nông dân", chàng trai đã có thể phụ giúp gia đình ở một số khoản. Cũng từ nguồn thu này, Đạt đã tặng mẹ một chiếc xe SH để… đi chợ đỡ vất vả.
“Định nghĩa "sự giàu có" có thể khác nhau với những người khác nhau, nhưng em tin rằng nó có nghĩa là có được sự tự do trong tài chính đủ để đạt được những mục tiêu của mình và sống một cuộc sống mình muốn”, Đạt nói.
KHÔNG PHẢI CÔNG CUỘC KHỞI NGHIỆP NÀO CŨNG MÀU HỒNG NHƯ KẾT QUẢ NÓ THỂ HIỆN
“Em nghĩ nếu mình tiếp xúc với cuộc sống chỉ bằng nỗ lực và suy tính của mình thì chưa đủ, sẽ luôn có những tình huống nằm ngoài khả năng xảy ra. Trong những tình huống này, nếu không nhờ sự cố gắng bền bỉ, đối mặt với những áp lực “hồng như lửa than đang cháy" thì nhiều khả năng em sẽ phải chịu đựng những sự bất mãn và buồn rồi bỏ cuộc”, Đạt nói như thế khi được chúng tôi hỏi về những khó khăn.
Đạt đã "gợi ý" thêm về những gì mà em ấy trải qua, khó khăn, thất bại, và sau đó là…
“Mọi người thường chỉ đánh giá một người thông qua kết quả họ đạt được. Những việc em làm, có kết quả nhưng lại không được đánh giá cao vì… em còn quá trẻ.
Em không biết ai đã đặt ra luật cho một người khởi nghiệp là không được thành công quá sớm, quá nhỏ, em chỉ muốn khẳng định rằng những gì em đang sở hữu không phải tự nhiên mà em có được, đó là cả một quá trình em phải trả giá bằng sức lực và toàn bộ quỹ thời gian của mình".
Thức ăn của dúi rất dễ kiếm, có thể tự trồng và dự trữ lâu ngày. Đạt hiện tại trữ nguồn thức ăn cho dúi đủ vượt qua mùa dịch.
Năm 2019, khi câu chuyện Đạt nghỉ học nuôi dúi được biết đến rộng rãi, ba mẹ đã ngăn cản rất nhiều vì cho rằng nó không mang lại tương lai cho cậu. Bẵng đi một thời gian, chàng trai sinh năm 1998 thuyết phục ba mẹ bằng kết quả hiện hữu và những giá trị kinh tế từ việc nuôi dúi đem lại.
Một năm sau đó, đa phần những người nuôi dúi ở khu vực miền Nam đều biết đến Đạt, thay vì được khen, 9x lại nhận không ít ý kiến trái chiều khi… tuổi trẻ mà kiếm được vài chục triệu quá sớm. Đạt tâm sự:
“Em gặp rất nhiều vấn đề xoay quanh con dúi. Nhưng chưa khi nào nghĩ là bỏ cuộc, vì mình không làm theo kiểu “ăn xổi ở thì". Hao hụt giống, chết giống là chuyện thường xuyên xảy ra, nếm trải hết cho đến hôm nay em vẫn mắc lỗi”.
"Có rất nhiều câu hỏi mà chính chúng ta tự đặt ra mỗi ngày. “Chắc là không được vì mình không có duyên đâu,“Sao làm cái này khó khăn quá”, "Sao môi trường này phức tạp quá?”, “Mình thà làm cái này còn hơn”,... nhiều vô kể. Nhưng chưa bao giờ tự hỏi: “Sao mình không đứng lên làm?”. Thà mình tự bực bội với bản thân mình mà vẫn giữ được danh hiệu “tài giỏi” còn hơn là phải hợp tác với người khác và thừa nhận rằng mình yếu kém!", Đạt nhắn nhủ.
Ông chủ 9x còn cho các hội nhóm nghiên cứu, tham qua trại dúi (ảnh trại dúi cũ ở Sài Gòn chụp trước giãn cách).