Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng là gì?
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng còn gọi là lãi suất huy động. Đây là mức lãi suất được ngân hàng hay tổ chức tín dụng đưa ra nhằm huy động vốn tiền gửi. Đây là mức quy định tỷ lệ lãi suất mà ngân hàng phải trả cho khách khi gửi tiền. Nói cách khác, đó là lãi suất khách hàng nhận được khi gửi tiền tiết kiệm.
Các ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất huy động dựa trên mức trần lãi suất do nhà nước quy định. Tùy thuộc vào số tiền và kỳ hạn gửi, mỗi ngân hàng sẽ có mức lãi suất khác nhau.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Tính đến thời điểm ngày 10/4/2024, ABBank đang là ngân hàng niêm yết mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất với 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Đứng thứ hai là PVcomBank với mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi tiền 12-13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Kế đến là HDBank với mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.
MSB áp dụng mức lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Ở kỳ hạn 1 tháng, hầu hết các ngân hàng có mức lãi suất 1,6% - 3,2%/năm, trong đó NCB đang có mức lãi suất cao nhất với 3,2%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất dao động từ 2,9 - 4,6%/năm, cao nhất là VietBank, OCB và HDBank với 4,6%/năm.
Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng dao động từ 2,9% - 4,8%/năm, mức cao nhất thuộc về VietBank với 4,8%/năm. Tiếp theo là OCB với 4,7%/năm.