Chị Nguyễn Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, chị vay 700 triệu đồng để mua nhà tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trong một năm đầu vay vốn, chị được hưởng lãi suất 7,5%/năm, tương đương 4,3 triệu đồng tiền lãi vay một tháng. Tuy nhiên, từ năm 2023, mức lãi suất đã lên 12%/năm khiến số tiền lãi bị đội lên khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Với thu nhập khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng thì chỉ riêng tiền lãi ngân hàng đã ngốn hơn một nửa thu nhập của chị.
“Trước đây tiền lãi thấp hơn nên hàng tháng tôi tiết kiệm vẫn đủ chi tiêu cho gia đình, nhưng giờ tiền lãi tăng cao, thu nhập không đủ lo cho sinh hoạt phí nữa, tháng nào tôi cũng phải đi vay tiền bạn bè để trang trải cuộc sống ”, chị Lan chia sẻ.
Cũng theo chị Lan, nếu một vài tháng tới, lãi suất không giảm, chị buộc phải nghĩ đến phương án bán nhà để trả nợ ngân hàng.
Giống chị Lan, gia đình anh Trần Văn Tân (32 tuổi, Hà Nội) mua căn hộ chung cư 70m2 với giá gần 2,8 tỉ đồng. Để đủ tiền mua, anh Tân vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng với thời hạn 15 năm.
Cuối năm 2022, mỗi tháng anh phải trả khoản gốc và lãi tổng cộng 5,9 triệu đồng. Nhưng bắt đầu từ tháng 1/2023, ngân hàng gửi thông báo lãi suất tăng lên 13,5%/năm, theo đó, số tiền thanh toán vào kỳ này tổng cộng gần 7,5 triệu đồng.
"Lãi suất tăng quá nhanh, tôi không biết có thể xoay xở nữa hay không ", anh Tân nói.
Thu nhập của vợ chồng anh Tân trung bình 20 - 25 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền học của con đã hơn 5 triệu đồng. "Nghĩ đến lãi ngân hàng là tôi lo ngay ngáy. Tháng nào cũng phải cân đong đo đếm mới đủ chi tiêu ", anh Tân kể.
Anh Tống Đức Anh (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang méo mặt khi lãi suất vay mua nhà tăng chóng mặt. Anh Đức Anh cho biết, anh có 2 khoản vay tại một ngân hàng thương mại. Mới đây anh nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tăng lãi vay từ 8%/năm lên gần 12%/năm.
Anh Đức Anh rất lo lắng vì lãi vay tăng cao, mỗi tháng số tiền phải trả rơi vào khoảng 80 triệu đồng trong khi kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập từ xưởng may của gia đình giảm sút.
“Tôi đầu tư đất trong thời điểm dịch COVID-19, khi lãi suất ở mức thấp, nằm trong khả năng chi trả. Nhưng hiện nay, thời gian ưu đãi đã hết, lãi suất được điều chỉnh tăng, khiến tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng tăng từ 15 - 16 triệu đồng/tháng lên 22 - 23 triệu đồng/tháng. Trong khi đất rao bán mấy tháng nay không có người mua. Điều này khiến tôi chịu áp lực rất lớn ”, anh Đức Anh tâm sự.
Theo các chuyên gia, nếu lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Nhưng nếu lãi suất cao, ngược lại, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán cắt lỗ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới.
"Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại. Do đó, trước khi lựa chọn vay ngân hàng mua tài sản là đất hoặc nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ" , vị chuyên gia khuyến cáo.
Cũng theo ông Thịnh, người vay mua nhà nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay. Bên cạnh đó, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn và chỉ nên vay trong khả năng trả nợ.
Trong LandShow số 22 của VTV Money, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất tăng khiến chi phí vốn tăng và có thể sẽ làm tăng giá nhà. Nhưng đồng thời cũng làm giảm khả năng mua nhà của người dân.
Để hỗ trợ người mua nhà, ông cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải có gói hỗ trợ như trước đây là gói 30.000 tỉ đồng và trong bối cảnh hiện nay thì quy mô gói hỗ trợ lên tới 50.000 tỉ đồng với lãi suất đâu đó khoảng 6% để giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, chương trình cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay phần nào đã lỗi thời và cần một sự cải tổ. Đơn cử, ngân hàng có các gói vay 10 năm, 20 năm, 30 năm nhưng lãi suất lại áp dụng lãi suất thả nổi.
Có rất nhiều ngân hàng mời gọi khách hàng đến vay tiền mua nhà ở với lãi suất thậm chí là 0% trong 3 tháng, 6 tháng đến một năm đầu tiên. Nhưng sau thời gian đó, lãi suất thường là thả nổi theo thị trường và điều này rất khó khăn cho người mua nhà. Nếu lãi suất tăng lên thì họ phải chịu một khoản chi phí tài chính cao hơn. Nhìn sang Mỹ, người đi mua nhà có thể trả một mức lãi suất cố định cho 30 năm và thậm chí còn lâu hơn.
Do đó, vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp để tìm những nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản.