Trước tiên phải nói rằng Lost in Translation (Lạc lối ở Tokyo) không phải là một bộ phim dành cho tất cả mọi người, bởi chắc chắn không phải ai cùng tìm thấy thứ mà họ cần hoặc đồng cảm trong bộ phim này. Với riêng tôi, Lost in Translation giống như một chiếc thìa khuấy tung nỗi cô đơn đã đông cứng trong lòng mình trong một chốc lát.
Tôi nhìn thấy chính bản thân mình trong hình ảnh cô gái ngồi yên lặng đối diện với ô cửa kính nhìn ra toàn thành phố Tokyo rộng lớn, hay người đàn ông cô đơn và mệt mỏi gượng cười giữa những cái bắt tay, chào hỏi xã giao... Tôi thích bộ phim này bởi tất cả những gì mà nó thể hiện, đơn giản và tĩnh lặng đến tuyệt đối. Nó không phải là một giấc mơ hạnh phúc, đơn giản là hiện thực có đôi chút phũ phàng.
Lost in Translation (2003) trailer
Lost in Translation kể về hai người Mỹ khác nhau về mọi mặt gặp gỡ tại một khách sạn ở Tokyo. Một bên là Bob Harris (Bill Murray), một ngôi sao điện ảnh tới Tokyo để quay quảng cáo rượu và một bên là Charlotte (Scarlett Johansson), cô gái trẻ tuổi xinh đẹp đến đây cùng với người chồng nhiếp ảnh gia bận rộn.
Một người đã có vợ con, bắt đầu bước vào giai đoạn "khủng hoảng tuổi trung niên" đầy khó khăn và một người vợ trẻ tuổi cũng đang mất phương hướng trong cuộc hôn nhân đang phai dần sự thấu hiểu lẫn đồng điệu; một người đàn ông trông già nua, mệt mỏi và một người phụ nữ quyến rũ, bừng bừng sức sống... Họ không có điểm gì chung ngoài một nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thành phố Tokyo rộng lớn, trong những cuộc đối thoại bất đồng ngôn ngữ và những phù phiếm ồn ào cứ vùn vụt lướt qua.
Bob và Charlotte tìm thấy nhau bằng chính những tín hiệu cô đơn, lạc điệu mà họ phát ra. Hẳn khán giả nào xem phim cũng sẽ chờ đợi mối quan hệ của họ tiến triển: một cuộc tình nóng bỏng và vồ vập, hay đơn giản hơn là những kiếm tìm nhục dục giữa hai tâm hồn cô đơn đang tìm nơi nương tựa, giãi bày. Nhưng không có điều gì xảy ra, giữa hai con người này từ đầu đến cuối chỉ có sự sẻ chia, đồng điệu, có chăng là chút tình muộn màng mà họ tìm thấy trong mắt nhau lúc chia xa, nhưng cũng chẳng nói lên điều gì, khi hai người đi hai con đường riêng biệt, không có con đường nào dẫn họ đến với nhau...
Bởi tất cả những điều đó, Lạc lối ở Tokyo không phải là một câu chuyện lãng mạn kịch tính như nhiều người mong đợi, nó là một trải nghiệm cuộc sống, là chính hiện thực mà con người đang đối diện hàng ngày. Điều tôi thích ở bộ phim của đạo diễn Sofia Coppola đó chính là cô tạo ra các nhân vật rất thực, rất đáng tin.
Không giống như tình huống thường xảy ra trong các bộ phim khác, nhân vật nam và nữ chính của Lost in Translation không ngay lập tức nhận ra họ thuộc về nhau, cũng không cảm thấy sự cấp thiết của việc phải ở bên nhau. Nữ đạo diễn giữ cho họ một khoảng cách đủ dài để trò chuyện, cười nói, chia sẻ... như hai cá thể riêng biệt. Trong mối quan hệ ấy, họ dường như không nhận ra mình là đàn ông - đàn bà. Họ có thể cùng trò chuyện và ngủ qua đêm bên nhau mà thay bằng cảnh "giường chiếu" nóng bỏng chỉ là cảnh chạm nhẹ của bàn tay người đàn ông vào bàn chân của người đàn bà...
Bởi cũng như hiện thực, những con người như Bob hay Charlotte nhận thức một cách rõ ràng rằng họ không thuộc về nhau. Chút tình muộn màng của họ ở cuối phim đã kết thúc bằng lời thì thầm của Bob vào tai Charlotte trước lúc chia xa, một lời thì thầm dường như rất có ý nghĩa với cả hai nhưng khán giả lại không thể nghe thấy.
Cuộc sống này cũng vậy, hạnh phúc không phải muốn là được, tìm là thấy, thấy là có thể nắm lấy. Khao khát và thực tế vốn rất khác biệt và có rất nhiều khi người ta buộc phải bỏ qua những điều đẹp đẽ để lựa chọn một thứ ít đẹp đẽ hơn, từ bỏ một vài khao khát hay mơ mộng bởi những trách nhiệm và ràng buộc...
Lost in Translation thoại ít, chủ yếu đặc tả bởi hình ảnh và âm thanh, trong đó phần âm thanh được làm khá tốt, thể hiện rõ một Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung vừa ồn ào, náo nhiệt lại vừa tĩnh lặng, thâm trầm. Tokyo trong phim của Coppola được thể hiện vô cùng tinh tế xen lẫn chút giễu nhại nhẹ nhàng: một thành phố quốc tế sính ngoại nhưng không dùng tiếng Anh, thành phố của những môn nghệ thuật tao nhã như trà đạo, Ikebana nhưng cũng rất cởi mở với những câu lạc bộ sex show, những tụ điểm ăn chơi thâu đêm suốt sáng...
Thành phố Tokyo trong phim cũng giống như một xã hội hiện đại thu nhỏ, náo nhiệt, ồn ào, đủ loại giai cấp, tầng lớp, quan hệ, và rất nhiều nỗi cô đơn. Tôi thích cái cách mà Coppola để nỗi cô đơn ấy tỏa ra từ hai kẻ lạc lõng Bob và Charlotte. Nỗi cô đơn không chỉ xuất hiện khi họ ở một mình, lặng lẽ nhìn qua ô cửa kính ra thành phố rộng lớn, chơi golf trong phòng, xem lại những bức ảnh cũ, gọi điện thoại đường dài về nhà, liên tục chuyển kênh TV hay trằn trọc vì mất ngủ... Nỗi cô đơn còn hiện hữu ngay chính trong sự náo nhiệt của cuộc sống, là khi họ trở nên lạc lõng và tách biệt giữa đám đông. Họ gượng cười nói và cố gắng tập trung nhưng vẫn trở nên lạc điệu đến tội nghiệp...
Có bao nhiêu người trong chúng ta từng trải nghiệm nỗi cô đơn "không phải vì một mình" trong cuộc sống hối hả này như Bob và Charlotte? Nếu đã từng đi qua, hẳn bạn sẽ tìm được sự đồng cảm trong bộ phim giản dị tưởng như "không có gì" này.
Nếu đã xem Lost in Translation - Lạc lối ở Tokyo, chắc nhiều người sẽ tò mò về lời thì thầm lúc cuối phim Bob dành cho Charlotte: một lời tỏ tình, lời hẹn gặp lại, hay đơn giản chỉ là câu chào tạm biệt? Không ai biết được! Có lẽ hãy cứ để đó là một khoảnh khắc riêng tư bí mật giữa họ, và để Coppola kết thúc bộ phim của mình cũng nhẹ nhàng và giản dị như một lời thì thầm vậy thôi!