Ladakh là vùng đất thiêng liêng với hàng ngàn tu viện Phật Giáo cổ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, là tình yêu nhỏ bé dễ thương trong tôi, là một phiên bản vừa gai góc, khốc liệt, nhưng đầy cám dỗ, vừa hạnh ngộ, bao la, nhưng cũng bình dị đến nao lòng.
Ngay khi nghe tin tôi sẽ đi đến Ấn Độ, gần như tất cả người thân, bạn bè đều ra sức can ngăn vì nhiều tin tức tiêu cực người ta nghe được... Hơn hết thế giới này hẳn còn quá nhiều nước, quá nhiều nơi để đến ngoại trừ Ấn.
Khác với vẻ cằn cỗi như sa mạc, Ladakh đến gần đẹp như một bức tranh vẽ với những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa trên nền trời xanh ngắt một màu.
Tôi không chắc các nơi khác của Ấn Độ sẽ thế nào, chỉ biết, Ladakh, nơi tôi ấp ủ là nơi rất khác. Ladakh dường như là một phần rất khác Ấn Độ, cả về khí hậu lẫn văn hóa. Vốn được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng, Ladakh thân thiện, bình yên. Nơi đây cũng là vùng đất thiêng liêng với hàng ngàn tu viện Phật Giáo cổ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Khung cảnh tuyệt đẹp của Ladakh
Những người dân thân thiện ở nơi đây.
Ngay khi đặt chân lên máy bay để đến với Leh - thủ phủ vùng Ladakh, chúng tôi đã choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của các dãy núi tuyết trắng xóa với mây bao quanh tạo nên khung cảnh nửa thực nửa mơ bên ngoài ô cửa sổ máy bay. Để ngắm bình minh Ladakh từ trên máy bay, bạn nên đặt chuyến bay từ 6h-7h sáng, chọn hàng ghế cuối máy bay và bên phía tay trái nhé.
Dọc các con đường tại Ladakh hay trong các ngôi làng của người Ladakhi bạn sẽ gặp bao la cây táo, mơ, đào, nho... nặng trĩu quả. Thậm chí có cây chỉ thấy toàn là trái chi chít, không hề có 1 cái lá nào và vườn nhà ai cũng sẽ có ít nhất 1 cây như thế.
Người dân Ladakh dễ thương và hiếu khách cực kỳ. Khi nhận ra nhóm chúng tôi đang đứng nhìn cây táo lần đầu tiên trong đời được thấy, họ vui vẻ mở cửa mời cả nhóm vào nhà để tha hồ treo hái trái, thích bao nhiêu hái bấy nhiêu. Hiển nhiên tất cả là miễn phí! Họ tiếp đãi chúng tôi nhiệt tình như đang đón những người con xa quê mới về đất mẹ.
Ngoài táo ra thì mơ tại Ladakh có thể ví như cực phẩm và là một trong những thứ khiến tôi luôn luôn muốn quay lại Ladakh. Trái mơ vừa chín tới, vừa đủ độ mọng nước và đủ giòn để cho bạn cảm giác cắn ngập răng trong trái mơ, thơm phức mùi mơ chứ không hề nhạt nhẽo như mơ từ các nơi khác tôi từng được ăn trong đời. Đó là chưa kể tới hương vị ngọt thanh, rất ngọt nhưng lại cực kỳ thanh mát như chính khí hậu của vùng Ladakh này vậy.
Do được trồng trong điều kiện tự nhiên với đất núi rừng và nước suối, hoàn toàn organic không hề sử dụng 1 chút phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, bạn có thể hoàn toàn an tâm khi hái 1 trái mơ trên cành, quẹt quẹt vào áo cho có lệ rồi đưa lên miệng thưởng thức cái tinh túy của đất trời vùng cao. Tôi dám chắc đó sẽ là hương vị bạn mãi mãi không quên trong đời.
Rời Leh, chúng tôi di chuyển đến thung lũng Nubra trên những con đường uốn lượn dưới chân dãy núi tuyết với hai bên đường là hàng ngàn cụm cỏ khô vàng lá. Khung cảnh mê hoặc như trong những câu chuyện cổ tích tôi thường được nghe ngày thơ ấu.
