Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho tháng 4/2021. Số ít ngân hàng điều chỉnh tăng, trong khi đa số vẫn tiếp tục đà đi xuống.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM CHƯA CHẠM ĐÁY

Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thời gian vừa qua, lãi suất huy động có diễn biến nhích tăng là do chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn.

“Theo chúng tôi, tín dụng trong quý 1/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên”, nhóm nghiên cứu tại VDSC nhận định.

Dẫn chứng thêm, VDSC đưa ra số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,49% và tăng trưởng huy động vốn đạt 0,5% so với cuối năm 2020. Trái lại, tăng trưởng tín dụng tăng tới 1,5% trong cùng quãng thời gian. Thậm chí, tại báo cáo mới nhất của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, hết quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã lên tới 2,93%.

Vì vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy.

Trong một quan điểm khác, với nhận định hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng và lạm phát tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: "Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý 2/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 0,3 – 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2021".

Tuy nhiên, khi khảo sát một vài biểu niêm yết lãi suất huy động trên thị trường, VnEconomy nhận thấy rằng, chỉ số ít các ngân hàng điều chỉnh tăng, mặt bằng chung vẫn có dấu hiệu đi xuống.

Cụ thể, ở nhóm tăng, Sacombank điều chỉnh ở hầu hết các kỳ hạn so với đầu tháng trước, tăng 0,1 – 0,2 điểm phần trăm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,4%/năm; 6 tháng lên 4,8%/năm và 12 tháng tăng lên 5,6%/năm.

Ngoài ra, VPBank cũng đồng loạt tăng 0,2 điểm phần trăm của lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, đối với khách hàng cá nhân và khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ hơn 300 triệu đồng sẽ được áp dụng lãi suất 3,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 4,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 5,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 5,2%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm.

Nhóm ngân hàng ở chiều giảm lãi suất khá nhiều. Điển hình như tại VIB, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm ở tất cả các khung tiền gửi. Mức hạ này còn xuất hiện ở kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng, trong đó, tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất giảm từ 5,6%/năm xuống 5,3%/năm; trên 1 tỷ lãi suất giảm từ 5,7%/năm còn 5,4%/năm.

Hay như tại VietABank, ngân hàng này vừa điều chỉnh tăng ở tháng trước nhưng sang tháng này lại hạ 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm nhẹ ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên còn có DongABank, Techcombank, Kienlongbank…

Được biết, tại một cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2021 do Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước tổ chức, số lượng đơn vị dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quý 2 cao hơn nhiều so với số đơn vị dự báo mặt bằng lãi suất tăng. Bình quân toàn hệ thống, kỳ vọng mặt bằng lãi suất tính đến cuối năm 2021 về cơ bản xoay quanh mức lãi suất phổ biến ở cuối năm 2020.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?

Do hầu hết các ngân hàng đều có động thái thay đổi lãi suất tiết kiệm nên mức lãi suất cao nhất trong tháng này cũng có sự thay đổi so với tháng trước.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Điều kiện để hưởng mức lãi suất này là số tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn 13 tháng.

Xếp liền sau là VietBank, ngân hàng ưu đãi cho khách hàng lãi suất 7,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng, bất kể khoản tiền gửi lớn hay nhỏ.

Các ngân hàng khác huy động tiền gửi với lãi suất cao còn có ACB với 7,4%/năm; Techcombank với 7,1%/năm; MSB với 7%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm... Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.

Đáng chú ý, một số ngân hàng gồm ABBank, SCB, VietABank và KienlongBank trong tháng trước có mức lãi suất tương đối cao, nhưng sau khi điều chỉnh hạ lãi suất, thứ bậc trong bảng so sánh lần này cũng hạ theo.

Riêng VPBank do điều chỉnh tăng mạnh lãi suất nên đã không còn là ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất tháng 4/2021. Hiện VPBank duy trì ở mức 5,7%/năm, áp dụng cho khoản tiền từ 50 tỷ trở lên gửi tại kỳ hạn 15 - 36 tháng.

Ở phía dưới bảng xếp hạng, nhóm ba ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank), cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm. Cuối cùng là Vietcombank, ngân hàng này triển khai lãi suất cao nhất 5,5%/năm cho mọi khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.

 - Ảnh 1.