Các mức lãi suất 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng cũng đều ở mức khá cao; lần lượt là 8,47%/năm, 7,69%/năm, 8,16%/năm, 8,21%/năm và 9,72%/năm.

Theo đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện nay đã vượt khá xa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong giai đoạn đầu tháng 9.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng trong tuần từ 19 - 23/9 chỉ ở mức lần lượt là 4,96%/năm, 5,19%/năm, 5,5%/năm, 5,65%/năm, 7,56%/năm và 7,54%/năm. Mặt bằng lãi suất giai đoạn này cũng đã có diễn biến tăng so với thời điểm giữa tháng 9.

Trước đó, lãi suất liên ngân hàng cũng đã có giai đoạn biến động vào đầu tháng 9. Lãi suất cho vay qua đêm hôm 6/9 ghi nhận mức 5,71%/năm; trong khi các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng lần lượt là 5,52%/năm, 6,13%/năm và 6,78%/năm.

Sau đó, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã dịu lại vào giữa tháng 9 với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tại thời điểm 16/9 chỉ ở mức lần lượt là 4,25%/năm, 4,5%/năm, 4,4%/năm, 5,29%/năm và 5,59%/năm.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh đến từ nhịp hút ròng mạnh của Ngân hàng Nhà nước vào trung tuần tháng 9 trước khi nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra lượng lớn USD để bình ổn tỷ giá cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm để duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, từ đó tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.