Chẳng mấy chốc đã thấy trời Nubra xanh ngắt. Qua nhanh miền tuyết trắng, những rừng cây vàng lá ẩn hiện soi bóng bên dòng Shyok xanh ngắt lượn lờ cùng con đường làm chúng tôi háo hức, cứ vài km là chúng tôi lại dừng chân 1 một lần bên những cánh đồng yến mạch vàng ươm dưới chân núi tuyết. Ngồi nhâm nhi tách trà muối ngắm khung cảnh thần tiên này, thật chỉ ước thời gian ngừng lại ở khoảnh khắc này mà thôi.
Trước khi đến Ladakh, chúng tôi đã chọn hồ Pangong - bối cảnh cuối của bộ phim 3 chàng ngốc (3 Idiots) là địa điểm nhất định bằng mọi giá phải tới vì quá đẹp nhưng thực tế khi đến nơi thì cảnh bên ngoài không được như trên phim và thật lòng mà nói thì hồ đẹp nhất ở vùng Ladakh phải là Tso Moriri hoặc Tso Kar.
Tso Moriri ít khắc nghiệt hơn Pangong và đẹp hơn nhờ có các ruộng hoa màu của người dân trồng ven hồ tạo nên một dải lụa màu sắc cho đến khi nó hoàn toàn đóng băng vào tháng 11 hàng năm. Đến Tso Moriri bạn nhớ ở khách sạn Lake View nhé và nhớ chọn phòng view ra sông, buổi sáng quấn chăn ngắm bình minh qua khung cửa sổ cùng người mình yêu thương, một ngày mới bình yên nhẹ nhàng, một thanh thản đến lạ kỳ.
Ngắm bình minh Tso Moriri qua khung cửa sổ
Ở đây có rất nhiều tu viện nổi tiếng và Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến người dân. Mỗi gia đình ở Ladakh đều cho một người con trai của mình xuất gia làm Lạt ma và thọ giới. Họ được gửi tới các tu viện khi mới 5, 6 tuổi để giáo dục, đào tạo như các vị sư và dành toàn bộ cuộc đời của mình để nghiên cứu và học tập Phật giáo... Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác.
Hành trình chúng tôi đã đi 3 tuần với tổng kinh phí bao gồm vé máy bay và visa khoảng 1.200$ . Bạn không cần thiết phải đi hết 3 tuần, tôi sẽ gợi ý cho các bạn cung hành trình 10 ngày này, đầy đủ các cảnh đẹp tại Ladakh và không trùng lặp, thích hợp cho các cặp đôi hưởng tuần trăng mật hoặc các gia đình nghỉ dưỡng.
Nếu bạn đi vào dịp nghỉ hè (tháng 5) thì sẽ là mùa hoa táo, hoa mơ, hoa đào nở rực các con đường tại Ladakh nhé. Chúng tôi đã đi vào tuần thứ 2 của tháng 9 - thời gian đẹp nhất trong mùa thu của Ladakh với lá vàng lá đỏ và các loại trái cây. Mỗi mùa Ladakh sẽ đẹp theo một cách khác nhau, rất khó để quyết định mùa hè hay mùa thu là đẹp hơn nên bạn hãy chọn theo khung thời gian mình có thể đi nhé!
Ngày 1: Bay Sài Gòn/ Hà Nội - Kuala Lumpur - New Delhi.
Ngày 2: Bay New Delhi- Leh, nghỉ trưa tại Leh, buổi chiều có thể dạo chợ Leh.
Ngày 3: Tham quan các tu viện cổ như Thiksey, Hemis, Shey Palace.
Ngày 4: Đi thung lũng Nubra qua con đèo Khardung La- con đèo cao nhất thế giới mà xe máy có thể lên tới với độ cao 5.602m, tu viện Diskit và Sand dunes- nơi bạn có thể trải nghiệm cảm giác cưỡi lạc đà trên các đồi cát.
Ngày 5: Khám phá làng Turtuk - ngôi làng bị chia cắt bởi biên giới của Ấn Độ và Pakistan, Hundar.
Ngày 6: Tso Moriri
Ngày 7: Về lại Leh từ Tso Moriri, ghé Tso Kar trên đường về.
Ngày 8: Từ Leh, ta xuất phát đi Làng Dah( hay Dha)- ngôi làng của những người Aryan mắt xanh cuối cùng.
Ngày 9: Moonland, Lamayuru- tu viện Phật Giáo cổ nhất Ladakh và về lại Leh.
Ngày 10: Bay về Việt Nam.